Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

“Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” và trò hề của Việt Tân

 Thời gian gần đây, tổ chức khủng bố Việt Tân công bố cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” với mục đích nhằm vinh danh “những hoạt động cứu trợ dân nghèo gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã bị chính quyền bỏ rơi” và đề cao “sự hi sinh, những việc làm của những cá nhân hay những tổ chức đang miệt mài đấu tranh cho nhân quyền của dân tộc Việt Nam”, vậy thực hư mục đích của “giải thưởng” này là như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta cần phải nghiên cứu tính “chính danh” của “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” khi “cha đẻ” của nó là tổ chức khủng bố Việt Tân, vốn là tổ chức phản động lưu vong người Việt, do Hoàng Cơ Minh (nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc Hải quân chính quyền Sài Gòn cũ) thành lập năm 1982 tại Thái Lan, hiện do Đỗ Hoàng Điềm (sinh năm 1963, quốc tịch Mỹ) là Chủ tịch. Mục tiêu hoạt động của tổ chức này là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phương thức hành động ban đầu của “Việt Tân” là dùng bạo động, vũ trang, khủng bố, phá hoại ở Việt Nam, sau đó chuyển sang phương thức “đấu tranh bất bạo động hiện đại”, bản chất là kết hợp giữa “đấu tranh bất bạo động” với “bạo lực cục bộ địa phương”. Ngày 4/10/2016, Bộ Công an đã đưa “Việt Tân” vào danh sách các tổ chức khủng bố tại Việt Nam, đồng thời nêu rõ: “Người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của “Việt Tân”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Việt Tân” tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của “Việt Tân”… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Do vậy, việc một tổ chức “khủng bố” lập ra giải thưởng thì giải thưởng đó hoàn toàn không có giá trị, là bất hợp pháp, đây thực chất là trò bịp bợm của “Việt Tân” nhằm lôi kéo sự quan tâm của dư luận.

 

Việt Tân thông báo về "giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng".

Thứ hai, khi nói về “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” thì chúng ta cần nhận diện rõ Lê Đình Lượng là ai và ông ta có đóng góp gì đối với “nhân quyền” mà lại được tổ chức khủng bố Việt Tân vinh danh. Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An, Lê Đình Lượng là thành viên tổ chức Việt Tân, trong thời gian từ 2015 đến 2017, Lê Đình Lượng sử dụng Facebook mang tên "Lỗ Ngọc” để kết bạn, làm quen, lôi kéo Nguyễn Văn Hóa (đối tượng đã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 7 năm tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” vào tháng 11-2017). Lê Đình Lượng còn thường xuyên sử dụng Facebook "Lỗ Ngọc" để đăng, tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, năm 2018, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Lê Đình Lượng 20 năm tù giam về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999 và 5 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Đây là bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội đối với Lê Đình Lượng, được dư luận quần chúng đồng tình ủng hộ. Do vậy, việc “đẻ ra” một giải thưởng nhằm “vinh danh” một kẻ phản bội Tổ quốc, là một trò hề của tổ chức khủng bố Việt Tân.

Thứ ba, từ khi thành lập cho đến nay, Đảng luôn chủ trương “lấy dân làm gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay, quyền con người và pháp luật về quyền con người là nội dung rất quan trọng, được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Những thành quả trong việc bảo đảm, tôn trọng quyền con người và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân được thể hiện trên mọi lĩnh vực, ở mọi điều kiện, hoàn cảnh và đã được cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như, Việt Nam là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 và được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Mới đây, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4 năm 2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền con người trước đại dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam.

Thứ tư, thành tựu đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là trong phòng, chống dịch Covid-19 là những minh chứng rõ nét nhất trong bảo đảm quyền của con người trước những biến cố mà người dân trên toàn thế giới phải trải qua. Trong bối cảnh nguồn vaccine trên thế giới tiếp tục khan hiếm nghiêm trọng, Việt Nam đã triển khai chiến dịch ngoại giao vaccine hết sức khẩn trương, toàn diện, quyết liệt, hướng tới mục tiêu có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm chủng cho Nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp, quyết liệt, với các hình thức ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine; hay việc huy động hàng trăm ngàn y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp Nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chính là sự khẳng định sự ưu việt của chế độ ta trong đảm bảo nhân quyền. Mới đây trong chuyến thăm, làm việc tại Vương quốc Anh, khi gặp đại diện kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn nói: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”.

Mọi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật Việt Nam thì lẽ dĩ nhiên phải chịu những hình thức xử lý của pháp luật Việt Nam và đó cũng chính là minh chứng trong việc bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. Do đó, việc đề ra cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”cũng chỉ là chiêu trò mà Việt Tân đã lợi dụng để kích động, chia rẽ, cổ súy, gây mất ổn định tình hình trong nước, tạo điều kiện cho chúng tập hợp, xây dựng ngọn cờ nhằm thực hiện các mưu đồ xấu xa. Do vậy mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị tổ chức khủng bố Việt Tân lợi dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét