Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021
'Nhận nhầm' trợ cấp
Điện thoại tôi "nổ" tin nhắn liên tục sau khi tổ trưởng dân phố đăng thông báo về đợt cuối nhận trợ cấp Covid lên nhóm chat “khu phố”. Người đăng ký nhiều, người hỏi thông tin cũng nhiều. Tổ trưởng trả lời không xuể.
Tôi quay sang hỏi người nhà: "Bà ngoại mình cũng tính là được nhận trợ cấp đấy nhỉ?". Lập tức, mấy cặp mắt nhìn tôi chằm chằm: "Bà có lương hưu, nhà mình cũng chưa đói nên đừng có đăng ký". Tôi rụt lại, nhưng lòng vẫn băn khoăn vì cảm thấy bị thiệt so với nhà khác. Họ đăng ký quá trời kìa!
Tôi quay sang hỏi ông chú lao động tự do: "Chú đăng ký một suất nhé". Chú khinh khỉnh: "Muốn bị cười vào mặt hả? Có nhà cho thuê mà vẫn đi nhận trợ cấp, đã đói đâu".
Em tôi nghe kể chuyện, tặc lưỡi kết luận, rằng nhà chị rõ là gàn dở, công ty em hai vợ chồng giám đốc khai là thất nghiệp nên được nhận cả ba đợt. Mà công ty vẫn hoạt động, trả lương nhân viên đều. Tôi bắt đầu thấy tức trong lòng.
Tháng tám, tôi hòa vào dòng người lên phường "đòi" trợ cấp của khu phố. Trong trụ sở uỷ ban, một anh quát lớn: "Công bằng ở đâu?". Vì theo anh, nhà nghèo nhất khu phố chưa có đồng nào mà thằng X. làm cùng công ty anh có thất nghiệp đâu mà cả nhà được nhận hỗ trợ. Người phụ trách ra sức giải thích rằng mình chỉ làm theo quy định. Tiếng chị lọt thỏm giữa những âm thanh inh ỏi khác.
Vài người nhao nhao "chúng tôi ở nhà bốn tháng, đói rồi... Phân chia cái kiểu gì mà để cho người không xứng đáng được nhận, còn người đáng nhận lại bị gạt ra bên lề?". Chị cán bộ bị bủa vây bởi những cơn bức xúc. Tôi sợ hãi lùi dần ra khi tốp người cứ càng lúc càng tụ lại gần. Cơn kích động đã làm người ta quên hết thảy 5K, an toàn dịch bệnh.
Lời kêu gọi "mọi người bình tĩnh, có gì trình bày lịch sự" của tôi vo ve như tiếng muỗi kêu. Sau một hồi nghe đủ kiểu lý lẽ tuôn như thác đổ, tôi bỗng thấy mọi người "đấu tranh" là đúng. Con người vốn có hội chứng sợ bị bỏ lỡ - FOMO. Ở giữa đám đông kích động, những người hiền lành nhất cũng sẽ dễ dàng nổi xung. Đấy là quy luật lây lan xúc cảm trong Tâm lý học - bị cảm xúc mạnh mẽ của người khác gây ảnh hưởng, làm lệch hướng suy nghĩ và nhận định của bản thân. Trong đầu tôi nghĩ: Mình khác họ chỗ nào? Đóng thuế đầy đủ, các loại phí ủng hộ khu phố năm nào cũng góp, sao giờ lại không được nhà nước bù đắp gì trong đại dịch? Mình không rất cần tiền nhưng đủ tiêu chuẩn thì phải cho mình nhận, rồi mang đi chia sẻ lại cho ai kệ mình chứ.
Máu nóng bốc lên phừng phừng khi tôi mở mạng xã hội, nhiều người đăng ảnh khoe tiền và "cảm ơn chính phủ". Rồi thêm vài người cho biết, đồng nghiệp cũ được hẳn ba lần. Anh bạn nhà khá giả hôm trước còn đi phát gạo cứu các khu phong tỏa được nhận tiền trợ cấp. Cô đồng nghiệp ngày nào cũng chụp hình đăng đồ ăn ngon cũng được nhận tiền. Mấy bạn hôm trước than khóc em không bán hàng được cũng đã cầm tiền trong tay... Mọi người đều được, tại sao không có tôi?
Tôi và đoàn người "đấu tranh" với cán bộ khu phố không nhìn thấy những gương mặt nghèo khổ thực sự cần tiền. Chúng tôi chỉ nhìn thấy sự bất bình của bản thân.
Cuộc đòi quyền lợi ôn hòa hơn khi mọi người được hẹn bảy giờ sáng hôm sau quay lại điền hồ sơ bổ sung. Ai nấy hoan hỉ ra về.
Tôi chưa kịp về thì một cụ già tiến vào ủy ban hỏi "phần gạo chú bộ đội cho, mấy cháu mang tặng người khác khó khăn giùm được không?". Thấy cụ lọm khọm, tóc bạc, tôi chỉ chị cán bộ phường, bảo chị giúp ông làm giấy tờ nhận trợ cấp nè. Ông cụ phản ứng: "Tôi vẫn sống bằng lương hưu".
Tôi giải thích, gói trợ cấp hơn bảy ngàn tỷ lận, ai cũng có phần nên ông lấy đi, không thì lại rơi vào tay những người không xứng đáng. Cụ ông cười: "Thế nào là xứng đáng và thế nào là không xứng đáng?". Tôi trả lời, ai nghèo hoặc khổ thật sự thì xứng đáng. "Thế ai nghèo khổ thật sự nào?", cụ hỏi.
Nghĩ lại, tôi chưa đến mức đói rách, nhưng người ta hoàn cảnh giống tôi mà được lợi hơn thì tôi tự thấy tôi khổ, nên phải đi đòi trợ cấp để tránh sự bất công.
Số tiền tôi nhận được có thể sẽ dành tặng ai đó trong đoàn đi bộ từ Sài Gòn về quê, có thể cho ai đó vừa thoi thóp trở về từ bệnh viện dã chiến, cho một em bé vừa trở thành mồ côi trong những ngày đại dịch quét qua.
Tôi ngoan cố tranh luận với cụ, dẫn chứng rằng "có người giàu đã khai gian". "Nên cô cũng khai gian để được nhận chứ gì? Vậy mới là công bằng, đúng không?", giọng ông nhẹ nhàng, nhưng từng đợt gai ốc tôi nổi lên không ngừng.
Và đến hôm nay, hàng nghìn người bị phát hiện "nhận nhầm" hỗ trợ. Nhiều người có việc làm, khá giả, không khó khăn đã khai thông tin không trung thực để nhận tiền hỗ trợ Covid, các quận huyện đang phải thu hồi.
Trong những ngày nước sôi lửa bỏng, nhiều người bị đứt bữa, đói ăn, lãnh đạo Thành phố đã chủ trương chi hỗ trợ thật nhanh trên tinh thần phát nhầm còn hơn bỏ sót, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú. Những chị cán bộ như ở khu phố tôi đã chịu áp lực rất lớn từ cả cấp trên và bà con cư dân ở địa bàn. Câu hỏi về lẽ phải và trách nhiệm phát nhầm trợ cấp trong tình huống này có lẽ không nên đẩy về phía những người như chị.
Việc phát nhầm và nhận nhầm trợ cấp còn do chính những người thụ hưởng. Trong tâm lý so bì, chỉ nhờ vào vài lời khai là được tiền, lòng tham có thể trỗi dậy. Tôi có cần một triệu đồng đó? Một triệu không phải chuyện sống chết, cái tôi cần hơn là cảm giác được quan tâm, cảm giác mình không bị thiệt.
Có lẽ nào hỗ trợ chỉ được đánh giá là công bằng khi ta có phần trong đó? Có bao nhiêu trong số những người nói "nhận trợ cấp rồi về chia cho người nghèo" đã thật sự đi chia cho người nghèo? Có bao nhiêu người nghĩ lại và đem trả những đồng tiền không thuộc về mình? Nếu chưa làm thì hôm nay cơ hội ấy vẫn còn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét