Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

VIỆT NAM VỚI NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO CHO TOÀN DÂN

 

Vào ngày 4/4 vừa qua, người dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn tại Bình Thuận đã vui mừng kỷ niệm một năm ngày Lễ hội Katê được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, theo Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL, ngày 4/4/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại An Giang, Tháng ăn chay Ramadan 2022 Dương lịch - 1443 Hồi lịch của người Chăm theo đạo Hồi- bắt đầu từ thượng tuần tháng 4 đến tháng 5 (nhằm ngày 2/4 đến ngày 2/5) đã diễn ra với đầy đủ các nghi thức như: Lễ nguyện I’Sha, đọc kinh Qur’an, cầu nguyện hòa bình và nhiều hoạt động xã hội từ thiện, thể thao, văn nghệ giao lưu truyền thống... trong sự tôn trọng của cộng đồng và tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền.
Trong dịp lễ, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh đã kêu gọi các tín hữu Islam tiếp tục phát huy tình đoàn kết, luôn đồng hành, gắn bó với các tôn giáo khác và cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tích thực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đúng giáo lý tôn giáo Islam gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Cũng trong tháng 4, tại chùa Ratana Paphia Vararam (chùa Chín Ngàn), xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, Hậu Giang, bà con đồng bào Khmer ở xã Vị Bình và xã Vĩnh Trung chuẩn bị thực hiện các nghi thức truyền thống rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây với không khí nhộn nhịp, vui tươi.
Nét mặt phấn khởi, ông Thạch Bích ( ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) chia sẻ: “Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào Khmer tại địa phương có vụ mùa bội thu, vừa trúng mùa, vừa được giá, chuẩn bị cái Tết tươm tất hơn. Niềm vui càng nhân lên khi chùa Chín Ngàn vừa khánh thành chánh điện mới, bà con có nơi để tập trung sinh hoạt văn hóa nên rất vui."
Vào những ngày lễ, Tết, bà con tập trung về các chùa theo nghi thức cổ truyền của dân tộc Khmer, đảm bảo tổ chức trang nghiêm, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tâm linh, một số chùa trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm lo cho các vị sư sãi bồi dưỡng tiếng Khmer; hỗ trợ các vị sư sãi học bổ túc văn hóa, trung cấp, đại học tại trường trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao kiến thức.
Vào đầu tháng 6, dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567-Dương lịch 2023, các cơ sở Phật giáo trên các tỉnh thành toàn Việt Nam được trang trí hết sức trang trọng, sẵn sàng cho việc đón tiếp đông đảo tăng ni, Phật tử, cũng như người dân tham gia Đại lễ.
Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kêu gọi: Tất cả tăng ni, phật tử cùng nhau dấn thân hơn nữa trên con đường thực hành Bồ tát hạnh như lời Đức Phật đã dạy; nguyện cầu chiến tranh, xung đột chấm dứt, dịch bệnh tiêu trừ, khắp chốn an vui, mưa thuận gió hòa, muôn dân an lạc, đất nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đoàn kết, hòa hợp, củng cố, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái, các thế hệ; vừa phát huy các giá trị đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, vừa mở rộng và tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết giữa Phật giáo với các tôn giáo ở Việt Nam.
Không khí nhộn nhịp náo nức hoan hỷ không chỉ ở mùa Phật đản, dịp lễ Giáng sinh hằng năm tại Việt Nam từ lâu đã trở thành lễ hội của rất nhiều người chung vui, với đồng bào Công giáo ngay từ khi bắt đầu mùa Vọng…
Có thể kể ra rất nhiều các hoạt động tôn giáo đa dạng, phong phú đã và đang diễn ra thường nhật trên lãnh thổ Việt Nam. Những điểm chung của các hoạt động tôn giáo đó là phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, đáp ứng được nhu cầu đời sống tín ngưỡng tinh thần cộng đồng và được pháp luật bảo hộ.
Các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc
Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật. Chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi lãnh đạo cách mạng đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngay sau khi nước nhà độc lập, ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng, tự do và lương - giáo đoàn kết.” Quan điểm tư tưởng đó được Đảng, Nhà nước ta thể chế bằng các văn bản pháp luật, để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ và bảo đảm ngay trên thực tế.
Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14/6/1955 gồm 5 chương, 16 điều, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Trong đó nêu rõ, “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý... Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”.
Trong tiến trình cách mạng của đất nước, chính sách nhất quán, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được hoàn thiện theo hướng tiệm cận luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia thành viên, nhằm đảm bảo cho mọi người được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn trên thực tế và được bảo đảm bằng các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.”
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo đã thực sự tác động tích cực đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng nhân dân; thúc đẩy sự phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, số lượng chức sắc, người theo đạo, cơ sở thờ tự ngày càng tăng.
Qua con số thống kê được Thạc sỹ Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ cung cấp, vào năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu người có đạo, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc.
Đến năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 27,2 triệu người có đạo, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc, 29.718 cơ sở thờ tự.
Số lượng chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo có vai trò quan trọng trong tổ chức Giáo hội, là người thụ hưởng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, hằng năm có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn người theo đạo tham gia. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, với 300 trường mầm non...
Từ năm 2018-2021, đã cấp phép xuất bản 2.027 ấn phẩm với trên 7 triệu bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc và có 25 tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động…
Đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là động lực phát triển
Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng. Chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông. Cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.
Từ năm 2011 đến nay, khoảng 2.000 lượt cá nhân tôn giáo đã xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo. Đồng thời, gần 500 đoàn nước ngoài, với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu, hướng dẫn tại cơ sở thờ tự, tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo Việt Nam tổ chức như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; Lễ hội của Công giáo, Tin Lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Điều này đáp ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận là tín đồ tôn giáo.
Hiện cả nước có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại địa bàn các tỉnh, thành phố, chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh (41 điểm nhóm), thành phố Hà Nội (13 điểm nhóm) với sự tham gia của hàng trăm người có quốc tịch từ nhiều nước (Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp,...).
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đảng, Nhà nước chủ trương xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tôn trọng ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vì sự ổn định, phát triển của đất nước.
Mỗi khi Đảng có chủ trương, quan điểm mới về tôn giáo, Nhà nước kịp thời thể chế bằng những văn bản pháp luật để đưa vào thực tiễn. Đảng, Nhà nước ta cũng kịp thời chấn chỉnh để công tác tôn giáo đi vào nền nếp, đúng hướng, tạo sự tin tưởng của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo.
Để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đã khẳng định “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước như ngày nay,” là do sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong đó có sự đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội khóa XV, có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu (trong đó có 4 chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử; 1 chức sắc ứng cử lần đầu); 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các hội, đoàn thể khác như Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội Bảo trợ người Khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam...
Trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học. Tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột. Thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Trị giao thêm 15ha cho Giáo xứ La Vang. Năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 486 cơ sở thờ tự tôn giáo, tăng 60 cơ sở so với năm 2021; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với trên 684,2 nghìn bản in.
Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng quy định của pháp luật; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển theo đúng Hiến chương, điều lệ…
Phản bác các luận điệu xuyên tạc về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Thế nhưng, thế lực xấu chưa bao giờ từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình,” lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, móc nối với số bất mãn chế độ, có tư tưởng định kiến với Đảng, Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, quy chụp những điều không có thật, yêu cầu thả người “đấu tranh cho tự do tôn giáo”...
Chúng xuyên tạc quy định “việc đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung” trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là nhằm “kìm kẹp hoạt động tôn giáo.” Chúng lợi dụng những vấn đề xã hội về ô nhiễm môi trường, về công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam để xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam, với mục tiêu gây rối loạn lòng dân, gieo rắc thị phi trong chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, gây sự hoài nghi, giảm sút niềm tin của chức sắc tôn giáo và tín đồ quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Từ một số vụ việc nổi cộm của đời sống có liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động đã lồng ghép yếu tố chính trị, kích động người dân bất hợp tác với chính quyền, tham gia biểu tình, gây ra điểm nóng tôn giáo, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành.
Ở nước ngoài, một số hội nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng thường xuyên đăng tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo; kích động nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do tôn giáo,” “tự do nhân quyền;” viết thư ngỏ kêu gọi các tổ chức chính trị, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng can thiệp...
Những luận điệu nói trên là đi ngược lại thực tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Trong những năm qua, với sự khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội của Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đồng thời tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Trong những năm dịch COVID-19 hoành hành, các tổ chức tôn giáo đã chung tay cùng với chính quyền, với nhân dân không phân biệt tôn giáo nào trong công cuộc chống bệnh dịch cũng như trong công cuộc xây dựng phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch.
Sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, của các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đã đem lại những thành quả tích cực trong phát triển và phục hồi kinh tế của Việt Nam-được quốc tế đánh giá cao và nhận định Việt Nam là “một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.”
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã được mời phát biểu tại Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với chủ đề: "Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước" với sự tham gia của Giáo sư Klaus Schwab-Chủ tịch WEF, ông Borge Brende-Giám đốc Điều hành WEF cùng khoảng 50 lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF.
Đây là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam.
Vào ngày 9/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông và 4 Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã ra mắt Sách Trắng: “Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam.” Cùng với thực tiễn sinh động đang diễn ra, Sách Trắng “Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam” cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Sách Trắng: “Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam” cũng nêu những thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, tiếp tục góp phần giúp thế giới và người dân hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Đồng thời, Sách Trắng: “Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam” chính là căn cứ xác thực giúp bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; cung cấp thông tin để người dân tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu khống với ý đồ xấu, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu gây bất ổn xã hội, chống phá chế độ… của các thế lực thù địch.
Tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 29/4 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ năm 2021 lên án Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: "Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Tình hình Tự do Tôn giáo Thế giới năm 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tôn giáo tại Việt Nam."
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước,” Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt bày tỏ.
Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt khẳng định: Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế. Thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hết sức phong phú và sinh động. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được đảm bảo tôn trọng trên thực tế: hiện nay, ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó trên 25 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 27% dân số; riêng công giáo có trên 7 triệu người, tin lành có trên 1 triệu tín hữu.
Đồng thời, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt cũng nhấn mạnh: "Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật!"./.
ST

XÔN XAO THÁNG BẢY


 Qua Kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia vài ngày là đến tháng bảy. Tôi có cảm tưởng, bánh xe thời gian mải miết quay mà chẳng ai hay vì con người còn bận bao nhiêu điều để lo toan suy nghĩ, bao nhiêu việc để làm. Để rồi một ngày vô tình chợt nhìn lên lốc lịch mới hay tháng bảy đã về…

Tháng bảy ở quê nhà vẫn là tháng của những ngày hè nắng nóng. Lúc này, cánh đồng lúa đã gặt xong, người dân tập trung phơi lúa, phơi rơm rạ chất đống lấy thức ăn cho trâu bò phòng mùa đông rét mướt không có lương thực. Tháng bảy có những cơn mưa chóng đến rồi lại chóng đi. Hình ảnh cả nhà vội vàng sau bữa ăn trưa hay thậm chí trong bữa ăn phải thả đũa để chạy đi cứu lúa cứ chảy miết trong đầu tôi. Mặc dù cố gắng hết sức mình, mồ hôi ướt sũng nhưng vẫn không thể nào cứu trọn vẹn sân lúa. Cả nhà đứng nhìn mưa cuốn lúa trôi theo dòng nước trong bất lực, rồi chờ nắng lên phơi khô vớt vát được chút ít cho đám gia súc, gia cầm.
Tôi nhớ ngày còn bé, sau cơn mưa tháng bảy, sau những buổi vất vả chạy lúa, chạy rơm, trẻ con lại cầm thau chậu ra đồng đi mò cua, cá. Mưa xuống nước mát rượi, lũ cua đồng bò ra lổm ngổm dọc các bờ kè, kênh mương tìm kiếm thức ăn. Cua tháng bảy con nào con nấy béo chắc, rất ngọt nước. Nhắc tới cua đồng chắc hẳn những người sinh ra từ quê như tôi sẽ không bao giờ quên được món canh cua trứ danh nấu với rau tập tàng ăn kèm ít cà pháo muối chua. Cua bắt về rửa sạch, tách mai, bỏ mu rồi giã lấy nước bắc lên bếp nêm nếm chút gia vị. Đợi nước sôi thả rau tập tàng, cho sôi thêm vài phút là có thể nhấc xuống ăn được. Điều làm nên sự đặc biệt ở bát canh cua rau tập tàng đó là vị ngọt tự nhiên, khi ăn cứ đọng mãi với bao nhiêu dư vị đậm đà.
Tháng bảy của những ngày xưa thơ dại tôi hay thẩn thơ bên hiên nhà cùng ông với đống huy, huân chương mà chưa hiểu rõ được ngọn ngành ý nghĩa. Chỉ thấy ánh mắt ông dường như mờ đục, hình như ông đang khóc. Trước mắt ông là những tấm huy, huân chương gắn với hình ảnh ngôi sao năm cánh đỏ thắm. Rồi từ từ được nghe ông kể chuyện ngày xưa với những năm tháng thanh xuân vào Nam ra Bắc đánh giặc cứu nước. Ông đã có thời thanh xuân tươi đẹp, kiên cường và dũng cảm, cùng đồng đội vào ra sinh tử vì mục đích, lý tưởng cao cả: giành độc lập, tự do cho đất nước, để thế hệ mai sau được hưởng trọn bầu trời hòa bình. Lớn lên tôi mới hiểu rõ và càng thương ông, thương đồng đội của ông nơi chiến trường năm xưa hơn.
Tháng bảy lúc nào cũng xôn xao với những người con xa quê, mang nỗi nhớ quê nhà da diết. Tôi chỉ mong sắp xếp được chút thời gian để về với gia đình, về với niềm bồi hồi của cái ôm mẹ con trao nhau hạnh phúc. Cứ nghĩ, hạnh phúc là một điều gì đó cao xa mà quên rằng nó ở gần ngay trước mắt. Như một sáng tháng bảy, ngồi bên hiên nhà nhìn ông hoài niệm với đống huân, huy chương, thấy một cơn mưa rào mùa hạ đang ào ạt trôi dưới mái hiên… cũng đủ làm tim tôi rộn ràng hạnh phúc./.
ST

ĐỪNG ĐỂ NGẬP CHÂN TRONG "MA TRẬN" XUYÊN TẠC VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ

 


Lâu nay, vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia được coi là “mảnh đất vàng” để các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bóc trần, phản bác và kiên trì đấu tranh với những âm mưu kiểu này chính là hành động thiết thực góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền hợp pháp, thiêng liêng của đất nước.
"Ngón nghề" khó bỏ
thể nói rằng, lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền về biển, đảo để xuyên tạc sự thật, kích động dư luận và gây rối vốn là “nghề” của các thế lực thù địch muốn chống phá Việt Nam. Và như một thói xấu cố hữu, thường thì cứ mỗi khi nước ta đứng trước những sự kiện trọng đại, ngón nghề này lại được chúng tung ra để phá bĩnh, làm đảo lộn tình hình.
Trong những ngày toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn khởi chào mừng sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dư luận tiến bộ trong nước và quốc tế không khỏi bức xúc khi trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin xuyên tạc vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Chỉ cần bớt chút thời gian suy ngẫm, đối chiếu và nhìn nhận một cách thấu đáo, có thể kết luận đây là luận điệu của các phần tử cơ hội, phản động, thường xuyên rình rập cơ hội để chống Đảng, chống Nhà nước và gây xáo trộn cuộc sống ổn định, hoà bình hiện nay của nhân dân Việt Nam. Ở đâu đó, trên các trang mạng xã hội hay các diễn đàn quy tập nhiều phần tử bất mãn, rêu rao rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng việc tổ chức đại hội Đảng hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo”; hoặc cố tình xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc thông qua những “thuyết âm mưu” nhuốm màu kích động như: Việt Nam lôi bè kéo cánh, đi với nước này, chống nước kia; và rằng, không đánh nhau thì m.ất biển, m.ất đảo, thế nước lâm nguy...
Vạch trần chân tướng và đường đi của những chiêu trò này là việc nhất thiết phải bàn, phải làm. Có thể tự hào khẳng định rằng, lịch sử quá trình dựng nước, giữ nước, xây dựng và phát triển đất nước đã chứng minh, trong mỗi người dân Việt Nam là một trái tim yêu nước. Khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia đứng trước những thách thức hoặc bị xâm phạm, lòng yêu nước được người dân thể hiện bằng cách dồn tối đa sự quan tâm, thường xuyên dõi theo những thông tin liên quan. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng thù địch đưa ra những thông tin sai sự thật hòng bẻ lái dư luận, kích động người dân nhằm mục đích cuối cùng là xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và quân đội. Cụ thể, cùng với việc phê phán các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, các đối tượng này cũng đồng thời quy chụp lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ta "phản ứng chậm" hoặc "né tránh, không dám đối đầu, đang tâm để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị đe dọa” (!). Mưu đồ cốt lõi của những luận điệu này là khiến lòng dân m.ất yên, dần m.ất niềm tin vào lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Càng nguy hiểm hơn khi nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo để kích động, kêu gọi người dân “xuống đường” thể hiện lòng yêu nước, từ đó gây m.ất an ninh, trật tự xã hội và kiếm cớ để tiếp tục chống phá.
Một thực tế khác cần nhìn nhận, đó là trong khi đa số người dân nhận thức đúng đắn về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, gần như “miễn nhiễm” với những luận điệu xuyên tạc, hồ đồ và cũ rích ấy, thì vẫn còn khá nhiều người "sập bẫy", trong đó chủ yếu là những người mới hoặc ít tiếp xúc với internet, mạng xã hội. Sự thiếu nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước khiến họ chưa kịp chắt lọc thông tin đúng-sai, dễ bị cuốn vào “ma trận phản động” trên internet.
Sự thật nằm trong những cái đầu tỉnh táo
Cùng với việc nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch chống phá sự ổn định của Việt Nam thông qua chiêu bài về chủ quyền lãnh thổ, việc nắm vững chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tỉnh táo để hấp thụ đầy đủ bản chất của vấn đề là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Trước hết, phải nhắc lại rằng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và được chứng minh trong cách thức Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông, với tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Quan điểm xuyên suốt này còn được nêu rõ trong các phát biểu của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) vào giữa tháng 10-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quan hệ đối ngoại của Việt Nam thời gian qua rất tốt, bằng chứng là 192 nước đã nhất trí bầu Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Cùng với đó, kinh tế đối ngoại cũng không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, một số khu vực, địa bàn còn tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh-trật tự, nhất là về vấn đề lãnh thổ, biên giới, biển đảo. Cũng tại cuộc tiếp xúc đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi cử tri cảnh giác với những quan điểm cực đoan về vấn đề Biển Đông và khẳng định cần phải giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hay như tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, cùng với việc nhấn mạnh chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình và tự vệ của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu rõ: “Chúng ta mong muốn hoà bình, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Chúng ta xây dựng quốc phòng cũng vì mục đích hoà bình. Nếu một khi đất nước chúng ta bị chiến tranh, chúng ta buộc lòng phải cầm súng thì chúng ta cũng phải cầm súng vì hoà bình. Chúng ta chỉ sử dụng sức mạnh quốc phòng trong tình huống tự vệ khi đất nước bị xâm hại, trước hết là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc, sự ổn định của chế độ”.
Ngoài ra, Sách trắng Quốc phòng cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", "không tham gia liên minh quân sự", và bởi vậy, quan điểm cho rằng Việt Nam “bài nước này, thân nước kia” hay “đi theo nước này, chống nước kia”, suy cho cùng chỉ là dối trá, lừa phỉnh dư luận.
Những bài học đắt giá từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ đã khiến nhiều nước, trong đó có cả những quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh, đang đi theo hướng lấy đối thoại, luật pháp quốc tế làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, thay vì cổ xúy cho xung đột và đối đầu. Điều đó càng chứng minh rằng quan điểm, chủ trương, đường lối, đối sách của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giải quyết các vấn đề liên quan là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như cuộc sống hoà bình, ổn định hiện có, là vấn đề chiến lược, việc đại sự, đòi hỏi phải có chủ trương, đường lối, đối sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả và bền vững. Do đó, chúng ta cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò, luận điệu kêu gào, xuyên tạc, kích động để không mắc mưu những phần tử xấu và thế lực thù địch để rồi ngập chân trong thứ “ma trận” quái gở mà chúng cố tình giăng ở khắp nơi./.
ST




NHỮNG VỆT SÁNG CUỐI TRỜI


 Buổi tối mùa hè hồi thơ bé của tôi thường gắn liền với bầu trời đêm đen thẫm rắc đầy những vì sao lấp lánh. Nó tràn ngập nhiều điều bí ẩn và diệu kỳ trong tâm tưởng của một đứa trẻ lên mười như tôi ngày ấy.

Ngoài lúc dán tai nghe cái radio bé tí và luôn rột rẹt thì tôi thường nằm chỏng chân trên chiếc chõng tre kê giữa sân mà cãi nhau với đứa em xem đứa nào nhìn ra chòm sao Thần nông có cây gầu sòng đang tát nước và con vịt đang bơi cạnh dòng sông Ngân Hà một cách nhanh nhất. Thông thường, để dẹp màn cãi cọ bất phân thắng bại ấy, mẹ tôi sẽ kể một câu chuyện khác liên quan đến những vệt sáng đang lóe lên phía chân trời xa. Đấy là những tia chớp mang đến cho bầu trời đêm thứ ánh sáng chói lóa soi rõ một khoảng trời có những cụm mây đủ hình thù kỳ bí trong chốc lát. Kể cả khi trời không có cơn mưa thì phía chân trời cũng luôn có những vệt sáng đầy hấp dẫn như thế. Lúc trời sắp mưa giông thì khác hẳn, những vệt sáng sẽ dữ dội và mãnh liệt hơn nhiều, nó giống y như những ánh dao tóe lửa rạch nát cả bầu trời đêm đen thẫm.
Bầu trời với chúng tôi khi ấy vô cùng hấp dẫn và đầy ao ước khi câu chuyện mẹ kể hệt như trong chuyện cổ tích. Chúng tôi khoái nhất khi mẹ bảo những ánh sáng chớp lòe rực rỡ ấy phát ra từ cửa của một cái kho lớn chứa đầy vàng bạc châu báu của thiên đình. Vàng bạc trong đó chất cao thành đống, có vô vàn những cục nhỏ xinh như viên sỏi cuội, rồi có cả những cục to lớn như cái cối đá tảng. Nhiều vàng thế nên mỗi khi cánh cửa mở, ánh sáng tỏa ra mới rực rỡ đến như vậy. Bọn tôi há hốc mồm nghe và đứa nào cũng ao ước được một lần đặt chân đến đấy. Thế nhưng mẹ bảo phải ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, đặc biệt không được gian dối và cãi cọ nhau thì mới có thể vượt qua cây cầu vồng bảy sắc để đến cái kho vàng đó được. Cây cầu vồng bắc qua con sông trên trời rất nhỏ bé, đã chênh vênh lại còn khó đi hơn nữa bởi chỗ màu đỏ sẽ rải đầy than lửa đỏ rực, chỗ màu trắng làm từ băng giá buốt lạnh, chỉ có ai chăm ngoan mới được bà tiên cho mượn đôi hài bảy dặm để đi qua. Mà bà tiên thì lại biết rất rõ chúng tôi đứa nào ngoan, đứa nào hay cãi cọ, tị nạnh nhau, chăm chỉ hay lười biếng, thật thà hay gian dối… để còn xem xét có cho mượn đôi hài hay không. Đôi hài kỳ diệu chỉ cần bước một bước thôi cũng có thể băng qua những đoạn rải đầy than đỏ hay băng giá lạnh buốt chân ấy. Và cánh cửa của cái kho vàng kia sẽ mở ra hay đóng vào rất nhanh, nếu ai tham lam lấy nhiều vàng bạc sẽ khó mà thoát ra nhanh chóng, có thể bị nhốt ở trong đó rất lâu, cho đến tận khi nào có người đến mở cho ra mới trở về nhà được. Và ra được khỏi cửa rồi nhưng nếu mang nhiều vàng quá thì việc đi qua cây cầu nguy hiểm kia cũng rất khó khăn. Chẳng may mà sẩy chân rơi xuống dòng sông bên dưới có đầy bọn thuồng luồng đang chờ sẵn thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Bao giờ cũng vậy, khi nghe mẹ kể đến chỗ đấy, tôi hay nhìn xuống đôi dép sứt sẹo dưới chân mình và thầm nghĩ không biết nếu chạy qua than đỏ, nó có thể chịu được bao lâu, có bị nóng chảy ra ngay không, và đôi chân bị bỏng sẽ đau đến chừng nào. Nỗi âu lo còn thoáng qua trong trí óc, liệu đôi chân to bè vì chạy nhảy nghịch ngợm của mình chẳng biết có đi vừa đôi hài nếu được bà tiên cho mượn…
Bởi thế nên muốn được đến cái kho vàng ao ước kia và trở về an toàn thì chỉ có thể ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, và luôn làm việc tốt để được bà tiên cho mượn đôi hài bảy dặm mà thôi. Câu chuyện luôn dừng lại vào lúc đôi mắt chúng tôi đã díp xuống và hai đứa thống nhất sẽ mang về cục vàng to cỡ nào. Em tôi sợ ngã xuống sông nên nó chọn lấy trong kho cục vàng bé bé, đút vừa trong túi áo, nếu kịp qua cầu thì nó sẽ đi hai chuyến. Còn tôi khỏe hơn nên sẽ chọn lấy cục vàng to cỡ cái cối đá mẹ hay dùng giã cua, nếu nặng quá không vác được tôi tính sẽ chầm chậm vần qua cây cầu đầy nguy hiểm ấy. Em tôi trấn an rằng, than đỏ và băng giá không làm hỏng cục vàng được đâu. Tất nhiên trong rất nhiều giấc mơ ngày ấy, bọn tôi toàn mơ thấy mình có được đôi hài của bà tiên để băng qua cây cầu bảy sắc, đến đứng trước cánh cổng thần kỳ chờ nó mở ra, đợi ánh chớp sáng lóe lên để chạy vào ôm lấy một cục vàng đẹp đẽ. Buồn ở chỗ giấc mơ luôn dừng lại ở đấy thôi chứ tôi chưa lần nào vào được bên trong xem kho vàng bạc sáng ngời chất đống nhiều đến cỡ nào. Thế nên hồn vía tôi vẫn chưa một lần ôm được cục vàng dù to hay nhỏ bao giờ. Đêm nào tôi cũng chờ giấc mơ đó, chờ mơ đến khúc tôi chạy hẳn vào trong kho chứa, chọn cho mình một cục vàng đẹp đẽ nhất để mang về nhà…
Cho đến bây giờ, đấy vẫn là một giấc mơ dang dở…
Thỉnh thoảng, những buổi tối nhìn bầu trời đêm đen thẫm chi chít những vì sao lấp lánh, thấy những vệt sáng lóe lên phía chân trời xa, tôi lại nhớ về câu chuyện cái kho vàng đầy ao ước năm xưa mà mẹ hay kể. Lạ lùng sao, tôi vẫn chờ khúc vĩ thanh của giấc mơ ngày ấy…/.
ST

"CHỈ SỢ LÒNG DÂN KHÔNG YÊN"

 

Trong di sản Hồ Chí Minh có những từ “sợ”, “lòng dạ”, “lòng dân”, “lương tâm”, “chính tâm”, “niềm tin”. Đáng chú ý nhất khi Người nói “chỉ sợ lòng dân không yên”.
mấy trường hợp điển hình Bác nói đến những cụm từ trên. Thứ nhất, chuyện kể rằng sau Cách mạng Tháng Tám thành công, có cán bộ cao cấp hỏi Bác: “Thưa Bác, cách mạng thành công rồi, chính quyền về tay nhân dân, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Bác có điều gì sợ không ạ?” Bác trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Bác vẫn còn một điều sợ, đó là sợ các chú làm bậy, ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, dẫn đến mất lòng tin của nhân dân”.
Đối chiếu câu chuyện ở trên với những bài viết, bài nói của Bác ngay sau Cách mạng Tháng thành công nhận thấy rất logic, rất hợp lý. Đúng nửa tháng sau Tuyên ngôn độc lập, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, Người đã nói đến việc đề phòng hủ hóa, cán bộ lên mặt làm quan cách mạng, độc hành độc đoán, hoặc dĩ công dinh tư (lấy của chung làm của riêng), v.v.. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lung lay. Trong bài “Sao cho được lòng dân” Người viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Ngày 17-10-1945, trong bài “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng báo Cứu quốc, sau khi nêu thành tích nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ và rất được lòng dân, Bác chỉ ra sáu lầm lỗi rất nặng nề như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Những người mắc lỗi lầm đó tưởng mình là thần thánh, coi khinh dân gian, huênh hoang, khoác lác, kiêu ngạo, cử chỉ vác mặt “quan cách mạng”, làm mất lòng tin cậy của dân, hại đến uy tín của Chính phủ.
Thứ hai, tháng 6-1949, trong tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính, khi bàn về chữ Liêm, Bác viết “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Thứ ba, tháng 9-1950, trên đường đi chiến dịch Biên giới, ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong, Bác làm bài thơ có 4 câu: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Thứ tư, tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966, Bác nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng/ Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Thứ năm, tháng 6-1968, khi nêu ý kiến về làm và xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt”, Bác nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Một lần duy nhất khi trả lời một nhà báo nước ngoài của báo Frères D’armes, khi được hỏi: “Chủ tịch sợ gì nhất?”, Bác trả lời: “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”. Như vậy theo Bác, một người yêu nước, người cách mạng thì không sợ gì cả, chỉ sợ lòng dân không yên, vì lòng dân không yên, mất lòng dân là mất tất cả.
Xâu chuỗi những bài viết, bài nói của Bác liên quan tới những cụm từ trên cần nhận thức thấu đáo rằng Bác cho ta thấy sức mạnh của nhân dân gồm hệ thống một nguồn lực như tài dân, sức dân, của dân, quyền hành, lực lượng; khôn khéo, trí tuệ, thông minh, sáng tạo, hăng hái, anh hùng, dũng cảm, cần cù. Đó là sức mạnh chúng ta có thể nhìn thấy. Còn một nguồn “sức mạnh mềm” tiềm ẩn bên trong có ý nghĩa nền tảng, động lực, tiền đề của những sức mạnh trên, đó là lòng tốt, lòng trung thành của nhân dân. Lòng dân là sức mạnh vô biên, vô địch, có ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng. Bác viết “dân rất tốt”. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Cán bộ, đảng viên phải ghi tạc vào đầu cái chân lý ấy. Nếu cán bộ, đảng viên có tâm trong sáng, chính trực, biết nuôi dưỡng, vun bồi, khơi dậy lòng tốt của dân - tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng lòng tốt đó - thì dân sẽ ủng hộ, giúp đỡ ta. Nói với Công an nhân dân, Bác chỉ rõ ta được lòng dân thì không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì không thể làm tốt công tác. Nói về Chính phủ lo phấn đấu cho lợi ích của nhân dân nên nhân dân hăng hái, hoàn toàn tin tưởng và nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ, Bác kết luận: “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được; trái ý dân thì chạy ngược chạy xuôi”.
Khi Bác nói “nước lấy dân làm gốc”, “dân là gốc” cần được hiểu lõi cốt của gốc là lòng dân. Việc gì đúng với nguyện vọng và hợp lòng dân thì được quần chúng ủng hộ và hăng hái đấu tranh. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thành công hoàn toàn.
2. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay khi bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm đầu tiên là trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2021), nghị quyết các Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong thời gian gần đây, Tổng Bí thư Đảng ta trăn trở nhiều về hai chữ “lòng dân” bởi nó liên quan tới vận mệnh của Đảng, của Tổ quốc, dân tộc và chế độ. Ông viết: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019, tr.80). Từ đó, ông nhấn mạnh: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Sđd, tr.116-117). Gần đây, khi bàn về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, người đứng đầu Đảng ta suy nghĩ nhiều về các giải pháp thúc đẩy công cuộc đổi mới. Cùng với việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, ông nhấn mạnh hai nhân tố có ý nghĩa quyết định. Đó là cùng với việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đại hội XIII rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó bài học thứ hai có tinh thần, nội dung cốt lõi là lòng dân, sức dân, niềm tin của nhân dân. Đảng ta khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người viết Di chúc được coi như cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới (quốc bảo). Theo Bác, xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là một nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cho thấy chỉ có dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, làm hợp lòng dân thì mới đi tới thắng lợi hoàn toàn./.
ST

TẬN HIẾN VỚI CÁCH MẠNG

 Trong căn nhà số 670 Trần Cao Vân (Thanh Khê, Đà Nẵng), dưới làn khói hương trầm mặc, bà Lê Thị Quý-người con duy nhất của ông Lê Văn Xoài và bà Nguyễn Thị Hạt bồi hồi kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng của ba mẹ mình.

Bà Nguyễn Thị Hạt là chị cả trong gia đình gồm 7 chị em, trong đó 4 em trai đều trưởng thành trong Quân đội là: Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Bá Phát (sau gọi là Chuẩn đô đốc); Đại tá Nguyễn Bá Trình; Đại tá Nguyễn Bá Phước; Trung tá Nguyễn Bá Ninh và 2 em gái là Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Liên đều là những cơ sở cách mạng kiên trung.
Bà Quý kể: “Ba tôi từng đi lính lê dương cho Pháp, làm Lý trưởng làng Hà Khê, nay thuộc hai phường Thanh Lộc Đán và Xuân Hà (quận Thanh Khê), rồi làm cơ sở cho cách mạng. Tiết kiệm được một số tiền lớn, ông mua một căn nhà và khu vườn có diện tích khoảng 800m2 ở khu vực số nhà 670 Trần Cao Vân hiện nay”.
Bấy giờ, dân cư ở làng Hà Khê còn thưa thớt. Ông bà cho đốn hết những cây dại ở khoảng đất phía sau khu vườn để dân đến ở. Năm 1945, quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng, gia đình tản cư vào vùng tự do ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Đến năm 1952, ông bà trở lại Đà Nẵng. Thấy khu đất bên kia đường, đối diện với căn nhà đang ở còn bỏ hoang, ông bà tổ chức di dời mồ mả, phát quang cây cỏ được hơn 1.200m2 làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng. Gia đình nào trong làng gặp khó khăn, bà cho mượn tiền để đóng tàu, ghe, thúng đi đánh cá. Lúc người dân trả nợ, bà không nhận tiền mà chỉ lấy cá khô, mắm, thuốc men để gửi lên căn cứ.
Năm 1962, trước yêu cầu của tổ chức, bà Hạt được giao nhiệm vụ làm hầm bí mật trong nhà để nuôi cán bộ, cất giấu tài liệu và vũ khí, là nơi chuyển truyền đơn cho các cơ sở khác. Ngày 20-6-1963, bà Hạt được kết nạp Đảng. Năm 1964, bà được bầu làm Bí thư Chi bộ làng Hà Khê. Cùng với công tác xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu, bà đã đấu tranh vận động nhiều binh lính bỏ hàng ngũ địch về với gia đình, đưa thanh niên lên căn cứ nhập ngũ, bổ sung lực lượng cho Thành đội Đà Nẵng.
Đầu tháng 1-1968, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gia đình bà Hạt tham gia nuôi giấu cán bộ. Ngôi nhà của gia đình bà trở thành trung tâm chỉ đạo chiến dịch của quận Nhì (Đà Nẵng). Để phục vụ chiến dịch, bộ đội cần một lượng lớn thuốc nổ, vũ khí chuyển vào nội thành. Không quản ngại hiểm nguy, bà Hạt lên gia đình bà Nguyễn Thị Hợi (em ruột bà Hạt, cũng là một cơ sở cách mạng) ở Nam Ô, Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhận súng đạn, thuốc nổ đem về cất giấu tại nhà mình. Nhằm che mắt địch, bà chế thùng đựng dầu đậu phộng (dầu lạc) thành hai đáy, bên trên đựng dầu, bên dưới chứa thuốc nổ, súng được giấu trong các bao than củi chất lên xe lam. Trong vai người nhập hàng về bán, bà cùng với cơ sở của mình đã vận chuyển thành công số lượng lớn vũ khí về cất giấu trong vườn nhà. Súng thì đưa vào hầm bí mật, còn thuốc nổ được ông Lê Văn Xoài bọc kỹ rồi chôn dưới đáy các chậu cây cảnh. Sau đó, số vũ khí, chất nổ này được phân tán, chuyển đến các gia đình cơ sở khác như: Mẹ Nhu (Lê Thị Dãnh), mẹ Hiền, bà Xã Nhất.
Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ-ngụy điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng. Các cơ sở của ta vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Đội biệt động quận Nhì được đưa về khu phố Thanh Khê hoạt động. Đội có nhiệm vụ tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích trong thành phố, phá thế kìm kẹp của địch, giữ vững lòng tin trong nhân dân. Đêm 23-12-1968, đội biệt động tập kích đồn bảo an ở Phú Lộc, sau đó về trú tại hầm bí mật nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền ở phố Thanh Khê. Không ngờ trong lúc tình hình đang rất khó khăn thì Lữ Hùng (Quận đội phó quận Nhì) đầu hàng giặc, chỉ cho địch đánh phá các cơ sở của ta. Mờ sáng 26-12-1968, địch kéo đến nhà mẹ Nhu, mẹ Hiền và đổ quân bao vây khu phố Thanh Khê hòng tiêu diệt lực lượng biệt động của ta. Chúng bắn chết mẹ Nhu, khui hầm bí mật. 7 chiến sĩ biệt động tung nắp hầm, chiến đấu kiên cường, quyết không rơi vào tay giặc. Cùng lúc đó, cảnh sát ngụy ập vào nhà bà Hạt, dùng máy móc phá nhà cửa, đập vỡ các chậu cây cảnh để tìm thuốc nổ, khui hầm bí mật. Chúng bắt ông Xoài-bà Hạt về giam ở Ty cảnh sát Gia Long và kho đạn. Cô con gái Lê Thị Quý đang học trung cấp y cũng bị chúng bắt ngay tại trường. Đất đai của ông bà từng khai hoang, dùng làm kho chứa vật liệu xây dựng bị chính quyền ngụy cắt bán cho dân.
Sống trong cảnh lao tù cộng với những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, ông Xoài bị xuất huyết dạ dày. Tháng 5-1971, chúng cho ông đi nhà thương điều trị một thời gian rồi thả về. Cũng trong năm 1971, bà Hạt và con gái mãn hạn tù, trở về địa phương sinh sống. Chính quyền ngụy chỉ trả lại cho gia đình một phần căn nhà. Sau khoảng hai tháng gia đình đoàn tụ, ông Xoài qua đời, sau này ông được công nhận là liệt sĩ.
Gác lại đau thương, bà Hạt liên lạc với các cơ sở cũ để tiếp tục hoạt động cho đến ngày miền Nam giải phóng. Bà nhiệt tình tham gia công tác đến năm 1980 mới nghỉ hưu. Năm 1997, bà về cõi vĩnh hằng. Cô con gái Lê Thị Quý của ông bà sau ngày đất nước thống nhất tham gia công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc sống gia đình không trọn vẹn, bà Quý về nhà cũ sinh sống một mình, ngày ngày nhang khói cho ba mẹ và tiền nhân./.
ST


“Vệ sinh yêu nước”- Năm đầu thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế sau kháng chiến chống Pháp xâm lược, miền Bắc bước vào XD CNXH

         “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết.”

          Theo Hồ Chí Minh, yêu nước không thể tách rời thương yêu nhân dân, yêu nước không phải là cái gì chung chung, trừu tượng, mà nó được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và thể hiện ở việc làm cụ thể của mỗi người trong đời sống hằng ngày. Người có tinh thần yêu nước sẽ luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân và dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng ra sức làm cho kỳ được, còn việc gì có hại cho nhân dân phải ra sức trừ cho kỳ hết. Người cho rằng, ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực của một người chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng trọn vẹn cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
        Quán triệt và thực hiện lời dạy trên của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, chấp hành nghiêm 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, được nhân dân tin yêu, ghi nhận và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Tích cực làm công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế – xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,…. Các binh đoàn, đoàn kinh tế – quốc phòng đã gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng – an ninh, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, bao tiêu sản phẩm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn đóng quân. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh./.

GIỮ VỮNG PHẨM CHẤT BỘ ĐỘI CỤ HỒ

 

         

          Những câu chuyện ấy khiến chúng ta càng thấm thía hơn khi những ngày này, chúng ta đang kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc của Bác, có những câu Bác viết ngày nay được in ra treo ở hội trường của nhiều tổ chức Đảng: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

          Còn nhớ chuyện Bác Hồ từng giáo dục đồng chí Phùng Thế Tài khi mới là một trung đoàn trưởng. Biết chuyện đồng chí có một số sai phạm, Bác trực tiếp gặp gỡ, căn dặn: “Bây giờ chú là lính. Cách mạng phát triển, quân đội phát triển mai sau chú cố gắng, sẽ là “quan”, là “tướng”. Tướng mà tính nóng là hỏng việc; hai là, tính chú liều quá. Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt ngựa của dân, sau này ra “hùng cứ một phương” chú sẽ còn làm nhiều điều sai trái, ai ngăn được chú? Lần này ra chiến đấu chú nhớ phải phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm”. Lời căn dặn của Bác Hồ giúp người trung đoàn trưởng sửa sai, tiến bộ, sau này trở thành một vị tướng nổi tiếng.

          Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), từ vụ việc một số cán bộ, tướng lĩnh cấp cao bị xử lý, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học. Cán bộ cấp cao, tướng lĩnh, thậm chí là lãnh đạo cấp cao hơn nữa nếu không tu dưỡng thì cũng trở thành nạn nhân, tù binh của chính sự thoái hóa biến chất. Cha ông ta có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc”. Cho nên, bài học tự rèn luyện rất quan trọng. Cùng với đó, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Theo Bác: “kiểm tra, kiểm soát hành vi của mỗi người, nếu làm đúng thì biểu dương, sai thì nhắc nhở, “tuýt còi” để phòng ngừa”. Nếu không làm tốt sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm rồi mới phát hiện, mới lôi nhau ra xử phạt, kỷ luật. Còn đã sai phạm thì phải xử lý đến nơi đến chốn nhưng không coi trừng phạt là mục đích cuối cùng… mà chỉ là để giáo dục, với tinh thần chặt cành để cứu cây; để mỗi người và tập thể tiến bộ. Đó cũng là bài học để cùng với xử lý kiên quyết, nghiêm minh, Quân đội ta phải ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách để kiểm soát quyền lực, phòng ngừa sai phạm, quản lý chặt chẽ hơn cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền và tham gia các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tài chính, đất đai…

          Chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương đầu năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần xử lý kiên quyết, dứt điểm, quyết liệt hơn những tồn tại, hạn chế, nhất là những vụ việc tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và nhấn mạnh: “Không sợ mất uy tín của quân đội và không sợ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, chống phá. Nếu chúng ta làm tốt thì chính là đã nâng cao uy tín và bác bỏ các luận điệu xuyên tạc”.

          Với tinh thần đó, chúng ta tin tưởng rằng, việc xử lý nghiêm minh một số sự việc sai phạm vừa qua sẽ góp phần làm cho Quân đội ta xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh toàn diện về mọi mặt; thực sự trở thành Đảng bộ mẫu mực, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, coi đây là danh dự thiêng liêng và cao quý./.

PHÒNG, CHỐNG CHIÊU BÀI LỢI DỤNG VẤN ĐỀ “TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO” ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

 

 

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tín ngưỡng tôn giáo. Đến nay Nhà nước ta công nhận tư cách pháp nhân cho 12 tôn giáo và cấp đăng ký hoạt động cho 32 tổ chức tôn giáo. Đại đa số tín đồ các tôn giáo là người lao động, chủ yếu là nông dân cư trú trên địa bàn cả nước, một bộ phận tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo cư trú ở các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Về công tác tôn giáo trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán:

Thứ nhất, Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đoàn kết đồng bào không theo tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Động viên đồng bào nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc thông qua thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Thứ tư, Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó, các tổ chức quần chúng có vai trò quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước đối với các tôn giáo.

Thực tiễn cho thấy, trong công cuộc đổi mới đất nước, đa số chức sắc và tín đồ các tôn giáo tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hành đạo trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện những thông tin sai lệch, tiêu cực, những đánh giá phiến diện về tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Thực tế đó càng cần thiết phải lên tiếng bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải, tái khẳng định chính sách đúng đắn cũng như những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Trở lại với âm mưu, luận điệu vu cáo rằng Việt Nam có các hoạt động đàn áp tôn giáo, một lần nữa cần nhìn vào thực tế để thấy mặt thật của vấn đề. Chẳng hạn, lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức Tin lành nước ngoài chưa được cấp phép, điển hình là các tổ chức tà giáo mang danh nghĩa Tin lành truyền vào Việt Nam như Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ, Tân Thiên Địa… Hoạt động của đa phần các tổ chức này đều trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, nhuốm màu mê tín dị đoan, hoạt động lén lút, có dấu hiệu trục lợi và nhìn chung là vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án. Tuy nhiên, đối với các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật của các tổ chức tà giáo như vậy, lực lượng chức năng Việt Nam chủ yếu nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý dựa trên quy định pháp luật.

Như vậy, một lần nữa chúng ta khẳng định chắc chắn rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Điều tích cực là trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta đã có thêm nhiều kênh quan trọng để đưa ra tiếng nói và khẳng định thực tế tình hình tự do tôn giáo ở đất nước mình. Thông qua các cơ chế và diễn đàn song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, có một sự thật rõ ràng đang được thừa nhận, đó là Việt Nam đang tích cực cùng các quốc gia khác trên thế giới đấu tranh bảo vệ, phát huy các nguyên tắc, nội dung tiến bộ về tự do tôn giáo, và vẫn sẽ kiên trì bảo vệ lẽ phải trong lĩnh vực này.

Thực hiện công tác tôn giáo mà trọng tâm là chính sách tôn giáo là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước; đồng thời, đây là nhiệm vụ chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn 7 thập kỷ qua, QĐND Việt Nam đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn mới của cách mạng, phát huy bản chất và truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", quân đội nguyện kề vai sát cánh với đồng bào các dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền núi, vùng các dân tộc ngày càng vững mạnh, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không ngừng thông qua cái gọi là “dân chủ”, “tự do tín ngưỡng tôn giáo” để thực hiện “DBHB”, BLLĐ đối với Việt Nam. Chúng đã dung túng, tiếp tay cho bọn phản động người Việt ở hải ngoại; hỗ trợ, kích động, chỉ đạo các phần tử phản động ở trong nước tổ chức hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Hoạt động phá hoại của chúng đã gây không ít khó khăn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Thủ đoạn hoạt động chống phá của chúng thông qua vấn đề tôn giáo ngày càng gia tăng, tinh vi, sảo quyệt. Trong quá trình hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam. Lợi dụng các chính sách mở rộng hợp tác đầu tư phát triển của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch có xu hướng gia tăng các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, lợi dụng những khó khăn về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, những thiếu sót trong việc thực hiện chính sách và một số yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi để chống phá. Vì vậy, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhất là lực lượng vũ trang cách mạng phải không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tỉnh táo, kịp thời phát hiện và chủ động đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.