Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

  Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề về đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” là cơ sở quan trọng để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án nhân sự UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

Ngày 12/6, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề về đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Hội thảo là cơ sở quan trọng để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án nhân sự UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

 Chủ trì Hội thảo.

Đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong đổi mới phương thức và chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam; đồng thời, góp phần quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp. 

Việc đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động có hiệu quả của MTTQ Việt Nam là nhằm đáp ứng tình hình, bối cảnh mới, để đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình hành động, đề án của UBTƯ MTTQ Việt Nam được triển khai tới MTTQ Việt Nam các cấp, tới các tổ chức thành viên của Mặt trận và toàn thể nhân dân; đồng thời, góp phần giúp MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện đúng và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Mặt trận ở mỗi cấp theo Luật và Điều lệ MTTQ Việt Nam quy định.

Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước…, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”; Quy định số 97-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng nâng tầm Đảng đoàn MTTQ Việt Nam từ trực thuộc Ban Bí thư lên trực thuộc Bộ Chính trị; Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 120-QĐ/TW về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ Cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Quy định số 146-QĐ/TW của Ban Bí thư cũng đề cập tới nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc, mối quan hệ công tác của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư cũng nêu rõ: “Chú trọng phát hiện, giới thiệu người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao với đất nước và công tác Mặt trận; có thể mở rộng thành phần, số lượng tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu trong nước và đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia Uỷ ban Mặt trận các cấp, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo 

Cơ sở pháp lý, căn cứ chính trị về hoạt động của MTTQ Việt Nam đã cơ bản đầy đủ, bởi vậy, việc đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam các cấp là nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ mới, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam không chỉ là yêu cầu và trách nhiệm của bản thân Mặt trận mà còn là yêu cầu khách quan của xã hội, là trách nhiệm của hệ thống chính trị, là đòi hỏi tất yếu của thể chế chính chính trị dân chủ, là điều kiện để phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Bởi vậy, MTTQ Việt Nam luôn quan tâm đến đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng mới của đất nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, khắc phục triệt để căn bệnh “xa dân”, dân chủ hình thức, hành chính hóa hoạt động, công chức hóa cán bộ, tăng cường hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và kiểm soát quyền lực.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam hiện nay có những điểm gì hợp lý và chưa hợp lý; tính cấp thiết, tất yếu của đổi mới tổ chức bộ máy; đổi mới tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam bao gồm những nội dung cốt lõi gì và việc đổi mới phụ thuộc vào những yếu tố, điều kiện nào, làm rõ thêm các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn để đổi mới tổ chức bộ máy UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.


Xây dựng Ngành Tổ chức xây dựng Đảng vững mạnh, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả”

 Trong buổi làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, ngày 13/6/2024, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng vững mạnh, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả” để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Ban Tổ chức Trung ương đã có nhiều nỗ lực, nêu cao trách nhiệm thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Toàn ngành đã tập trung tham mưu, hoàn thành 95 đề án, nhiệm vụ về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tính đến hết tháng 5/2024, Ban đã hoàn thành 5/18 đề án, nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2024. Ban đã chủ động tham mưu công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng; tham mưu Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thành lập 5 Tiểu ban và kịp thời tham mưu triển khai hoạt động của Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Điều lệ Đảng…

Hình ảnh tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa

Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường bày tỏ niềm vui mừng khi đến thăm và làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan tham mưu chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thường trực Ban Bí thư Lương Cường khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, Ban Tổ chức Trung ương đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, tham mưu hoàn thành một khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng được nâng lên, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc.

Nâng cao chất lượng công tác cán bộ (Nguồn: vtvgo.vn) 

Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Ban Tổ chức Trung ương trong tham mưu về công tác cán bộ, Thường trực Ban Bí thư đề nghị những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Ban Tổ chức Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra theo thẩm quyền để không ngừng nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược, xứng đáng là “then chốt của then chốt”.

Theo kế hoạch, thời gian chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng không còn dài, công việc rất nặng nề, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tổ chức Trung ương theo Quyết định số 152-QĐ/TW. Chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu về công tác cán bộ, nhất là nhận xét, đánh giá đúng, đề xuất trúng cán bộ, bảo đảm tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định, quy trình về công tác cán bộ.

Cùng với đó là tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới; tham mưu triển khai quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Hướng dẫn thực hiện một số nội dung cụ thể sau khi Chỉ thị được ban hành. Tích cực tham gia các nhiệm vụ của Tiểu ban phục vụ Đại hội và Tiểu ban Văn kiện theo kế hoạch.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa

Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tập trung tham mưu hoàn thành các đề án, nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2024; nhất là tập trung xây dựng và sớm hoàn thành Đề án “Cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp” bảo đảm tính khả thi. Ban nghiên cứu đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, nhất là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá dữ liệu về công tác tổ chức xây dựng Đảng; tham mưu triển khai có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đầu ra đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là theo phân cấp; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho nước bạn Lào, Campuchia.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng vững mạnh, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả” để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng Đảng bộ cơ quan Ban Tổ chức Trung ương thật sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách phù hợp đối với cán bộ, lấy hiệu quả công việc làm thước đo; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, sự tiến bộ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ban.

Ban Tổ chức Trung ương sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ hiện có, đồng thời chủ động quy hoạch sắp xếp, bồi dưỡng lớp kế cận, kế tiếp có chất lượng tốt, sẵn sàng thay thế, bảo đảm sự ổn định, kế thừa, phát triển vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ban.

Thay mặt lãnh đạo Ban, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trân trọng cảm ơn Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; đồng thời tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các chỉ đạo, định hướng sâu sát, cụ thể của Thường trực Ban Bí thư về những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Tổ chức Trung ương, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thời gian tới, đặc biệt là việc tổ chức chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Lê Minh Hưng khẳng định, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới./.


Tiếp tục tham mưu, thực hiện có hiệu quả Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

 Nhấn mạnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ là giai đoạn rất quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra, đồng chí Lương Cường đề nghị, UBKT Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; trước mắt là tham mưu triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024.

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận buổi làm việc. 

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với UBKT Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay diễn ra chiều nay. Cùng dự có đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương; Trần Tiến Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương; các đồng chí Thành viên UBKT Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, lãnh đạo các vụ, đơn vị của Cơ quan UBKT Trung ương.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay của UBKT Trung ương và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao. Công tác phối hợp giữa UBKT các cấp với các cơ quan chức năng có liên quan ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng ngày càng được nâng lên. Tập thể Thường trực Ủy ban, UBKT Trung ương chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, đoàn kết thống nhất cao; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng với một khối lượng công việc lớn, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, phát sinh từ lâu đã được kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm hoặc những vụ việc mới phát sinh có chuyên môn sâu, chuyên biệt, khép kín cũng đã được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời. Qua kiểm tra, giám sát kết luận khách quan, chính xác; đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cụ thể:

Đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương trình bày báo cáo tại buổi làm việc. 

Về thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao: UBKT Trung ương đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 16 đảng viên; đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 14 đảng viên và 23 tổ chức đảng, trong đó có 26 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 132 đảng viên, 20 tổ chức đảng; tham mưu Ban Bí thư thành lập 02 Đoàn giải quyết tố cáo đối với 02 đảng viên... 

Về thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng: UBKT Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 78 tổ chức đảng và 23 đảng viên; qua kiểm tra đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 43 tổ chức đảng và 100 đảng viên; thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 156 tổ chức đảng và 371 đảng viên; yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật 118 tổ chức đảng và 359 đảng viên. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kiểm tra tài chính đảng đối với 82 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề đối với 47 tổ chức đảng và 88 đảng viên; xem xét, giải quyết tố cáo theo quy trình đối với 09 đảng viên, 01 tổ chức đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 29 đảng viên; kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 115 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Qua kiểm tra, giám sát, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 161 tổ chức đảng và 417 đảng viên bằng các hình thức.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, quy chế làm việc; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trách nhiệm nêu gương; kê khai tài sản, thu nhập; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản nhà nước; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện các dự án/gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện; các vi phạm liên quan đến các Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát...

Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Cẩm Tú phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. 

Cấp ủy, UBKT các cấp giám sát 213.336 tổ chức đảng và 544.761 đảng viên; xem xét, giải quyết tố cáo 3.168 đảng viên và 100 tổ chức đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 601 đảng viên; thi hành kỷ luật đảng 66.433 tổ chức đảng và 1.360 đảng viên. UBKT các cấp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 95.863 tổ chức đảng, kiểm tra việc thi hành kỷ luật 41.773 tổ chức đảng. UBKT các cấp kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập 7.393 đảng viên, qua kiểm tra, giám sát kết luận 239 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thành viên UBKT Trung ương đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ thực tế thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm tra, giám sát; phân tích, lý giải nguyên nhân khách quan và chủ quan về tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên hiện nay còn diễn biến phức tạp; dự báo những vấn đề có thể phát sinh, từ đó đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ghi nhận những kết quả tích cực UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã đạt được trong công tác kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay. UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực, cố gắng tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp giao, hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả không ngừng được nâng lên. Tập trung nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao về kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Những kết quả quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát đã có tác dụng rất lớn trong cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; giúp các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hơn công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Nhấn mạnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ là giai đoạn rất quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra, đồng chí Lương Cường đề nghị, UBKT Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; trước mắt là tham mưu triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, tham mưu cho Đảng xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát; tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và các Tiểu ban, Tổ Giúp việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; tập trung nghiên cứu, tổng kết thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, UBKT Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

UBKT các cấp cần chủ động thực hiện toàn diện, nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm với tinh thần chủ động hơn, nỗ lực quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm; thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đặc biệt xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và hệ sinh thái AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các vụ việc mới phát sinh. Việc xử lý kỷ luật phải đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ hơn, làm tốt hơn.

Hình ảnh tại buổi làm việc. 

Đồng chí Lương Cường lưu ý, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa UBKT Trung ương với các tổ chức đảng liên quan; phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. UBKT Trung ương cần tăng cường sự chỉ đạo đối với hoạt động UBKT các cấp ủy trực thuộc Trung ương, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra của UBKT và Cơ quan UBKT Trung ương tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra; thường xuyên cập nhật kiến thức, tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra. Đồng chí tin tưởng, từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự nỗ lực của UBKT Trung ương và UBKT các cấp, công tác kiểm tra, giám sát thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, có bước tiến mới, mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thay mặt tập thể UBKT Trung ương lĩnh hội, tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trần Cẩm Tú nêu rõ, quyết tâm của UBKT Trung ương nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; tích cực tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; phối hợp, tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ do các Tiểu ban, Tổ Giúp việc phục vụ Đại hội XIV của Đảng giao, đặc biệt là công tác thẩm định nhân sự; nghiên cứu, rà soát, tham mưu kịp thời cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các quy định, quy chế, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bảo đảm chặt chẽ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, đáp ứng với thực tiễn./.

Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

 Quy định số 144-QĐ/TW​ có tác dụng như một tấm gương soi để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình vào trong đó để nếu thực hiện tốt thì tiếp tục phát huy; còn nếu chỗ nào mình còn hạn chế hay thực hiện chưa tốt thì chúng ta kịp thời sửa chữa, khắc phục, tức là tự soi, tự sửa.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Quy định 144 tập hợp, hệ thống nhiều nội dung của rất nhiều các văn bản khác nhau, giờ trở thành một văn bản mà văn bản này lại rất ngắn gọn, rất dễ thực hiện và cũng rất dễ kiểm tra, giám sát. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Quy định 144), gồm 6 điều với 21 điểm. Quy định này là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Yêu cầu đặt ra tới đây là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để Quy định 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên.

Để bàn luận về nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Nguyễn Đức Hà, vì sao Bộ Chính trị lại ban hành Quy định 144Những điểm mới đáng chú ý của văn bản này là gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Chính quy định của Bộ Chính trị lần này cũng như nhiều quy định khác mà Bộ Chính trị cũng vừa mới ban hành đã trở thành một hệ thống để tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, vì chúng ta biết rằng công tác cán bộ được Đại hội XIII rất chú trọng và đặc biệt nhấn mạnh.

Đại hội XIII xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã dành rất nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, tâm huyết cho việc hoàn thiện thể chế.

Chính vì vậy, sau Đại hội đến nay mới hơn 3 năm mà Bộ Chính trị ban hành hàng loạt các quy định về công tác cán bộ như: Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ... Và tôi muốn nói là Quy định 144 này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp ký ban hành. Có lẽ điều đó cũng đã nói lên vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng của Quy định này.

Thế còn Quy định 144 này có gì mới? Tôi phải nói thế này, tất cả những nội dung trong Quy định không phải hoàn toàn bây giờ mới có. Có những nội dung được kế thừa và có những nội dung có một số điểm mới. Nhưng quan trọng Quy định này tập hợp, hệ thống rất nhiều nội dung của rất nhiều các văn bản khác nhau, bây giờ trở thành một văn bản mà văn bản này lại rất ngắn gọn, rất dễ thực hiện và cũng rất dễ kiểm tra, giám sát.

Điểm thứ hai nữa là mặc dù nội dung của Quy định này không dài nhưng nó vừa toàn diện, lại rất cụ thể. Đây chính là một bước cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức. Nó vừa mang tính khái quát, lại vừa mang tính hệ thống nhưng lại rất cụ thể và chi tiết để cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát nữa.

PV: Trong rất nhiều các quy định mà Đảng ta đã ban hành trong thời gian gần đây thì Quy định 144 được xem là bước bổ sung, hoàn thiện lý luận về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Tôi cho rằng nhận xét đó là rất đúng bởi hiện nay, những yêu cầu đặt ra đối với người cán bộ, đảng viên thì có những cái được đưa ra từ trong Điều lệ Đảng, nhưng rất chung. Ví dụ nói về đạo đức cách mạng là thế nào thì Bác Hồ cũng đã nói đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Thế việc cụ thể là như thế nào? Quy định này vừa nêu rất khái quát, có hệ thống nhưng lại rất cụ thể. Cho nên có thể nói đây chính là một bước tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ nhưng cũng là về vấn đề đạo đức cách mạng nữa. Bởi vì quan điểm của Đảng ta từ xưa đến nay là luôn luôn kế thừa nhưng lại luôn luôn bổ sung và phát triển để từng bước hoàn thiện, bởi vì cùng một lúc chúng ta cũng không nghĩ được ra hết. Từ thực tế diễn ra, chúng ta lại đặt ra và giải quyết những mâu thuẫn đó. Quá trình giải quyết những vấn đề đó chính là chúng ta bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa để thực hiện những tư tưởng lớn mà trong nghị quyết của Đảng cũng như chỉ đạo của Bác Hồ đã dạy.

 

PV: Điều 3 Quy định 144 nhấn mạnh các yêu cầu về lòng tự trọng, danh dự, phẩm giá, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Vậy việc ban hành Quy định vào thời điểm này có ý nghĩa, thông điệp như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trong nội dung Điều 3 Quy định 144 có đặt ra vấn đề về danh dự và lòng tự trọng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là câu nói mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều từ hội nghị Trung ương đến các hội nghị lớn khác. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng: “Danh dự và lòng tự trọng là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Riêng đối với lực lượng công an nhân dân thì đồng chí đã nói nhiều lần và đã có riêng một cuốn sách về vấn đề “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Ở đây tôi muốn nói đến quy định về việc cán bộ, đảng viên không được để người nhà, người thân, người khác lợi dụng vị trí công tác của mình, uy tín của mình để trục lợi. Nội dung này đã được quy định trong Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Thế rồi, trong Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm cũng có nói rồi.

Nhưng lần này khi nói về vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thì lại đưa vào cụ thể hơn, chi tiết hơn. Điều này có nghĩa là lúc nào người cán bộ, đảng viên cũng phải tự soi xét mình. Bởi vì danh dự, lòng tự trọng là điều cao quý nhất. Tất nhiên có nhiều cái đặt danh dự, lòng tự trọng lên cao nhưng đây là cao nhất, quý nhất thì trong Quy định này đã nhấn mạnh vấn đề này để mọi cán bộ, đảng viên phải thấy điều đó, có nghĩa là thấy danh dự của mình, lòng tự trọng của mình là điều cao quý nhất. Cho nên là mọi việc làm của mình, mọi hành vi của mình, mọi phát ngôn của mình phải luôn luôn lấy điều đó là tâm niệm và khắc sâu vào tâm trí của mình rằng lợi ích của quốc gia dân tộc là trên hết, trước hết.

Tôi cho là những điều này mặc dù là đơn giản nhưng đầy ý nghĩa sâu sắc và luôn luôn nhắc nhở, thôi thúc cán bộ, đảng viên trong mọi hành vi, cử chỉ, mọi lời nói của mình làm thế nào cho tốt, có sức thuyết phục.

 Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Cán bộ, đảng viên không chỉ nói đi đôi với làm mà cần nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói. 

PV: Thưa đồng chí, Quy định 144 được xem là tiêu chí để tổ chức đảng xử lý đảng viên sai phạm, nhưng cũng là cơ sở để nhân dân giám sát, thực hành, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đồng chí thể phân tích thêm về nội dung này?  

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Thứ nhất, tôi cho rằng nó có tác dụng như một tấm gương soi để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình vào trong đó để nếu thực hiện tốt thì tiếp tục phát huy. Còn nếu chỗ nào mình còn hạn chế hay thực hiện chưa tốt thì chúng ta kịp thời sửa chữa, khắc phục, tức là tự soi tự sửa.

Thứ hai, những điểm, những điều trong quy định này làm căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, các tổ chức đảng xem xét và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm. 

Thứ ba, Đảng ta xác định phải thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, thực sự dựa vào dân để xây dựng chính quyền, thực sự dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ. Cho nên tác dụng của nó chính là để cả hệ thống chính trị, để toàn dân theo dõi, giám sát và sau giám sát cũng chính là để góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, nó cũng là cơ sở, căn cứ để cho các cấp ủy, tổ chức đảng, để cấp trên kiểm tra cấp dưới, để cấp ủy kiểm tra giám sát đối với đảng viên, rồi để đảng viên này giám sát, theo dõi đảng viên khác. Tôi cho rằng, Quy định đi vào cuộc sống rất có tác dụng...

PV: Quy định 144 cũng nêu rõ tinh thần 6 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Trên thực tế, căn bệnh nói mà không làm, bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, ngại thay đổi hay lạm dụng quyền lực để mưu lợi… đã được đề cập lâu nay. Soi chiếu với thực tế xã hội, đồng chí có bàn luận gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Một nội dung trong Quy định 144 của Bộ Chính trị này cũng chính là thể hiện tinh thần cơ bản trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà chúng tôi hay gọi vui để cho dễ nhớ là kết luận “6 dám”. Có thể nói rằng, trong lúc này chúng ta đang rất cần thiết có một đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ngay trong Quy định 144 cũng thể hiện một ý rất quan trọng. Đó là đòi hỏi cán bộ, đảng viên dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đổi mới sáng tạo. Tôi cho đây vừa là tinh thần mới nhưng nó bắt nhịp rất kịp thời và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta thấy rằng, thực tiễn đang đòi hỏi, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ bình bình mà phải xông vào, có đam mê, ham muốn, phải có khát vọng, không bằng lòng với cái mình đã đạt được. Đấy là một yêu cầu rất cao trong giai đoạn mới. Ở chỗ này còn có thêm ý mà tôi thấy rất hay là cán bộ, đảng viên không chỉ nói đi đôi với làm mà cần nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói. Điều này có nghĩa là việc làm có đúng đi với lời nói không? Làm được nhưng phải nói được, phải truyền cảm ứng được, phải truyền bá, phải lan tỏa được. Người cán bộ, đảng viên bây giờ yêu cầu rất cao. Cho nên tôi cho là trong giai đoạn mới, chúng ta phải ngày càng bổ sung, phát triển và hoàn thiện về đạo đức của người cán bộ, đảng viên, của người cách mạng hiện nay là đúng như vậy.

Quy định 144 là cơ sở rất quan trọng, vừa quán triệt nhận thức để chúng ta hiểu cho rõ, thấm nhuần sâu sắc những tiêu chuẩn, tiêu chí... để trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp tới đây thực hiện cho tốt. 

PV: Thưa đồng chí, Quy định 144 cũng là một tiêu chí cơ bản để sắp tới triển khai đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới để tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Vậy thì để Quy định 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên thì tới đây, yêu cầu đặt ra về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cần được tổ chức thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trước hết, tôi cho rằng, Quy định 144 của Bộ Chính trị ra đời vào lúc này rất kịp thời, đúng nhịp, đúng độ và đúng lúc cần thiết. Theo tôi được biết, Bộ Chính trị cũng đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng rồi. Bộ Chính trị cũng đã báo cáo trước Hội nghị Trung ương 9 vừa rồi để lấy ý kiến của Trung ương rồi. Hiện nay các cơ quan chức năng đang hoàn thiện lần cuối và để Bộ Chính trị ký ban hành. Tôi nghĩ chắc là cũng chỉ trong ít ngày nữa thôi Bộ Chính trị sẽ có Chỉ thị chính thức về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cho nên tôi lại càng thấy Quy định 144 rất đúng thời điểm, rất cần thiết cho việc chuẩn bị đại hội.

Chúng ta biết rằng, lần nào cũng vậy, đại hội nào cũng vậy, yêu cầu của Bộ Chính trị, của Trung ương là phải làm sao lựa chọn cho đúng người, bố trí đúng việc. Đặc biệt vừa rồi đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn rất mạnh hai điểm. Một là không được bỏ sót những người có đức có tài, đồng thời lại không để lọt những người cơ hội vào trong cấp ủy các cấp, đặc biệt cấp càng cao thì lại càng quan trọng.

Trong các nghị quyết của Trung ương cũng như quy định của Trung ương đặt ra vấn đề là phải lựa chọn những người có phẩm chất, có năng lực, có uy tín. Phẩm chất thì có phẩm chất chính trị. Phẩm chất chính trị thì tư tưởng, chính trị thế nào? Ý thức chính trị, đạo đức thế nào? Thế rồi năng lực là năng lực công tác, năng lực chuyên môn, năng lực thực tiễn thế nào? Nó rất nhiều vấn đề... 

Riêng vấn đề chính trị lần này căn cứ vào Quy định 144 chúng ta có thể rất dễ để áp vào. Thế nào là có phẩm chất chính trị? Thế nào là trung thành với Đảng, với Tổ quốc? Kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng là thế nào? Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thế nào? Kiên định với đường lối đổi mới và các nguyên tắc tổ chức của Đảng là thế nào?... Quy định 144 đã nêu rất rõ. Như vậy nếu áp vào lấy những tiêu chí, tiêu chuẩn đó  đối với từng nhân sự thì cũng rất là có điều kiện, cơ sở để lựa chọn.

Bây giờ cấp ủy các cấp đang phải rà soát lại quy hoạch, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch. Năm 2025 là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Tôi cho là đây là cơ sở rất quan trọng, vừa quán triệt nhận thức để chúng ta hiểu cho rõ, thấm nhuần sâu sắc những tiêu chuẩn, tiêu chí này để trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp tới đây thực hiện cho tốt.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!