Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Sớm trục vớt nhịp cầu Phong Châu thanh thải lòng sông.

 Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trục vớt, thanh thải lòng sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khi đảm bảo điều kiện cho công tác này.

 Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập hôm 9/9 (Ảnh: vietnamnet.vn).

Ngày 17/9, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu.

Công trình cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra sự cố nghiêm trọng, sập hai nhịp dàn thép vào ngày 9/9/2024. Thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, thực hiện một số nội dung. Cụ thể, tổ chức giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà, quy định tại Điều 46 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, UBND tỉnh Phú Thọ (hoặc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong trường hợp này là Bộ Giao thông Vận tải, khi được Thủ tướng Chính phủ giao) là cơ quan có thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Trong quá trình tổ chức giám định, hiện trường sự cố cần được chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi triển khai các công việc tiếp theo. Cần lưu ý đến việc thu thập các tài liệu kỹ thuật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa công trình.

Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trục vớt, thanh thải lòng sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khi đảm bảo điều kiện cho công tác này; sớm báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất phương án khắc phục để đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc lộ 32C. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc tiếp tục thực hiện nội dung theo Công điện số 01/CĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024 và Công điện số 02/CĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân cũng như doanh nghiệp./.

Lan toả mạnh mẽ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đây là năm thứ ba Bộ Công Thương tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Qua 2 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút hơn 200.000 người tham gia với tổng số lượt tham gia trả lời trực tuyến là gần 400.000 lượt.
Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024”  diễn ra tại Đà Nẵng

Ngày 18/9, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024”.

Đây là năm thứ ba Bộ Công Thương tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Qua 2 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút hơn 200.000 người tham gia với tổng số lượt tham gia trả lời trực tuyến là gần 400.000 lượt.

Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng trang Thông tin điện tử của chương trình VNEEP. Đây là hình thức truyền thông hoàn toàn mới, sáng tạo về tiết kiệm năng lượng, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí. Với hình thức này, ngay từ năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, tham gia sôi nổi của đông đảo đối tượng đến từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Cuộc thi hướng tới mọi đối tượng không phân biệt vị trí địa lý, lứa tuổi. Những con số ấn tượng về số người tham gia, lượt trả lời câu hỏi mỗi kỳ thi cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng là rất lớn, đồng thời cũng là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Cuộc thi là tiền đề đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng. Kết quả của từng kỳ thi được đăng tải rộng rãi trên trang thông tin điện tử và fanpage của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

 Nghi thức phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024”.

Ban tổ chức kỳ vọng với những câu hỏi kiến thức về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cuộc thi sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham gia đông đảo của mọi thành phần, đối tượng trên cả nước. Từ đó, góp phần truyền thông, lan toả mạnh mẽ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói riêng cũng như các kiến thức tiết kiệm năng lượng nói chung. 

Cũng nhân sự kiện này, Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Hiệu quả thực thi và vai trò của công tác truyền thông tại địa phương”. Tọa đàm là dịp để các phóng viên, nhà báo, cán bộ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại địa phương thảo luận, chia sẻ để phối hợp trong công tác tuyên truyền. 

Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024” được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://cuocthi2024.tietkiemnangluong.com.vn/, bắt đầu từ 08h00 ngày 18/9/2024 đến 12h00 ngày 22/10/2024, được chia thành 05 kỳ thi.

Nội dung thi bao gồm các chủ đề về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình, trong các ngành công nghiệp, công trình xây dựng và giao thông vận tải, văn phòng - nhà xưởng, chính sách năng lượng, nhãn năng lượng, chiến dịch Giờ Trái đất,…

Tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sống, học tập và làm việc trong nước và ngoài nước đều có thể tham gia cuộc thi. Cuộc thi được tổ chức thành 05 kỳ, mỗi kỳ thi gồm 10 câu hỏi liên quan đến nội dung thi và 01 câu hỏi dự đoán số lượng người dự thi. Mỗi câu hỏi có thể có nhiều hơn 01 đáp án đúng. Người thi có tối đa 10 phút để trả lời 10 câu hỏi. Mỗi câu trả lời đúng sẽ được 10 điểm. 

Người thi có thể tham gia thi từ máy tính cá nhân hoặc các thiết bị di động. Mỗi người được tham gia thi tối đa mỗi kỳ là 5 lần. Hệ thống sẽ tính lần tham gia có kết quả cao nhất. 

Người đoạt giải là người trả lời đúng nhiều câu hỏi nhất trong thời gian ngắn nhất và dự đoán chính xác hoặc gần nhất số lượng người chơi mỗi kỳ. Cụ thể, nếu người chơi cùng đạt được 100 điểm, Ban Tổ chức sẽ xét đến tiêu chí dự đoán số lượng người tham gia trong kỳ. Nếu người chơi cùng đạt 100 điểm và có số dự đoán số lượng người tham gia trong cùng kỳ giống nhau, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục xét đến tiêu chí thời gian trả lời ngắn nhất.

Mỗi kỳ thi, Ban tổ chức sẽ trao 05 phần thưởng cho 05 người thi có kết quả cao nhất. 01 Giải đặc biệt 3.000.000 đồng/giải dành cho người chơi có kết quả trả lời đúng và dự đoán chính xác nhất, trong thời gian ngắn nhất. Các giải còn lại 1.000.000 đồng/giải.

Các bước tham gia cuộc thi trực tuyến 

“Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024”

Bước 1: Truy cập website cuộc thi tại địa chỉ https://cuocthi2024.tietkiemnangluong.com.vn/, nhấn nút “THAM GIA”

Bước 2: Nhập số điện thoại, họ tên, đơn vị công tác để đăng nhập tham gia cuộc thi 

Bước 3: Trả lời đầy đủ 10 câu hỏi trắc nghiệm

Bước 4: Bấm nút “GỬI BÀI THI” 

Bước 5: Dự đoán số người dự thi trong cùng kỳ   

Đề xuất giải pháp quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn để bảo vệ môi trường.

 Nhiều ý kiến đưa ra nhằm giải quyết bài toán khó hiện nay, đó là thu gom, xử lý chất thải rắn; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cả về thể chế, công nghệ xử lý tái chế tiên tiến, hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Sáng 18/9, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm "Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường" với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường.

Với quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh…, môi trường ở nước ta đã và đang chịu áp lực lớn cả về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Ðáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải ngày càng gia tăng; công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm.

Nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, quản lý chất thải rắn hiệu quả không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Tọa đàm được tổ chức nhằm thu nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý và cử tri về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn; những tồn tại, khó khăn và thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Từ đó, khuyến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thải, chất thải rắn; tìm kiếm những giải pháp công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới việc phát triển xanh và bền vững.

Tại Tọa đàm, các đại biểu là nhà lập pháp, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đồng tình cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc tìm các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn là vô cùng cần thiết. Điều này đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý, giải pháp công nghệ xử lý, tái chế đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Các đại biểu cũng đã thảo luận, làm rõ về những kết quả đã đạt được trong xử lý chất thải rắn; các khó khăn, thách thức; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cả về mặt thể chế cũng như ứng dụng công nghệ phù hợp trong xử lý chất thải rắn, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.


Áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão, Bắc và Trung Trung Bộ mưa to.

 Hồi 13h ngày 18/9, tâm áp thấp nhiệt đới đang nằm ở phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Từ chiều ngày 18 - 20/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ mưa to, cục bộ có nơi trên 500 mm.

Vị trí và hướng đi của ATNĐ. Ảnh: TT KTTV 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.

Hồi 13 giờ ngày 19/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 108,0 E độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ từ Quảng trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h, mạnh lên thành bão.

Hồi 13 giờ ngày 20/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 104,5 E độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh trên cấp 6; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h, đi vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển và đất liền từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới/bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2,0 - 4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10 (89 - 102km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.

Trên đất liền, từ gần sáng và ngày 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10 (89 - 102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6 - 7.

 Từ chiều ngày 18/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Từ chiều ngày 18 - 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm, có nơi trên 100mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm)./.

Hơn 150 đơn vị sẽ tham dự Triển lãm máy móc, nguyên phụ liệu dệt may, in thêu.

 Triển lãmsẽ quy tụ hơn 150 đơn vị trong nước và quốc tế, giới thiệu các sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất trong ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, sản phẩm và nguyên phụ liệu ngành dệt may…

Triển lãm quy tụ hơn 150 đơn vị trong nước và quốc tế. (Ảnh: PV)

Triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Sự kiện do Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam và Công ty TNHH Allallinfo Media Việt Nam phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh.

Triển lãm giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận với công nghệ sản xuất và nguồn nguyên phụ liệu mới, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất và chất lương sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu. Triển lãm tiếp tục khẳng định vai trò ý nghĩa quan trọng của ngành Dệt may trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội, đồng thời góp thúc đẩy phát triển ngành dệt may Việt Nam theo tiêu chí “Thương mại xanh, công nghiệp xanh”.

Triển lãm sẽ quy tụ hơn 150 đơn vị trong nước và quốc tế, giới thiệu các sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất trong ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, sản phẩm và nguyên phụ liệu ngành dệt may…

Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra các hội thảo, tọa đàm với nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững trong in ấn dệt may; công nghệ in nhãn; giải pháp in vải; công nghệ in với những giải pháp ưu việt cho phát triển bền vững; giải pháp chống hàng giả ngành dệt may; chương trình giới thiệu công nghệ, trình diễn sản phẩm tiêu biểu về in theo dệt may của các đơn vị tham dự; hoạt động tham quan khảo sát thị trường, tham quan học hỏi dây truyền công nghệ, quy trình sản xuất tại các nhà máy xí nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận…/.


Bổ sung nút giao vào Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng cho phép bổ sung nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình vào Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để triển khai thực hiện đồng bộ.

 Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện nay. (Ảnh: PL)

Ngày 17/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ để đề xuất đầu tư nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình (ĐT.991).

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng cho phép bổ sung nút giao nói trên vào Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để triển khai thực hiện đồng bộ.

Đây là nút giao khác mức liên thông hoàn chỉnh, có tổng mức đầu tư dự kiến 1.581 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 813 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư xây dựng nút giao sẽ được thực hiện theo phương án nguồn vốn của Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; trong đó, Trung ương thực hiện chi phí chi phí đầu tư xây dựng và 50% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (khoảng 1.174 tỷ đồng); ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện 50% chi phí phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (khoảng 407 tỷ đồng).

Nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, việc đầu tư xây dựng nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình sẽ được thực hiện từ năm 2025 - 2026.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền rà soát, cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và dự kiến trong giai đoạn 2026 - 2030 để bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường ĐT.991 kết nối với các tuyến đường giao thông quan trọng trong khu vực như Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, cầu Phước An, Tỉnh lộ 765, Tỉnh lộ 328, Tỉnh lộ 329 và kết nối với tỉnh Bình Thuận, có quy mô tối thiểu 8 làn xe đến năm 2050.

Đường ĐT.991 khi được kết nối liên thông hoàn chỉnh với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách thông suốt giữa hệ thống cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức với sân bay Long Thành, TP. HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Do đó, việc đầu tư bổ sung nút giao khác mức liên thông hoàn chỉnh để kết nối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường ĐT.991 là rất cần thiết giúp tăng cường liên kết và phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đồng thời, nút giao khi hoàn thành sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, là cơ sở hạ tầng quan trong thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị của thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức theo định hướng phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, nút giao của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường ĐT.991 nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, là một trong những đô thị quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cách nút giao với đường ĐT.992 khoảng 7,7 km, cách nút giao Tân Hiệp khoảng 6,6 km, hoàn toàn phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc QCVN 115: 2024/BGTVT và Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc TCVN5729:2012./.

Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

 Ngày 17/9, tại Hà Nội, Hội đồng Nữ Doanh nhân Quốc tế (IWEC) tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động quý IV năm 2024, ra mắt Ban Điều hành, Ban Cố vấn và công bố kết nạp hội viên mới.

Chủ tịch IWEC, bà Lê Thị Minh Hoa phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội đồng Nữ Doanh nhân Quốc tế (IWEC) là tổ chức của các nữ doanh nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Với sứ mệnh kết nối và hỗ trợ các nữ doanh nhân trong và ngoài nước, IWEC hướng tới mục tiêu không ngừng mở rộng và phát triển, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch IWEC, bà Lê Thị Minh Hoa cho biết: Sự kiện ra mắt Ban Điều hành, Ban Cố vấn và các ban trong cơ cấu tổ chức mới đánh dấu sự đổi mới trong công tác quản lý và định hướng phát triển của IWEC. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, đảm bảo tính minh bạch và chuyên nghiệp trong mọi hoạt động. Với sự ra mắt của Ban Điều hành, Ban Cố vấn mới cùng những kế hoạch hợp tác chiến lược được đề ra, có thể tin tưởng rằng IWEC sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Cũng tại Hội nghị, bà Vũ Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký IWEC đã trình bày kế hoạch hoạt động quý IV năm 2024 của IWEC. Theo đó, Hội đồng sẽ tập trung vào việc hỗ trợ hội viên, mở rộng mạng lưới kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các nữ doanh nhân.

Hội nghị đã đề xuất các kế hoạch hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của IWEC. Những kế hoạch này tập trung vào việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tạo ra giá trị cộng hưởng và mở rộng cơ hội cho các nữ doanh nhân. 

Ban Điều hành IWEC ra mắt tại Hội nghị.

 Ban Điều hành và Ban Cố vấn đã thảo luận về các định hướng phát triển trong tương lai, bao gồm những mục tiêu chiến lược và các dự án tiềm năng. Những định hướng này sẽ giúp IWEC đối mặt với những thách thức và nắm bắt cơ hội mới, hướng đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng nữ doanh nhân mạnh mẽ và đoàn kết.

Ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong kinh tế. Các nữ doanh nhân không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Những nỗ lực của các nữ doanh nhân đã khẳng định vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo. IWEC đã và đang làm rất tốt vai trò của mình trong việc kết nối, hỗ trợ, và tạo môi trường thuận lợi cho các nữ doanh nhân phát triển. Sự hợp tác giữa IWEC với các tổ chức, cơ quan trong nước và quốc tế là minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của nữ doanh nhân.

Các đại biểu cũng mong muốn IWEC sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, mở rộng mạng lưới hợp tác, tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân tiếp cận với những cơ hội mới, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trong thời gian tới, các thành viên IWEC sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ những ý tưởng, giải pháp để tiếp tục phát triển, thúc đẩy sự hợp tác và nâng cao vai trò của nữ doanh nhân trong nền kinh tế.

 Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa xảy ra tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, Hội nghị đã kêu gọi các doanh nhân thành viên IWEC tham gia ủng hộ, đóng góp để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Ngày 19/9, Hội thiện nguyện IWEC sẽ lên đường đến một số khu vực bị ngập lụt và thiệt hại do cơn bão số 3 tại 2 tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, trực tiếp trao tặng quà cho 50 hộ gia đình bằng tiền mặt, gạo cùng các nhu yếu phẩm khác./.