Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Bộ Tổng Tham mưu về một số nội dung quy hoạch

 

Chiều 18-9, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc với Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam về một số nội dung công tác quy hoạch.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Bộ Tổng Tham mưu về một số nội dung quy hoạch
 

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; lãnh đạo, chỉ huy một số tổng cục; chỉ huy một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam…

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Bộ Tổng Tham mưu về một số nội dung quy hoạch
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương và các đại biểu dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện một số cơ quan, đơn vị đã báo cáo kết quả triển khai công tác quy hoạch đối với một số dự án, công trình doanh trại; nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tháo gỡ; đề xuất một số biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đối với các dự án, công trình doanh trại trong Bộ Quốc phòng thời gian tới.

Qua nghe báo cáo, các đại biểu dự buổi làm việc đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng; tập trung bổ sung, làm rõ những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch doanh trại; giải đáp, làm rõ một số nội dung liên quan thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình.

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Bộ Tổng Tham mưu về một số nội dung quy hoạch
Thượng tướng Vũ Hải Sản và các đại biểu dự buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả mà các cơ quan, đơn vị đạt được trong công tác quy hoạch một số dự án, công trình doanh trại của toàn quân thời gian qua; khẳng định vị trí, ý nghĩa quan trọng của công tác quy hoạch doanh trại đối với nội dung xây dựng chính quy trong Quân đội.

Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu, từ kết quả đạt được và ý kiến đề xuất của các đại biểu, các cơ quan, đơn vị tiếp tục chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn nữa trong triển khai công tác quy hoạch; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi nhằm cùng nhau tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch đối với các công trình, dự án trong Bộ Quốc phòng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thi công, bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng các công trình, dự án, góp phần xây dựng Quân đội ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Bộ Tổng Tham mưu về một số nội dung quy hoạch
Quang cảnh buổi làm việc.

Ngoài nội dung trên, tại buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Hậu cần tập trung nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục quan tâm điều chỉnh, bảo đảm tốt hơn nữa điều kiện ăn, mặc, ngủ nghỉ và các chế độ phúc lợi khác cho lực lượng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham gia giúp đỡ chính quyền, nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi), giúp các đồng chí yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình.

Tin, ảnh: VĂN CHIỂN

Bộ Quốc phòng ủng hộ 40 tỷ đồng cho các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3

 Bộ Quốc phòng đã huy động các doanh nghiệp Quân đội ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền 40 tỷ đồng chuyển đến Ban Vận động Cứu trợ Trung ương.

Trong những ngày qua, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân các tỉnh phía Bắc. Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng "đội quân công tác" thực hiện nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình", thể hiện vai trò nòng cốt trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thiên tai, thảm họa.

Cụ thể, Quân đội đã tổ chức trực quân số 458.000 cán bộ, chiến sĩ (trong đó điều động, sử dụng 143.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ); trên 5.320 phương tiện ô tô, xe đặc chủng, tàu, xuồng..., bằng mọi biện pháp quyết liệt tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.

Cùng đó, đã tổ chức thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển; kêu gọi trên 51.000 tàu thuyền với gần 220.000 người về nơi an toàn; gia cố, hộ đê, xử lý sạt trượt 21.297m; tổ chức di dời hơn 96.000 hộ với gần 375.000 người đến nơi an toàn; cứu nạn được 870 người, tìm kiếm được 175 thi thể bàn giao cho địa phương. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ đi đầu trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đã có cán bộ, chiến sĩ hi sinh, bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Quốc phòng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, tổng số tiền 40 tỷ đồng chuyển đến Ban Vận động Cứu trợ Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam

Bên cạnh việc huy động lực lượng, các cơ quan, đơn vị toàn quân còn ủng hộ về tiền, cơ sở vật chất tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hỗ trợ Nhân dân trong vùng bị thiệt hại hàng trăm tấn hàng (lương khô, mỳ tôm, nước uống thịt hộp, sữa)… Vận chuyển 100 tấn gạo do Chính phủ cấp, hỗ trợ cho các tỉnh, hỗ trợ Nhân dân và chính quyền địa phương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, bệnh; khắc phục, sửa chữa các công trình an sinh xã hội trên địa bàn bị thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra, khôi phục các hoạt động bình thường sau bão. Kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam về ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra; Bộ Quốc phòng đã huy động các doanh nghiệp Quân đội ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền 40 tỷ đồng chuyển đến Ban Vận động Cứu trợ Trung ương.

Căn cứ vào mức độ thiệt hại của các địa phương, Bộ Quốc phòng đề nghị Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ trực tiếp cho các tỉnh, cụ thể: Tỉnh Lào Cai 06 tỷ đồng; Tỉnh Yên Bái 04 tỷ đồng; 04 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, mỗi tỉnh 03 tỷ đồng; 05 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang; Phú Thọ, Bắc Kạn, Sơn La, mức hỗ trợ mỗi tỉnh là 02 tỷ đồng; 05 tỉnh: Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Điện Biên, Hải Dương, mức hỗ trợ mỗi tỉnh 01 tỷ đồng; 06 tỉnh: Bắc Ninh, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, mức hỗ trợ mỗi tỉnh 500 triệu đồng./.


Không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với nạn nhân bão lụt

 Bộ Y tế lưu ý các sở y tế không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với các nạn nhân bão lụt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 16/9, Bộ Y tế có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, Ngành về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt.

Công văn nêu rõ: Cơn bão số 3 với cường độ rất mạnh và mưa lụt, sạt lở sau bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản, công trình công cộng và dân sinh. Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị ảnh hưởng và hư hại, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hoà Bình và nhiều tỉnh khác.

Trong bối cảnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế… vẫn kiên cường đứng vững, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và văn bản phòng chống bão, lụt của Bộ Y tế.

Bé gái trong vụ lũ quét thôn Làng Nủ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Mai Thanh)

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến nay, không có trường hợp nào không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Các bệnh viện đã chuẩn bị đối phó với siêu bão, di chuyển người bệnh, thiết bị lên tầng cao hơn, sẵn sàng nhân lực, chuẩn bị thuốc men, máy phát điện… cứu chữa người bệnh.

Tại một số bệnh viện ở TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, do mất điện lưới kéo dài, nhiên liệu chạy máy phát điện hết nên đã huy động nhân viên bóp bóng bằng tay, tận tâm, hết lòng cứu sống người bệnh; các cơ sở y tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã tích cực cứu chữa nạn nhân bị vùi lấp, chấn thương… do ảnh hưởng của cơn bão và mưa gió, sạt lở sau bão; nhiều nhân viên y tế đã dầm mình trong bùn, lũ cùng người dân đối phó và khắc phục hậu quả…

Trước tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và tình thương chăm sóc người bệnh của cả hệ thống y tế, Bộ Y tế đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương tinh thần hi sinh, lao động quên mình của đội ngũ nhân viên y tế tại các địa phương.

Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả của bão, lụt, duy trì và đảm bảo các điều kiện nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế có ý kiến như sau:

Thứ nhất, đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc các Trường Đại học Y, dược và bệnh viện tại các tỉnh, thành phố khác có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt sẵn sàng chi viện, thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng chống dịch bệnh cho các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ, kết nối hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, tiếp nhận người bệnh...

Thứ hai, đối với các bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, tiếp tục phát huy tinh thần “Lương y phải như từ mẫu” của người thầy thuốc, sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh; trường hợp vượt quá khả năng chuyển cơ sở khác hoặc đề nghị hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa.

Bộ Y tế lưu ý không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với các nạn nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo Sở Y tế. Phối hợp tiếp nhận, phân phối, sử dụng các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, rà soát cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc, vật tư… và chủ động đề xuất khắc phục, bổ sung kịp thời để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh thường quy.

Thứ ba, Sở Y tế các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 cần tăng cường giám sát thực tế, chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình của các cơ sở y tế tại địa phương và hỗ trợ ngay nếu cần thiết để khắc phục nhanh nhất các thiệt hại, đưa hoạt động khám, chữa bệnh trở lại bình thường.

Sở Y tế chỉ đạo CDC phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với kịch bản dịch bệnh gia tăng sau bão lụt và các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc, viêm da…

Tổng hợp chi phí điều trị của các nạn nhân trên địa bàn và các thiệt hại do bão lụt, báo cáo UBND tỉnh để có phương án giải quyết kịp thời./.


Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cần xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người Cộng sản

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống (9/1949 - 9/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; trực tuyến tới các điểm cầu của các Học viện trực thuộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới dự và phát biểu.

Đại biểu dự Lễ kỷ niệm 

Tham dự buổi Lễ còn có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước; các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức và học viên thuộc hệ thống Học viện; các vị Đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Trước buổi Lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể đại biểu đã dành một phút tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh và các nạn nhân đã mất do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

75 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Nguồn: vtvgo.vn)

Ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, tháng 9/1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự lễ khai giảng Lớp lý luận dài hạn, khóa II, tại xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Người đã ghi trên trang đầu cuốn Sổ vàng của Nhà trường lời huấn thị vô cùng quý giá: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Ðoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Sự kiện Bác Hồ về thăm là một mốc son trong lịch sử hình thành của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, được ghi nhận là Ngày truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện

Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hòa cùng tiến trình đổi mới của đất nước, từ mái trường Đảng Trung ương, hạt giống ban đầu được Bác Hồ kính yêu ươm mầm nơi chiến khu Việt Bắc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

Hiện nay, Học viện có cơ cấu tổ chức gồm: 18 viện chuyên ngành, thông tin, xuất bản; 10 đơn vị chức năng; các Học viện Chính trị khu vực: I (Hà Nội), II (Thành phố Hồ Chí Minh), III (Đà Nẵng), IV (Cần Thơ) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền; kết nối đồng bộ với hệ thống các trường chính trị của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

75 năm qua, mang trọng trách vinh quang với niềm tự hào là ngôi trường thực hiện "công việc gốc của Đảng", Học viện đã đào tạo hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và học viên quốc tế có trình độ lý luận chính trị, đạo đức cách mạng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn, đáp ứng kịp thời và hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ lịch sử.

Với những cố gắng, nỗ lực và thành tích to lớn trong 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bày tỏ vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Học viện, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, các thế hệ nhà giáo, cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Học viện ngày càng phát triển, không ngừng củng cố vai trò, vị trí là địa chỉ đặc biệt tin cậy và có uy tín của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

"Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị, nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang với những thành tựu đáng tự hào", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phấn khởi, tự hào về những thành tựu mà Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đạt được sau 75 năm xây dựng và phát triển, càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm vinh quang trên chặng đường cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện cho được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, trong bối cảnh tình hình có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi mở 04 vấn đề đối với Học viện: 

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm “người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận, học qua loa, đại khái, học kiểu “tráng men”; coi trọng việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý cho học viên; gắn lý luận với thực tiễn. Chủ động bám sát yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý; kết hợp giữa học tập lý luận, nghiên cứu thực tiễn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng vị trí, cơ quan, địa phương và đất nước; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có tinh thần “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo 

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong thời đại mới. Theo Ăng ghen “Một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Góp phần phát triển, hoàn thiện lý luận dẫn đường thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng là nhiệm vụ vẻ vang của Học viện trong thời gian tới. "Mục tiêu, yêu cầu cao nhất của nghiên cứu khoa học, lý luận mà Học viện phải đạt được đó là “Giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn mới, phức tạp; dự báo các xu thế phát triển, những tình huống chiến lược phải xử lý, chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất  nước trong thời đại mới, tạo đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh. 

Thứ ba, xây dựng Học viện thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người Cộng sản; cái nôi để rèn luyện tính đảng, văn hóa Đảng và bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập, bồi dưỡng tại Học viện. Tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với các Trường chính trị để sớm đạt chuẩn cao hơn; hoàn thiện mô hình Học viện thông minh; giữ gìn và lan tỏa những giá trị tích cực của văn hóa Trường Đảng tới các Trường Chính trị và các cơ sở đào tạo khác trên cả nước.

Thứ tư, các học viên phải thấm nhuần và thực hiện cho bằng được lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong Sổ Vàng truyền thống của Nhà trường khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, đó là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết, các đồng chí phải ý thức sâu sắc trách nhiệm và nhiệm vụ của bản thân trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; trước yêu cầu thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, xây dựng Đảng vững mạnh, nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để từ đó không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tri thức lý luận, bản lĩnh chính trị, tư duy, tầm nhìn và kỹ năng, phương pháp công tác và tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xứng đáng là học viện của Trường Đảng Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại"./.

Thực hiện tốt phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng

 Ngày 17/9, Thành ủy Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở . (Ảnh: PV)

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Dũng, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thủ Đức cho biết: Qua 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, các chủ trương, quan điểm của Đảng về quy chế dân chủ ở cơ sở; theo từng giai đoạn, đến nay Ban thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã tập trung chỉ đạo Cấp ủy các Chi, Đảng bộ cơ sở, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; nhất là quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở.

Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện 71 mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ tổ chức và cá nhân, 345 sáng kiến cấp TP Thủ Đức. Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã ban hành hơn 2.800 văn bản, tổ chức gần 1.500 hội nghị, cuộc tuyên truyền cho hơn 55.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” để thực hiện bê tông hóa các tuyến đường, hẻm, các công trình phúc lợi, có 13.983 hộ dân tham gia hiến đất mở đường, với tổng diện tích 410.553m2 đất (tổng giá trị đất tương đương số tiền 1.464 tỷ đồng); ngoài ra Nhân dân đóng góp kinh phí trên 1.197 tỷ đồng và hơn 10.000 ngày công để thực hiện các công trình... Đồng thời, đề ra 9 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức ghi nhận kết quả trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo ở các cơ sở. Qua đó, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chính quyền phải cải tiến hành chính, tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để phục vụ Nhân dân, đảm bảo quyền làm chủ Nhân dân; các cấp ủy cơ sở tổ chức tốt hội nghị Nhân dân; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội theo tinh thần “3 xây - 3 chống”, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ để gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ; xác định thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, người đứng đầu cấp ủy…

Đánh giá cao kết quả đạt được trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở của TP Thủ Đức thời gian qua, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị các cấp ủy, chính quyền TP Thủ Đức cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp công dân và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, kịp thời giải quyết vướng mắc, khiếu nại của Nhân dân; phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, chú trọng đổi mới phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới; phát huy tốt vai trò Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở...

Dịp này, Thành ủy Thủ Đức đã khen thưởng 52 tập thể, 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở./.

Bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng: “Đảng ta thật là vĩ đại”

 Hội nghị tập huấn nhằm giúp cho giáo viên, giảng viên, báo cáo viên trong toàn tỉnh thống nhất nhận thức về nội dung, phương pháp giảng dạy chuyên đề lịch sử Đảng - “Đảng ta thật là vĩ đại” trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trung tâm chính trị của tỉnh.

Đồng chí Lê Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu tại hội nghị. 

Ngày 18/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tập huấn chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng: “Đảng ta thật là vĩ đại” năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở.   

Theo đó, trong thời gian 01 ngày, tại 165 điểm cầu trực tuyến trong toàn tỉnh, trên 7.000 cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, báo cáo viên đã được nghe TS. Nguyễn Bách Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng Khoa Cơ bản, Trường Đại học Cửu Long trình bày chuyên đề lịch sử địa phương với 04 chuyên đề thành phần, gồm: “Lược sử vùng đất Vĩnh Long; truyền thống lịch sử của tỉnh Vĩnh Long; truyền thống văn hóa Vĩnh Long; và Nhân vật lịch sử tỉnh Vĩnh Long” và TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV triển khai 03 chuyên đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam sự lựa chọn duy nhất của cách mạng Việt Nam; đường lối lãnh đạo của Đảng soi sáng con đường cách mạng Việt Nam và chuyên đề: Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.

 Toàn cảnh hội nghị tập huấn.

Phát biểu tại hội nghị tập huấn, đồng chí Lê Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nhấn mạnh, hội nghị tập huấn nhằm giúp cho giáo viên, giảng viên, báo cáo viên trong toàn tỉnh thống nhất nhận thức về nội dung, phương pháp giảng dạy chuyên đề lịch sử Đảng - “Đảng ta thật là vĩ đại” trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trung tâm chính trị của tỉnh.

Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở nắm vững, hiểu sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta, về sứ mệnh, sự cống hiến của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Qua đó, củng cố hơn nữa niềm tin của cán bộ, đảng viên vào đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, góp phần tạo ra sự đồng lòng, đồng thuận trong xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.