Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

ĐẤU TRANH VỚI CÁC THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN MẠNG LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỌI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Trong những năm gần đây, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhiều thành tựu khoa học được ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Phát triển, ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ thông tin vào cuộc sống là sự phát triển tất yếu của đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc vận dụng, khai thác, sử dụng các sản phẩm đó thế nào cho phù hợp, nhất là đúng với quy định của pháp luật là một vấn đề hết sức phức tạp.

Thực tiễn cho thấy In-tơ-nét là một sản phẩm văn minh của công nghệ thông tin, có nhiều tiện ích to lớn trong đời sống hiện đại. Ứng dụng In-tơ-nét vào cuộc sống; đặc biệt trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý, sản xuất, kinh doanh đã mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với xã hội nói chung và từng cá nhân, cơ quan tổ chức nói riêng. Tuy nhiên, việc khai thác các thông tin, nhất là thông tin không chính thống, thông tin xấu độc do các thế lực truyền tải để phá hoại công cuộc phát triển đất nước, đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên giao động, hoài nghi vào công cuộc lãnh đạo, xây dựng và phát triển đất nước của Đảng và nhân dân. Thực tế hiện nay các thông tin trên mạng thường rất đa dạng, nhiều thông tin tập trung khai thác vào những điểm nóng, gây sự tò mò, phấn khích của cộng đồng mạng. Nếu chủ quan, đơn giản, nhiều người sẽ bị “lạc lối” trên mạng xã hội, thậm chí nguy hiểm hơn là vô hình làm trung gian phát tán, chia sẻ những thông tin xấu độc, hoặc vô tình làm rò rỉ thông tin bí mật Nhà nước, gây hại cho cộng đồng; thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước… Trước tình hình đó chính phủ đã ra nhiều văn bản quy định chi tiết về hoạt động, quản lý, sử dụng, cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, có nhiều hành vi bị nghiêm cấm, lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ In-tơ-nét và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, các tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân; tán phát thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Bên cạnh những tiện ích không thể bàn cãi, một số cán bộ đảng viên quá trình dùng mạng xã hội chưa nắm vững các quy định này nên đã có những sai phạm.
Hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chính trị đã lợi dụng In-tơ-nét ra sức chống phá sự nghiệp đổi mới cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm và xảo quyệt. Chúng lợi dụng vấn đề nóng trong thời gian qua như vấn đề gây ô nhiễm môi trường biển, vấn đề chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta, các sai phạm của cơ quan công quyền trong thực thi công vụ để kích động cán bộ, nhân dân; truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Những thông tin này đang được âm thầm phát tán, tạo ra sự dao động hoang mang trong các tầng lớp nhân dân, làm lung lay lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đây là thủ đoạn chiến tranh tâm lý vô cùng nguy hiểm mà mỗi cán bộ, đảng viên đang công tác trong các đơn vị, học viện, nhà trường quân đội cần nhìn nhận để tránh mắc mưu của các thế lực thù địch.
Thời gian qua, đại đa số cán bộ, đảng viên khai thác sử dụng mạng thông tin đúng mục đích, phục vụ cho công tác học tập và nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, vẫn còn một số cá nhân vi phạm, như chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; thậm chí có người còn tiếp tay, cổ súy theo những quan điểm sai trái. Vì vậy, để cảnh giác và đấu tranh với những thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội hiện nay cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý của của các cấp ủy đảng, người chỉ huy đối với hệ thống thông tin nói chung, mạng In-tơ-nét nói riêng.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người chỉ huy là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm định hướng và đẩy lùi các nguy cơ, âm mưu thâm độc của các thế lực phản động trên mạng. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác quán triệt, định hướng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên khi tiếp cận các thông tin trên mạng, nhất là các cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc. Đi đôi với công tác lãnh đạo cần đổi mới công tác quản lý thông tin, sao cho vừa khai thác có hiệu quả những lợi ích của thông tin trên mạng, vừa ngăn ngừa được những thông tin xấu độc. Do đó, ngoài việc hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định về sử dụng thông tin, phát ngôn, cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch lôi kéo, móc nối; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm, tư tưởng sai trái thẩm lậu vào đơn vị. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào đơn vị, trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng In-tơ-nét một cách khoa học và đúng đắn.
Hai là, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi cán bộ đảng viên trong cuộc đấu tranh chống phòng chống “DBHB” trên mạng In-tơ-nét.
Với cán bộ, đảng viên trong quân đội cần quán triệt, thực hiện tốt 3 quan điểm, 10 nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị 34 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa X) và Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, gắn với yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống “DBHB” trong tình hình mới; tổ chức tốt học tập các chuyên đề, tài liệu về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên In-tơ-nét. Đồng thời quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông tư số 110/BQP của Bộ Quốc phòng quy định cụ thể về sử dụng In-tơ-nét. Trong đó, mỗi quân nhân phải chú ý việc không được sử dụng In-tơ-nét để đăng tải, tán phát thông tin về hoạt động của đơn vị, không để lộ thông tin về quân số, vũ khí trang bị, biên chế tổ chức, hoạt động tác chiến, nghiệp vụ… Các quân nhân không được để lộ, lọt thông tin bí mật quân sự, không sử dụng mạng máy tính, thiết bị của cơ quan, đơn vị quân đội truy nhập mạng…
Trong tuyên truyền, giáo dục cần tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trên In-tơ-nét; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin sai trái, thù địch đó đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Ba là, phát huy sức mạnh của các tổ chức tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng In-tơ-nét
Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng In-tơ-nét là cuộc đấu tranh hết sức khó khăn và phức tạp. Do đó, phải huy động sức mạnh của các tổ chức, của mọi cán bộ, đảng viên; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, hành động tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái. Thành lập các tổ chuyên trách thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng in-tơ-nét, kịp thời ngăn chặn không để các quan điểm sai trái phát tán trên mạng in-tơ-nét có điều kiện tác động vào cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Đấu tranh, phê bình không khoan nhượng đối với những cá nhân có biểu hiện lệch lạc về chính trị ngay từ các đơn vị. Chú trọng việc tổ chức, định hướng trong các tổ chức đoàn thể; tham gia đấu tranh đối với các quan điểm và hành động sai trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch trên mạng in-tơ-nét. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chất lượng lực lượng chuyên trách, hạt nhân nòng cốt cả về lý luận, thực tiễn và khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong đấu tranh chống DBHB trên mạng in-tơ-nét. Đi liền với công tác đấu tranh chống địch phá hoại về tư tưởng chính trị, cần tăng cường công tác quản lý nội bộ, không để địch lợi dụng, kích động, lôi kéo, chia rẽ.
Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh chống DBHB trên mạng in-tơ-nét
Đây là nội dung rất quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống với các thông tin xấu độc trên mạng. Để đổi mới nội dung, phương pháp cần mở rộng, đa dạng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tránh sự đơn điệu trùng lắp, một chiều, thiếu tính sáng tạo, không phát huy tính tích cực chủ động của người tham gia. Động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt trên trang mạng. Khuyến khích mọi cán bộ, nhân viên xây dựng các trang blog cá nhân và tham gia trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter tạo diễn đàn lành mạnh để tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng chương trình hành động cụ thể trên cơ sở chỉ đạo chung của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên; bám sát đặc điểm đối tượng, khai thác các nguồn thông tin và tổ chức lưu chuyển thông tin phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể, xác định rõ nội dung đấu tranh, mục tiêu cần đạt tới. Công tác đấu tranh phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngắt quãng. Đồng thời, phải xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị đột xuất cũng như kịp thời phản bác những thông tin tuyên truyền xấu độc của các thế lực thù địch. Kết thúc mỗi giai đoạn cần làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm; có chính sách khen thưởng kịp thời với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, đấu tranh chống “DBHB” trên mạng. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức thiếu tính tích cực, có những hành vi đi ngược với mục đích, ý nghĩa của cuộc đấu tranh, vi phạm quy định trong khai thác, quản lý, sử dụng các thông tin trên mạng xã hội.
Trường Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét