Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay, có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái.
Trong 5 năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, từ sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng (tháng 1-2016), công cuộc phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nỗ lực này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong bối cảnh phần lớn các nước dù cố gắng, nhưng ít có tiến bộ trong việc giảm thiểu vấn nạn tham nhũng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay, có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án nhân dân các cấp cũng đã xét xử sơ thẩm 436 vụ án, với 1.118 bị cáo về các tội tham nhũng. Các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng đã được Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra, kiểm tra. Qua đó, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 188 vụ với 335 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiểm toán 434 đơn vị đầu mối, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách Nhà nước hơn 65.000 tỷ đồng.
Bước chuyển biến mạnh mẽ của công tác phòng, chống tham nhũng được ghi nhận bởi một cú “đột phá” cách đây hơn 2 năm, bắt đầu bằng một việc tưởng như rất thông thường: Chiếc xe sang biển số xanh của Trịnh Xuân Thanh – lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Từ chiếc xe biển số xanh, cơ quan chức năng đã vào cuộc và tìm ra những sai phạm lớn hơn của Trịnh Xuân Thanh khi đương chức ở Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN). Những sai phạm của ngành dầu khí dần hé lộ cho thấy mức độ, quy mô nghiêm trọng ở một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước,
Quyết tâm làm sạch bộ máy, làm sạch nội bộ Đảng bị thử thách khi sai phạm của ông Đinh La Thăng, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dần được đưa ra ánh sáng. Làm hay không làm, kỷ luật hay không kỷ luật? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Thế rồi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; tiếp theo là lệnh khởi tố bắt tạm giam của Cơ quan điều tra; cuối cùng là phiên tòa công minh với bản án đúng người, đúng tội đối với ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm chính là câu trả lời rõ rệt nhất: “Công cuộc chống tham nhũng của Đảng không có vùng cấm”.
Việc đưa ra xử lý từ ông Trịnh Xuân Thanh đến ông Đinh La Thăng được nhân dân đồng tình, cổ vũ, tin tưởng và quá trình làm trong sạch nội bộ Đảng với phương châm chống tham nhũng là “từ trên xuống”, “từ trong ra”. Thế nên, việc nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng hàng loạt cán bộ ở Đà Nẵng bị kỷ luật Đảng, cách chức không còn là điều bất ngờ.
Trong quá trình xử lý kỷ luật, đặc biệt là xử lý kỷ luật những cán bộ cấp cao không phải là không có những ý kiến e ngại. Một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có câu trả lời, cũng là quan điểm của Đảng: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Lời khẳng định đó được bổ sung bằng việc khởi tố, bắt giam hai sĩ quan cao cấp trong lực lượng công an là nguyên Trung tướng Phan Văn Vĩnh và nguyên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa vì liên quan đến đường dây đánh bạc “nghìn tỷ” qua mạng Internet; việc thì hành kỷ luật bằng hình thức cách chức, giáng cấp hai Thứ trưởng Bộ Công an có sai phạm liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”; việc xử lý kỷ luật một số tướng lĩnh quân đội có sai phạm về kinh tế; cũng như việc kỷ luật về Đảng và đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn, người được xác định có những vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước liên quan vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Rõ ràng những động thái quyết liệt ấy đã xóa tan những nhận định từng có trong công tác xử lý cán bộ như “làm lấy lệ”, “chỉ tắm từ vai”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản”, Công tác chống tiêu cực, tham nhũng đã cho thấy quyết tâm, nói được, làm được và niềm tin của nhân dân đã được khôi phục mạnh mẽ.
Cách làm mới đồng bộ, bài bản
Nạn tham nhũng từ lâu đã được Đảng ta chỉ rõ là “nội xâm”, một trong những nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước. Phòng, chống tham nhũng luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước từ lâu nay. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, kết quả thu được chưa tương xứng với mong đợi của toàn Đảng, toàn dân. Tham nhũng như “vết dầu loang”, gặm nhấm công sản, ăn mòn niềm tin của nhân dân, cản trở đất nước phát triển.
Bước ngoặt là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 2-2013), đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Với quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của người đứng đầu, với chức năng và quyền hạn bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ, công tác phòng, chống tham nhũng có sự đột phá dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo. Qua sự tham mưu, đề xuất của Ban Chỉ đạo, Trung ương Đảng quyết định chủ trương, định hướng về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp, tổ chức phòng, chống tham nhũng với chế tài đủ mạnh để tạo ra sự chuyển biến trong kết quả. Sự đúng đắn, hiệu quả đã được chứng minh qua kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay.
Về mặt thể chế, Đảng ta xác định giải pháp chống tham nhũng phải toàn diện, đồng bộ trong mọi mặt đời sống xã hội, từ hoạt động của các tổ chức Đảng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa có hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm. Công tác cán bộ được đổi mới một cách toàn diện; cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực. Đồng thời, xây dựng, sửa đổi, ban hành các quy định tạo cơ chế, điều kiện rộng rãi, thuận lợi nhằm động viên toàn xã hội, toàn dân tham gia chống tham nhũng.
Về mặt tổ chức thực hiện, các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được củng cố về bộ máy tổ chức, phân định rõ ràng về chức trách, quyết liệt, chặt chẽ trong thực thi nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Cần nhấn mạnh vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với cách làm việc quyết liệt, công phu, công minh trong chỉ đạo hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, và đặc biệt là trực tiếp làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới,… Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Đóng góp tích cực vào nỗ lực toàn cầu đánh bại tham nhũng
Với 35/100 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2016), xếp hạng 107/180 toàn cầu, Việt Nam nhảy lên tới 6 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2017 của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI). Đây là sự ghi nhận của quốc tế trước các nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian qua. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh phần lớn các nước trong nhóm đứng đầu bị giảm điểm; nhiều nước ASEAN bị tụt hạng; Trung Quốc với các nỗ lực “đả hổ diệt ruồi” cũng chỉ tăng 1 điểm (từ 40 lên 41), xếp hạng từ 79 lên 77 so với năm 2016. Theo TI, phần lớn các nước tiến quá chậm trong nỗ lực chống tham nhũng, thậm chí không có tiến bộ gì cả.
Tham nhũng là tệ nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái nào nắm quyền lãnh đạo đất nước. Cảnh báo về sự gia tăng của những tổn thất kinh tế – xã hội do tham nhũng gây ra đối với nền kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết những ước tính gần đây cho biết tham nhũng gây thiệt hại 1.500-2.000 tỷ USD/năm, tương đương khoảng 2% GDP toàn cầu. Không những thế, những tổn thất gián tiếp cũng nghiêm trọng không kém như tăng trưởng kinh tế sụt giảm, bất bình đẳng thu nhập, bất ổn xã hội gia tăng… Chẳng thế mà đối mặt hiểm họa lớn nêu trên, Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về chống tham nhũng lần đầu họp tại Luân Đôn (Anh) tháng 5-2016 kêu gọi phát động một phong trào toàn cầu thực sự để đánh bại tham nhũng.
Do đó, việc các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng: “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”; “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra…”; “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”… thực chất là lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, nói xấu hòng làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thực hiện quyết liệt, được nhân dân hết sức ủng hộ, đạt những kết quả tích cực thời gian gần đây là minh chứng bác bỏ các luận điệu xuyên tạc đó. Những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt lạc lõng ấy không làm suy giảm quyết tâm phòng, chống tham nhũng của của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cộng đồng quốc tế và những người khách quan đều đánh giá tích cực về nỗ lực này của Việt Nam.
Đề cập cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam trong hai năm qua, giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: “Đây không chỉ là xử lý một nhóm các quan chức có sai phạm, mà còn giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền và thói quen “chung chi” đã ăn sâu trong một số người, do đó được người dân rất ủng hộ”.
Đồng quan điểm này, giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) cho rằng, rõ ràng là mọi chuyện đã có chuyển biến khi luật pháp nghiêm minh hơn. Hiện giới đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, không còn nhũng nhiễu, hối lộ.
Ông Miguel Chanco, chuyên gia ASEAN của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (Anh) bác bỏ quan ngại cho rằng công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam sẽ làm chùn chân các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về một môi trường chính trị bất ổn. “Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy điều đó. Các con số thống kê đều chứng minh: Đầu tư nước ngoài và các hạng mục đầu tư vẫn tiếp tục ở mức mạnh và ổn định kể từ đầu năm 2016, thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh công cuộc này”- ông Chanco nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Edmund Malesky, trưởng nhóm điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam, những nghiên cứu gần đây cho thấy cảm nhận về tham nhũng của người dân và doanh nghiệp đã có chuyển biến. “Đã có những thay đổi tích cực về thủ tục hành chính, luật lệ và tiếp cận thông tin. Tất cả đều nhằm giải quyết những hệ quả tiêu cực của tham nhũng đối với cảm nhận người dân”, ông Malesky kết luận.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, như tham gia Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc; trao đổi, học tập kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống tham nhũng với nhiều nước trong APEC, ASEAN, châu Âu, các tổ chức quốc tế…, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung. Nhiều giải pháp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và học hỏi để vận dụng.
Kết quả tích cực bước đầu cùng sự đánh giá cao của quốc tế sẽ là động lực để công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước hơn nữa, mang lại nhiều hơn niềm tin trong nhân dân trên con đường phát triển đất nước.
(Theo VOV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét