Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

 

Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc công tác nhân sự bầu cử Quốc hội

Mưu toan biến nghị trường thành diễn đàn để chống phá

Thông qua mạng xã hội và một số diễn đàn tiếng Việt có địa chỉ ở nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động đăng phát nhiều tin, bài xuyên tạc về công tác nhân sự bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.

Chúng trắng trợn nói rằng, việc sắp xếp nhân sự trong Đảng cũng như trong Quốc hội là sự “thương lượng”, “thỏa hiệp” giữa các “phe cánh”.

Một bài viết trên BBC tiếng Việt gần đây trích ý kiến phát biểu rằng, công tác nhân sự ở Việt Nam “là quyết định thuần túy theo tính toán của đảng, theo sự phân chia quyền lực, thỏa hiệp, nhượng bộ...”.

Chúng cố tình xuyên tạc rằng cách làm nhân sự ở Việt Nam là không dân chủ, thiếu khách quan, minh bạch; việc sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung nhân sự không vì lợi ích tập thể mà chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”... Chúng tiếp tục bịa đặt, dựng chuyện nói xấu, bôi nhọ nhằm hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp cao của Đảng được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH.

Tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận dân chủ, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước.

Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự tại hội nghị, Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh để trình Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo đúng quy định của Hiến pháp. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động lại xuyên tạc rằng, “Đảng đã quyết” và việc bầu hay phê chuẩn của Quốc hội “chỉ là hình thức”.

Chúng rêu rao rằng: không phải cứ đảng viên tham gia ĐBQH, đại biểu HĐND mới đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; không phải chỉ có đảng viên mới đủ tư cách tham gia Quốc hội và HĐND các cấp... Để bảo vệ luận điệu này chúng lợi dụng những hạn chế của ta, nêu những trường hợp là đảng viên tham gia ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ vừa qua vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật; dẫn ra những ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là người ngoài Đảng nhưng vẫn phát huy tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Chúng đòi hỏi cơ cấu đại biểu Quốc hội là đảng viên với người ngoài đảng phải tương đương. Chúng tiếp tục sử dụng chiêu trò “tự ứng cử” rồi lên mạng hô hào các hội nhóm dân chủ ký tên ảo, tung hô, tô vẽ cho các “nhà dân chủ” hòng gây rối, phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp...

Tất cả những luận điệu, chiêu trò ấy không nhằm mưu đồ nào khác là cài cắm vào Quốc hội và HĐND các cấp những “mầm mống dân chủ” để từng bước biến nghị trường thành diễn đàn nhằm thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm ta suy yếu từ bên trong.

Thực tế sinh động là không thể phủ nhận

Những giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc công tác nhân sự bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là hết sức thâm hiểm, nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng cũng không thể phủ nhận được thực tế.

Công tác nhân sự ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã và đang được Đảng ta lãnh đạo tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, minh bạch, chặt chẽ, bảo đảm công bằng, đúng pháp luật.

Chúng ta không phủ nhận nhiệm kỳ vừa qua, một số đảng viên tham gia Quốc hội và HĐND các cấp đã vi phạm kỷ luật, pháp luật, nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã khẳng định, trong suốt nhiệm kỳ các ĐBQH, đặc biệt các đại biểu là đảng viên đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia và thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội... Chúng ta không thể “thấy cây mà không thấy rừng”, không thể vì một vài cá nhân mà phủ nhận sạch trơn vai trò của các ĐBQH nói chung và ĐBQH là đảng viên nói riêng.

Để lãnh đạo, tổ chức tốt cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nói chung và công tác nhân sự nói riêng, UBTV Quốc hội đã ban hành Nghị quyết; Bộ Chính trị đã ra chỉ thị lãnh đạo, các cơ quan chức năng đã có hướng dẫn cụ thể.

Mọi công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được tiến hành đúng tiến độ, các khâu, các bước trong quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Đảng ta xác định, việc chuẩn bị nhân sự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 quan trọng không kém chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng. ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp phải là những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; kiên quyết không để lọt những đại biểu không đủ tiêu chuẩn tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng đã đặt ra yêu cầu về chất lượng trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp không chỉ là những người có tâm mà còn phải có tầm, có khả năng nắm bắt, thấu hiểu được thực tế và những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, để từ đó phản ánh, kiến nghị biện pháp giải quyết với Quốc hội và HĐND các cấp.

Chúng ta không ngăn cấm, cản trở công dân tự ứng cử, nhưng người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Điều 69 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Điều 113 Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân”. Điều 115 Hiến pháp 2013 cũng nêu: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...”.

Để đáp ứng các yêu cầu ấy, nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trước hết phải là những người: “Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…”.

“Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết...” (Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương).

Như vậy, dù các thế lực thù địch, phản động có tung hô, tô vẽ đến đâu đi nữa thì các “nhà dân chủ” cũng không có đủ tư cách, tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Những giọng điệu cho rằng, Đảng ta ngăn cấm, cản trở ứng cử tự do là hoàn toàn bịa đặt, sai trái.

Nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác nhân sự trong bầu cử

Để cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nói chung và công tác nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nói riêng được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đúng nguyên tắc, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp, hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi người dân và toàn xã hội về nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác nhân sự và công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Chỉ có nhận thức đúng chúng ta mới tạo được sự thống nhất cao trong toàn xã hội, tạo sự đồng thuận trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và nhân dân nhằm tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng công tác nhân sự bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Thông qua vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông chúng ta cần cung cấp kịp thời các thông tin chính thống về công tác nhân sự của cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận với các thông tin chính thống về cuộc bầu cử nói chung và công tác nhân sự nói riêng đó vừa là cách để nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với công tác nhân sự của cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Mặt khác, thời điểm hiện nay chúng ta tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định và tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp thì các thế lực thù địch, phản động càng gia tăng chống phá.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cũng là biện pháp nâng cao sức “đề kháng”, giúp người dân tỉnh táo nhận diện đầy đủ, rõ ràng hơn về những âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị để kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động hòng chống phá công tác nhân sự, phá hoại cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản chúng ta không phủ nhận công tác nhân sự bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vẫn còn những tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, phiến diện chỉ dựa vào những tồn tại ấy mà phủ nhận sạch trơn vai trò của công tác nhân sự trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Cần khẳng định rằng, một trong những yếu tố có tính quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới là đội ngũ cán bộ, công tác nhân sự của Đảng, vai trò của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Những kết quả bước đầu của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng minh trong điều kiện mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác nhân sự và đang làm tất cả để nâng cao chất lượng ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; kiên quyết không để lọt vào Quốc hội và HĐND các cấp những đại biểu không đủ tiêu chuẩn.

TĐT (st)

1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa