Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021
Dòng chảy chính hướng về cội nguồn .
Niềm tự hào, tự tôn dân tộc Việt luôn được bà con phát huy thông qua các hoạt động gắn kết, xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, hòa nhập tốt với nước sở tại. Hoạt động quảng bá và giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các lễ hội văn hóa Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của bà con...
Bất chấp những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, suy diễn lệch lạc về đất nước của các thế lực thù địch, tình cảm hướng về quê hương bản quán với lòng yêu nước nồng nàn và mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, luôn luôn là dòng chảy chính trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài...
Mỗi dịp Tết cổ truyền, kiều bào trên khắp thế giới dù bận rộn tới đâu cũng thu xếp về nước đón năm mới, đoàn tụ bên gia đình, trong bầu không khí ấm áp của Tết quê hương. Đã thành hiện tượng quen thuộc, từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp gần Tết cổ truyền, các chuyến bay quốc tế tới Việt Nam hầu hết đều kín chỗ, các sân bay trong nước đông nghẹt người vì số lượng kiều bào trở về tăng đột biến... Bà con ta dù sống xa quê hương nhưng vẫn luôn giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp của ông cha, dù đi đâu, ở đâu, đến ngày Tết vẫn luôn tìm cách trở về đoàn tụ bên gia đình, người thân. Bởi sự thực là Tết Việt ở trời Tây dù cũng đủ đầy nhưng vẫn “nhớ lắm Tết quê hương” vì thiếu đi “phần hồn dân tộc và sự ấm áp của gia đình”.
Đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách” luôn được bà con người Việt ở nước ngoài gìn giữ thể hiện bằng những phong trào quyên góp rộng khắp gửi về nước ủng hộ các gia đình chính sách, các hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, đồng bào bị thiên tai... Bà Trần Thị Chang, kiều bào tại Ma-lai-xi-a về đón Tết Bính Thân ở quê hương, chia sẻ rằng: “Ở Ma-lai-xi-a, chúng tôi thường tổ chức cho cộng đồng đón Tết cổ quyền, Tết Trung thu, dạy con em tiếng Việt, phát động các phong trào ủng hộ trong nước, tham gia hoạt động bảo vệ chủ quyền đất nước... Dù ở đâu, chúng tôi luôn ý thức cần phải giữ gìn bản sắc của người Việt Nam”.
Niềm tự hào, tự tôn dân tộc Việt luôn được bà con phát huy thông qua các hoạt động gắn kết, xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, hòa nhập tốt với nước sở tại. Hoạt động quảng bá và giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các lễ hội văn hóa Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của bà con. Được biết có một nhóm trí thức người Việt ở nước ngoài và trong nước đã tập hợp lại thành lập Nhóm vận động tổ chức Ngày Việt Nam trên toàn cầu nhằm gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giới thiệu tâm hồn Việt với bạn bè quốc tế và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện và thường niên với thế giới. Chị Nguyễn Thị Bích Yến, kiều bào tại Áo, người đưa ra sáng kiến tổ chức Ngày Việt Nam trên toàn cầu, chia sẻ: “Niềm tự hào dân tộc, tự hào quê hương đổi mới luôn thôi thúc tôi phải làm gì đó để xứng đáng là người Việt Nam. Trước mắt, tôi và các cộng sự sẽ thúc đẩy chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Việt Nam và Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trên toàn cầu”.
Và trên tất cả, trong bầu huyết quản của mỗi người con đất Việt xa quê hương luôn nóng bỏng tình yêu quê hương, đất nước. Nếu không vậy, sao có những nhà khoa học, trí thức kiều bào sẵn sàng từ bỏ mức lương đáng mơ ước để trở về quê hương làm việc với đồng lương khiêm tốn hơn nhiều. Số lượng trí thức, nhà khoa học và doanh nhân kiều bào trở về nước làm việc và đầu tư ngày càng đông. Với sự chung tay góp sức của kiều bào, Việt Nam đang triển khai dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Chip đầu tiên. Theo ông Bùi Ngọc Châu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Việt kiều tại Thụy Sĩ, hiện nay, một số trí thức Việt Nam tại Thụy Sĩ đang hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo chuyên viên và cố vấn cho những dự án công nghệ hóa đất nước như thiết kế và sản xuất vi mạch.
Có những người dù một thời lầm lỗi có những suy nghĩ và hành động lệch lạc đối với quê hương, nhưng cuối cùng cũng đã vượt qua được rào cản định kiến, quay trở về và làm những việc có ích cho quê hương.
Chưa bao giờ phong trào ủng hộ biển, đảo quê hương mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp như thời gian qua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, các trí thức Việt Nam ở các nước đang tìm cách liên lạc và kết nối với nhau để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trước thế giới và làm những công việc góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nổi lên trong số đó là Nhóm Biển Đông tại Pháp, được coi là cầu nối chuyển tải các thông tin, kiến thức về Biển Đông đến cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, người Pháp và đến toàn thế giới. Điều có ý nghĩa quan trọng là các hoạt động vì chủ quyền biển, đảo quê hương như của Nhóm Biển Đông nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng vì đã xoáy đúng vào tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc của đông đảo người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Ngay tại địa bàn Mỹ, nơi có tình hình cộng đồng tương đối phức tạp, các hoạt động vì chủ quyền biển, đảo quê hương đã khơi gợi sự đồng lòng hướng về quê hương của kiều bào, từng bước xóa dần khoảng cách giữa cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ với đất nước. Đó là chia sẻ của chị Võ Thị Thanh Tuyền, Giám đốc điều hành của Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ.
Có mặt trong đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2016 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức vừa qua, anh Trần Bằng, kiều bào Pháp, trưởng Nhóm Biển Đông đã cho thấy bầu nhiệt huyết của một người con luôn đau đáu về biển, đảo quê hương. Điều anh trăn trở là phải làm sao kết nối và đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ biển, đảo quê hương. Anh là người từng có chuyến đi thực tế tại Trường Sa và tổ chức một cuộc triển lãm ảnh sau chuyến đi này gây ấn tượng cho người xem.
Dù đôi lúc bà con vẫn băn khoăn về những bất cập ở trong nước, nhưng trên hết, họ vẫn có niềm tin vững chắc vào triển vọng tốt đẹp của quê hương. Doanh nhân Vũ Quốc Trung, Việt kiều Áo, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Áo cho hay, bên cạnh những trăn trở về vấn đề giao thông mà anh cho là khó thích nghi ở Việt Nam, đã ngỡ ngàng đến không thể nhận ra khi đi trên con đường làng mình vì được bê tông hóa và thay đổi rất nhiều. Anh bày tỏ niềm tự hào Việt Nam không hề thua kém nước nào ở khu vực Đông Nam Á. An tâm và tin tưởng vào thể chế chính trị ở Việt Nam, cùng những thay đổi trong ban lãnh đạo đất nước vừa qua, anh Trung tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một nước ngang tầm châu Á trong một tương lai không xa.
Cùng chung những cảm nhận hạnh phúc về quê hương đổi mới, ông Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Ăng-gô-la chia sẻ ấn tượng về sự đổi thay kỳ diệu của đất nước trong quá trình đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là những thay đổi đi lên về thu nhập quốc dân, đời sống người dân, công tác xóa đói giảm nghèo... Tới thăm tỉnh Lào Cai, một trong những tỉnh miền núi đạt tốc độ phát triển nhanh chóng những năm gần đây, với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 9% trong những năm trước nay xuống còn hơn 2%, đúng dịp Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thành công, ông Đức bày tỏ niềm vui: “Đại hội đã đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo người dân cả nước tiếp tục đưa đất nước đổi mới mọi mặt, làm cho cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. Cộng đồng người Việt Nam tại Ăng-gô-la kỳ vọng và tin tưởng ban lãnh đạo mới sẽ dẫn dắt đất nước phát triển đi lên trong giai đoạn tới”.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế phát triển đi lên của đất nước, vẫn còn một số ít những ý kiến nhìn nhận sai lầm, có thể do thiếu thông tin hoặc cố tình xuyên tạc thực tế khách quan do vẫn mang tâm thế hằn học, định kiến. Trong số họ có nhiều người vì xa quê hương lâu năm vì một số lý do nên còn e ngại chưa dám trở về, dẫn đến thiếu thông tin về tình hình thực tế đất nước. Chị Võ Thị Thanh Tuyền cho biết nhiều bà con ở Mỹ, nhất là những người cao tuổi, cũng rất muốn trở về thăm quê hương nhưng còn tâm lý e ngại. Thậm chí, có một số trường hợp Hội của chị Tuyền đã phải đứng ra cam đoan rằng, họ sẽ được an toàn khi trở về Việt Nam.
Nhưng đáng trách hơn là những người cùng mang dòng máu đỏ, da vàng, sống ở trong nước biết rõ tình hình, vẫn đang tâm đưa ra những phát ngôn bị bóp méo làm xấu hình ảnh đất nước. Như trường hợp một nữ nhà văn nọ xin tị nạn chính trị tại Đức đã có những phát biểu tùy tiện trên BBC về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Mấy năm gần đây, nữ nhà văn này còn đưa ra những phát ngôn xuyên tạc sự thật phê phán lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam, phủ nhận trắng trợn các thành tựu phát triển được cả thế giới ghi nhận... Đáng lên án hơn là chính họ đang bị các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng để tiếp tục bịa đặt, vu khống Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Thắng, người Việt Nam sống và làm việc đã nhiều năm tại Đức, khẳng định: “Tôi có đủ điều kiện và cơ hội để biết rằng, đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương và bằng nhiều cách khác nhau đã và đang tích cực góp một phần của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”. Theo ông Hồ Ngọc Thắng, chỉ còn một bộ phận rất nhỏ vẫn còn tư tưởng hay hành động chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra có một vài cá nhân, ra nước ngoài trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, hiện nay đã bán rẻ lương tâm và trở thành bồi bút của các thế lực thù địch như Bùi Tín, Dương Thu Hương... Ở trong nước, gần đây, một số cá nhân đã đội lốt “đấu tranh dân chủ”, hoạt động vì “nhân quyền, tự do tôn giáo, dân oan” để chống phá Việt Nam.
Ông Hồ Ngọc Thắng bức xúc cho biết: “Là một người khi vừa tròn 18 tuổi, 1972 đã vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở tuyến đầu tại chiến trường Quảng Trị và trở về sau khi nước nhà thống nhất, tôi đặc biệt bức xúc trước thực tế, một số người trong những năm tháng chiến tranh đã không tham gia chiến đấu, chỉ ăn học ở Hà Nội hay ở nước ngoài, ngày nay đang tìm mọi cách để xuyên tạc sự thật, cố tình gây ấn tượng xấu về Việt Nam trước thế giới. Tôi và đại đa số người dân Việt Nam trong và ngoài nước lên án những việc làm của họ vì họ đã đi ngược lại lợi ích quốc gia và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chắc chắn họ sẽ thất bại vì người dân Việt Nam đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.
Là người con sống xa quê hương mang tình cảm đong đầy với Đất Mẹ và niềm tin vững vàng với Tổ quốc, ông Hồ Ngọc Thắng kiên quyết phản đối các luận điệu sai trái cùng những biểu hiện cố tình đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc bằng những bài viết có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, được đăng trên một số tờ báo uy tín trong nước.
Có thể khẳng định rằng, hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất ít bị tác động bởi lối tuyên truyền suy diễn lệch lạc về đất nước và hơn bao giờ hết, dòng chảy chính vẫn là hướng về quê hương bản quán với lòng yêu nước nồng nàn. Với chủ trương thông suốt “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” cùng các chính sách cởi mở đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy ngày càng hiệu quả, tận dụng tốt hơn tiềm lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn kết tình cảm với quê hương của bà con.
Không thể phủ nhận, sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Trong quá trình phát triển đó, không thể tránh khỏi những bất cập, tồn tại cần phải khắc phục nên chưa thể đáp ứng được hết những trông đợi. Nhưng nếu dựa vào đó để phủ nhận các thành tựu phát triển, bịa đặt, xuyên tạc về tình hình đất nước là hành động đáng bị lên án mạnh mẽ. Và những người cũng mang dòng máu đỏ, da vàng lại đang làm những việc đi ngược lợi ích của dân tộc mình, thiết nghĩ, rất nên tự vấn lương tâm và hãy tự thấy xấu hổ trước những người con đất Việt dù ở phương trời nào vẫn đang từng ngày đóng góp tài trí, sức lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã không làm được gì cho quê hương, tốt nhất hãy giữ yên lặng và chấm dứt ngay những hành động trái đạo lý truyền thống ấy./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hiện nay có rất nhiều Việt kiều luôn quan tâm và hướng về quê hương, đất nước
Trả lờiXóa