Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Lương tâm của đấu thầu

“Với những hệ thống máy móc lớn, cấu hình chỉ cần thêm bớt một cái bóng đèn là giá có thể thay đổi hàng chục nghìn USD”, một chuyên gia của Viện trang thiết bị, công trình y tế của Bộ Y tế - đơn vị đầu ngành về trang thiết bị - nói trong cuộc họp. “Việc định giá trang thiết bị là rất khó khăn”, ông khẳng định. Cách đây 8 năm, tôi làm thư ký trong một cuộc họp về thẩm định giá một dự án đầu tư trang thiết bị y tế trị giá hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù cuộc họp có rất nhiều nội dung, nhưng đến hôm nay tôi chỉ nhớ nhất phân tích của vị chuyên gia từ Viện trang thiết bị, đặc biệt là khi đọc tin tức về giá máy xét nghiệm Covid-19. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng dễ dàng "múa tay trong bị" khi mua sắm trong lĩnh vực y tế. Về bản chất, việc mua sắm không hề chỉ gói gọn giữa người mua (bên mời thầu) và người bán (bên trúng thầu) mà còn có sự giám sát của một số cơ quan khác (như cơ quan tài chính, cơ quan cấp trên thông qua việc Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu...). Nhưng chính những cơ quan này cũng không có đủ thông tin để thẩm định, giám định. Hệ quả là trong vụ lùm xùm mua sắm máy xét nghiệm Covid 19 vừa qua, rất nhiều địa phương khẳng định làm "đúng quy trình", nhưng cuối cùng vẫn mua máy với giá trên trời. Tại sao lại có tình trạng này? Một phần do đặc thù của thị trường trang thiết bị y tế. Người mua gần như không tiếp cận được giá gốc của nhà sản xuất. Hơn nữa, máy móc của những các hãng khác nhau, xuất xứ khác nhau giá cũng hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, cùng một model máy nhưng được trang bị cấu hình, lựa chọn phần mềm khác nhau giá cũng đã rất chênh lệch. Ở đây liệu có sự thông đồng móc ngoặc trong cái gọi là đúng-quy-trình trong việc mua máy xét nghiệm Covid-19 thì tôi không lạm bàn khi vụ án đang được điều tra. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn kịch bản này từ đầu, ngay cả khi các bên muốn móc ngoặc? Bản chất của vấn đề nằm ở sự thiếu thông tin, thiếu sự kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các tỉnh, thành. Đó rõ ràng là một điều vô lý trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay. Các yếu tố kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 gồm Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Vạn vật kết nối (Internet of things). Theo tôi, 3 yếu tố này cũng là những công cụ tuyệt vời để đảm bảo sự minh bạch trong mua sắm tài sản công và nhiều thứ khác nữa. Phải ghi nhận những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc khắc phục, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong công tác đấu thầu, khi xây dựng Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia. Cuối năm 2019, Bộ này đã ban hành Thông tư số 11 quy định bắt buộc phải công khai hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu... trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dù gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Thông tư đồng thời cũng đưa ra lộ trình hướng tới chủ yếu đấu thầu qua mạng. Tôi cho rằng công khai thông tin về đấu thầu trên Internet có thể coi là bước đi mang tính đột phá giúp nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng và tăng cường cạnh tranh, minh bạch trong công tác đấu thầu. Chỉ tiếc rằng, việc này vẫn chỉ được thực hiện một cách nửa vời, đầy tụt hậu về mặt công nghệ. Về lý thuyết, hiện nay kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu (trừ các gói thầu liên quan đến bí mật nhà nước) đều có thể được tra cứu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (http://muasamcong.mpi.gov.vn/). Nhưng việc tra cứu thì đầy phức tạp. Muốn tra cứu kết quả lựa chọn nhà thầu của một gói thầu cụ thể đòi hỏi người ta phải biết chính xác tên gói thầu ấy hoặc số thông báo mời thầu; bên mời thầu; thời điểm mở thầu (vì hệ thống chỉ tra cứu được trong khoảng thời gian 3 tháng)... Đó đều là những thông tin mà chỉ người trong cuộc mới biết. Nếu không phải là người trong cuộc bạn sẽ phải lần mò thủ công giữa rừng kết quả. Tự nhận là một người khá sành sỏi về kỹ năng tìm kiếm thông tin, song tôi đã mất cả buổi sáng mới tìm được kết quả lựa chọn nhà thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid 19 của 3-4 tỉnh thành. Việc khó khăn trong công tác tra cứu thông tin vô hình chung đã làm giảm đi hiệu quả của việc giám sát. Hay thậm chí, với kiểu tra cứu vất vả này, có thể nói việc giám sát của người dân chỉ tồn tại trên lý thuyết. Về thực tiễn, trừ các dự án báo chí để tâm, dân vẫn không thể xem nhà nước đấu thầu như thế nào. Tôi không hiểu vì lý do gì mà hệ thống được Bộ Kế hoạch - Đầu tư giới thiệu là được thí điểm từ 2009, áp dụng chính thức từ 2016 mà lại hạn chế về mặt kỹ thuật như vậy (đến mức chỉ hoạt động được trên 2 trình duyệt là Internet Explorer và Google Chrome). Trong khi lẽ ra hệ thống này xứng đáng là nơi thể hiện thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0. Hệ thống cũng không hề có những thông tin mang tính hệ thống, tổng hợp hay phân tích. Hãy thử hình dung từ kho dữ liệu của của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trên mạng internet, Trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích chỉ ra những gói thầu nào có vấn đề. Cùng một mặt hàng A đơn vị này mua giá rẻ là bao nhiêu; đơn vị khác mua giá cao thế nào? Cùng một mặt hàng thì bên dự thầu nào cung cấp giá rẻ, bên nào cung cấp giá cao? Đơn vị X qua đấu thầu tiết kiệm bao nhiêu hay giá trúng thầu luôn sát trần?... Rất nhiều thứ cụ thể có thể khai thác từ cơ sở dữ liệu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ đó giúp nâng cao hiệu quả công tác sử dụng nguồn vốn nhà nước, chứ không chỉ riêng mua sắm trang thiết bị y tế. Xét cho cùng, vấn đề là công nghệ, máy móc có thể giúp minh bạch, nhưng có muốn minh bạch hay không thì vẫn lại do con người.

1 nhận xét:

  1. Phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

    Trả lờiXóa