Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021
Đổi mới mà không "đổi màu" .
Một “nhà dân chủ” nổi danh trên bàn phím thời gian qua, sau khi đã vắt kiệt trí lực của mình để tìm cách chê bai thành tựu 30 năm đổi mới của Việt Nam, rốt cục cũng phải thừa nhận một thực tế là sau 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn vững vàng “danh chính ngôn thuận” trên cương vị là Đảng cầm quyền của Việt Nam. Đây cũng là điều trái ngược hoàn toàn với suy đoán của những người thiếu thiện chí với Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.
Những ngày gần đây, lướt qua một số báo mạng điện tử tiếng Việt như BBC, RFA, VOA… điều khiến nhiều người phải bật cười là những bài viết “thi” nhau dự đoán tương lai của Việt Nam vào cuối năm 2016. Họ tiên đoán điều gì? Những người tự xưng là tiến sĩ A, tiến sĩ B ấy đoán rằng các tổ chức “công đoàn độc lập”, “đảng phái đối lập” sẽ đua nhau mọc lên, dù chưa được pháp luật công nhận nhưng sẽ “cạnh tranh hòa bình” với Đảng Cộng sản Việt Nam? Họ còn thể hiện “trình độ” bằng dự đoán rằng, cuối năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ “ngấm ngầm thừa nhận xu thế đa nguyên, đa đảng là không thể đảo ngược”.
Vì sao họ phải tìm cách hà hơi, tiếp sức ầm ĩ cho những dự đoán viển vông như vậy? Ngược dòng lịch sử, trở lại với thực trạng Việt Nam những năm đầu đổi mới thì mới thấy những gì mà họ đang ra sức “khuếch đại” hôm nay vẫn là sự “tiếp âm” những bài vè lạc điệu của 30 năm trước. Vào giai đoạn đó, trước những khó khăn chồng chất tưởng như không thể vượt qua nổi của cách mạng Việt Nam, nhiều “chuyên gia lật đổ” đã phán như “đinh đóng cột” rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và những yếu tố tác động khác, Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ đánh mất vai trò lãnh đạo. Thậm chí, có người còn viết sách rêu rao rằng “Năm 1999-chiến thắng không cần chiến tranh”. Với những suy đoán từ bên ngoài như vậy, không ngạc nhiên khi nhiều kẻ cơ hội đã nhân lúc Đảng ta khởi xướng và bắt đầu sự nghiệp đổi mới, vội chạy ra nước ngoài, lớn tiếng tuyên bố “trở cờ” với hy vọng sẽ trở về tranh giành quyền lãnh đạo với Đảng Cộng sản khi nước nhà “có biến”. Trong hành trình đổi mới gian nan ấy, cũng đã có không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí cả cán bộ cấp cao ngã lòng, hoang mang, dao động, thiếu niềm tin vào Đảng và con đường CNXH, “tự chuyển hóa” sang hàng ngũ cơ hội, thậm chí phản động.
Nhìn lại những chuyện buồn cùng những võ đoán về vai trò của Đảng từ chặng đường 30 năm qua là để thấy rõ hơn quá trình trưởng thành, ngày càng dạn dày kinh nghiệm, ngày một bản lĩnh vững vàng hơn của Đảng ta hiện nay, với tư cách Đảng cầm quyền. Ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc, đó là “đổi mới mà không đổi màu”, là kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dự thảo Hiến pháp 2013 với 27 triệu lượt ý kiến góp ý rộng rãi trong nhân dân, được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ rất cao, trong đó Điều 4 khẳng định một vấn đề nguyên tắc: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tính chính danh của Đảng thêm một lần nữa được công nhận và hiến định.
Nhắc lại Điều 4 Hiến pháp 2013 là để chúng ta cùng nhận thấy rõ hơn thành tựu 30 năm đổi mới. Đây là một sự ghi nhận của lịch sử dân tộc, một sự chính danh vốn được xác lập từ Cách mạng Tháng Tám-1945. Vấn đề càng được khẳng định rõ ràng hơn khi chúng ta tham khảo kết quả khoa học được rút ra từ một công trình nghiên cứu do Viện Phát triển quốc tế Harvard (Hoa Kỳ) và Quỹ SIDA (Thụy Điển) tiến hành tại Việt Nam. Công trình này cho rằng: “So với các chế độ cộng sản cùng đang cải cách khác, Việt Nam có được những lợi thế chính trị quan trọng… Năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể với một quyền lực và tính hợp pháp không bị ai thách thức. Sau ba thập kỷ đấu tranh, Đảng đã loại mọi đối thủ và khôi phục được Việt Nam thành một nước độc lập và thống nhất. Ban lãnh đạo của Đảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí trong thế giới cộng sản và đảng viên của Đảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất ở Việt Nam”. Công trình này cũng đưa ra dự báo: “Ở Việt Nam trong tương lai khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Rõ ràng, qua 30 năm đổi mới, Đảng ta đã vượt qua những thử thách của lịch sử, luôn biết tự đổi mới, tự chỉnh đốn, là tổ chức chính trị duy nhất của dân tộc có thể đề ra đường lối đáp ứng yêu cầu lịch sử, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, phù hợp quy luật khách quan của sự phát triển trong thế giới đầy biến động hiện nay.
Đoàn kết “Đảng-Dân”, “Đảng-Nhà nước”
Càng gần đến ngày Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trên các trang mạng phản động xuất hiện càng nhiều các bài viết chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài việc ra sức phủ nhận những thành tựu của công tác xây dựng Đảng, họ còn tìm mọi cách xuyên tạc, phá hoại mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, giữa Đảng với Nhà nước. Những bài viết của họ, dù che giấu ý đồ, ngụy trang bằng những xảo thuật ngôn từ cỡ nào, cuối cùng cũng bộc lộ ra bằng thái độ, lời lẽ phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam đã suy thoái, biến chất, xa dân (thậm chí họ còn rêu rao là Đảng đã phản bội dân). Một hoạt động đơn giản như công tác diễn tập bảo vệ an ninh trước thềm Đại hội Đảng, một việc làm vốn dĩ rất bình thường, nước nào cũng phải làm như vậy thì họ cho rằng đó là biểu hiện Đảng không tin dân, Đảng sợ dân?... Hay như chuyện Đảng thảo luận công tác nhân sự theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chặt chẽ, kín kẽ, công phu, chu đáo, cụ thể, tỉ mỉ thì họ cho rằng Đảng “cướp” quyền được bàn của dân, hô hào Đảng ta phải “trả lại chính quyền cho nhân dân”. Toàn bộ những la lối um xùm của họ không thể làm mờ đi những giá trị, thành quả to lớn của công tác xây dựng Đảng, mà trước hết là việc xây dựng, giải quyết các mối quan hệ lớn giữa Đảng với Nhân dân, Đảng với Nhà nước.
Trong thành tựu to lớn về xây dựng Đảng 30 năm qua, trước hết phải kể đến thành tựu Đảng ta xác định rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất của Đảng. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Bản chất Đảng được diễn đạt như thế, vừa khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, vừa khẳng định nét đặc thù của Đảng ta theo sự phát triển sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp thực tế Việt Nam và đáp ứng được nguyện vọng, tình cảm của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, 30 năm qua là 30 năm Đảng ta nỗ lực cao độ, không ngừng nâng cao trình độ, nhận thức ngày một rõ hơn yêu cầu đối với một Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền.
Đảng cầm quyền và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong 30 năm đổi mới không chỉ là một thành tựu, mà còn là một sáng tạo của Đảng ta góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lê-nin trong tình hình mới. Mác, Ăng-ghen và các nhà cách mạng cùng thời chưa đề cập gì đến vấn đề này. Chỉ từ sau Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Liên Xô mới dần đưa ra khái niệm Đảng cầm quyền. Tuy nhiên, thời kỳ các nước XHCN còn tồn tại như một hệ thống, Liên Xô và các nước XHCN còn nhiều cách hiểu không đúng về “đảng cầm quyền”, cho nên có nhiều việc làm không phù hợp, bên cạnh hiện tượng buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, tình trạng khá phổ biến là Đảng làm thay chính quyền, bận rộn với các công việc quản lý Nhà nước và của các tổ chức kinh tế khiến Đảng gần như cũng là cơ quan quyền lực nhà nước, đứng trên Nhà nước.
Trong 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra hạn chế này và trên thực tế đã đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo của Đảng, không chỉ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị mà còn đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Hiến pháp 2013, thể chế hóa Cương lĩnh 2011 của Đảng khẳng định: Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống đó. Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của Nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Khi nói Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là nói Đảng lãnh đạo toàn bộ xã hội, thông qua bộ máy Nhà nước quy tụ và phát huy sức mạnh của toàn thể nhân dân để làm cho quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển của xã hội; mục tiêu, đường lối của Đảng được thực hiện trong toàn xã hội. Qua thực tế đổi mới, chúng ta ngày càng nhận thấy rõ ràng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước là hai mặt thống nhất, không cản trở nhau, trái lại, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trên cơ sở xác định rõ và làm đúng chức năng của hai tổ chức. Đảng cầm quyền là định ra đường lối, chủ trương, lãnh đạo Nhà nước đưa đường lối, chủ trương đó vào nội dung hoạt động của Nhà nước, thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành chính sách, luật pháp và quản lý, điều hành, tổ chức việc thực hiện. Một giải pháp lãnh đạo có tính quyết định là Đảng lựa chọn, đề cử những cán bộ, đảng viên có uy tín, phẩm chất, năng lực vào hoạt động trong các cơ quan Nhà nước, đồng thời có cơ chế kiểm tra hoạt động của các đảng viên đó. Các đảng viên hoạt động trong cơ quan Nhà nước có trách nhiệm chấp hành các quyết định của Đảng, phục tùng kỷ luật của Đảng; vận động, thuyết phục các cơ quan và công chức, viên chức thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng và đưa đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực; luôn lắng nghe ý kiến của các cơ quan Nhà nước để kiến nghị với Đảng, kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách chưa phù hợp. Như vậy, với quy trình đó, mỗi kỳ đại hội của Đảng, việc Đảng ta tiến hành chặt chẽ, công phu, thận trọng, tỉ mỉ công tác nhân sự chính là để lựa chọn, đề cử với dân (thông qua các cơ quan đại diện là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp) những đảng viên có đủ đức, đủ tài đảm đương các vị trí trong cơ quan Nhà nước. Làm như vậy là sự thể hiện trách nhiệm rất cao của Đảng trước Nhân dân, chứ không hề là sự “chia chác”, là “cướp quyền” của Nhân dân như một số trang mạng thù địch, phản động vẫn thường rêu rao.
Một thành tựu to lớn không thể phủ nhận là mối liên hệ đoàn kết chặt chẽ giữa Đảng với Nhân dân được thể hiện rất phong phú, sinh động trong suốt tiến trình đổi mới. Trước hết cần khẳng định, mục tiêu duy nhất và lớn nhất của Đảng khi tiến hành sự nghiệp đổi mới là để phục vụ lợi ích của Nhân dân, ngoài lợi ích của Nhân dân, Đảng đổi mới không nhằm bất kỳ lợi ích nào khác. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân là một trong những nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng. Đây là mối quan hệ “tin cậy lẫn nhau”, “tín nhiệm lẫn nhau”, là quá trình làm cho “lòng dân” với “ý Đảng” luôn hòa hợp làm một. Thực tế 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ, giúp đỡ hết lòng. Và chính nhờ như thế mà Đảng đã vượt qua những thử thách, khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi. Thời gian gần đây, Đảng có nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nghiêm khắc nhìn lại chính mình, thẳng thắn thừa nhận tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để có hệ thống giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng này. Những nỗ lực của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Nhân dân ghi nhận là đã góp phần siết lại kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới. Hơn ai hết, Đảng ta nhận rõ nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất đối với một Đảng cầm quyền là sự quan liêu, xa dân, làm mất tình cảm và sự tin yêu của Nhân dân.
Điểm qua những thành tựu của Đảng trong giải quyết các mối quan hệ Đảng-Dân, Đảng-Nhà nước như vậy để thấy rằng: Ba mươi năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách tiến công vào Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng Đảng ta luôn vững vàng, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc và CNXH, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng vừa phải đối phó với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch; vừa phải tự khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém của chính mình. Với những điều tốt đẹp đã làm được sau 30 năm đổi mới, được nhân dân thấu hiểu, tin cậy và ủng hộ, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất định sẽ từng bước tiến lên hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và lòng mong đợi của Nhân dân./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta nhằm thực hiện mưu đồ đen tối, chia rẽ Đảng với nhân dân, phản bội Tổ quốc; phải bị vạch mặt để làm trong sạch đời sống tinh thần của xã hội.
Trả lờiXóa