Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Tăng cường vị thế văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế

Một thành tựu văn hóa rất đáng kể trong thời kỳ đổi mới là chúng ta không chỉ chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, mà còn tiếp thu có chọn lọc nhiều loại hình, sinh hoạt văn hóa có xuất xứ từ nước ngoài. Bên cạnh tăng cường nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của nước ngoài như phim, ảnh, sách, băng đĩa ca nhạc và đón hàng trăm đoàn, nhóm ca sĩ, nghệ sĩ của các nước đến Việt Nam tham gia biểu diễn và giao lưu với công chúng, chúng ta cũng chứng kiến sự “bùng nổ” của rất nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa mới như các cuộc thi sắc đẹp, khiêu vũ, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, pop-art, video-art, digital-art... Nhiều lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam cũng được giới trẻ nhiệt tình đón nhận như: Ngày lễ Tình yêu (Valentine 14-2), Lễ hội hóa trang Halloween (31-10), Ngày lễ Giáng sinh (Noel 25-12)... Những hình thức văn hóa mới này vừa làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, vừa khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa tiến bộ, nhân văn cả ở trong nước và nước ngoài. Chính sách mở cửa, hội nhập với thế giới cũng tạo điều kiện cho hình ảnh văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên bầu trời nhân loại. Kể từ năm 1993, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đến nay, Việt Nam đã có 20 di sản được vinh danh. Điều đáng nói là, trong số 20 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh trong hơn hai thập niên qua, chỉ có 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, còn lại là 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đấy là chưa kể đầu tháng 12-2015 vừa qua, di sản Kéo co của 4 nước Việt Nam, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin và Hàn Quốc đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những ví dụ sinh động này trái ngược hẳn với ý kiến thiển cận cho rằng, văn hóa Việt Nam “không chịu hội nhập với văn hóa nhân loại” (!). Văn hóa không chỉ là diện mạo, hình ảnh của quốc gia, mà còn là sức sống bền bỉ và sức mạnh to lớn của cộng đồng dân tộc. Việc Việt Nam chú trọng quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa không chỉ nhằm củng cố, tăng cường “sức mạnh mềm” của đất nước, mà còn khẳng định vị thế văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy, cùng với những thành tựu to lớn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, những thành tựu về văn hóa đã minh chứng con đường đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta được khởi xướng từ năm 1986 là hoàn toàn đúng đắn, hợp xu thế thời đại và là tiền đề, động lực để thúc đẩy đất nước ta tiếp tục phát triển trong những năm tới.

1 nhận xét:

  1. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế

    Trả lờiXóa