Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021
Thực trạng dân chủ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội
Đất nước đang trong thời kỳ phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng đang từng bước được hình thành, đang được xây dựng, nó chưa đạt tới độ chín muồi. Song sau 30 năm đổi mới, dân chủ trong xã hội đã có những bước tiến căn bản.
Về thành tựu
1- Dân chủ trong kinh tế
Dân chủ trong kinh tế là cơ sở cho dân chủ trong các lĩnh vực khác. Trong những năm đổi mới, với đường lối xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mở ra những dư địa cho việc thực hành và phát huy dân chủ. Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Thể chế hóa chủ trương đó, Nhà nước đã ban hành Hiến pháp và nhiều đạo luật về kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho sự vận hành của nền kinh tế và cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Phá sản... Nhờ đó người dân đã có quyền được tự do kinh doanh, quyền làm chủ trong lao động sản xuất, quyền sở hữu tài sản, quyền được làm những gì mà pháp luật không cấm. Người dân cũng có quyền tham gia các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý và giám sát các hoạt động kinh tế của bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã. Người lao động có quyền được hưởng thụ một cách bình đẳng những thành quả kinh tế của đất nước. Tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế ngày càng thể hiện rõ. Tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của người dân ngày càng được phát huy. Nhà nước chăm lo cho người dân có công ăn việc làm, quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.
2- Dân chủ trong chính trị
Trong những năm đổi mới, dân chủ trong chính trị có bước tiến nổi bật. Chúng ta đã tiến hành đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, qua đó dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Đã và đang tiến hành đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhờ đó dân chủ trong Đảng ngày một nâng cao. Thực hiện bầu cử có số dư, ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng. Việc quy chế hóa hoạt động của cơ quan lãnh đạo các cấp đã đưa sự lãnh đạo của Đảng ngày càng vào nền nếp, dân chủ tốt hơn. Sự tham gia của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vào việc hoạch định, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ngày càng rộng rãi và có hiệu quả. Sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng có bước tiến rõ rệt. Những bước tiến đó đã có tác động mạnh mẽ đến việc phát huy dân chủ trong xã hội.
Chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đã ban hành Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 với nhiều sửa đổi, bổ sung rất mới liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân. Đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng liên quan tới tổ chức và hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các thành phần kinh tế; nhiều quyền công dân và quyền con người đã được cụ thể hóa và thể chế hóa. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cải tiến việc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân, bầu cử có số dư; tăng cường đóng góp ý kiến của nhân dân vào các dự án luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hoạt động của ngành tòa án và Viện kiểm sát cũng có nhiều đổi mới theo hướng phát huy dân chủ của công dân, tăng cường vai trò của luật sư và tranh tụng tại tòa án để hạn chế bớt các án oan, sai.
Đã cải cách một bước nền hành chính quốc gia trên cả bốn phương diện: thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, cán bộ công chức và tài chính công để giảm bớt phiền hà cho người dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh. Cùng với việc đa dạng hóa hình thức tập hợp quần chúng, chúng ta cũng đã đa dạng hóa chức năng các tổ chức này. Hàng loạt các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ra đời đã đáp ứng nhu cầu đa dạng, nhiều chiều của nhân dân về tập hợp quần chúng theo giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, học vấn, quê hương, tâm linh... Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Các hình thức thực hiện dân chủ (dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện) từng bước được hoàn thiện. Quy chế dân chủ cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã thâm nhập sâu rộng vào mọi tầng lớp nhân dân, làm cho bầu không khí dân chủ ở cơ sở ngày càng khởi sắc, có sinh khí.
3- Dân chủ trong văn hóa - xã hội
Nhà nước bảo đảm cho nhân dân các quyền cơ bản, như quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do sáng tạo, quyền đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, quyền thảo luận và biểu quyết những vấn đề quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhân dân có quyền thảo luận và giám sát các dự án về an sinh xã hội, về xóa đói, giảm nghèo, về hỗ trợ do thiên tai... Để tạo hành lang pháp lý cho phát huy dân chủ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Nhà nước đã ban hành các đạo luật, như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Pháp lệnh Ưu đãi người có công... Nhờ đó đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, trong hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ những thành quả của văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ngoài ra trong hoạt động lý luận khoa học môi trường dân chủ có bước tiến, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tự do tư tưởng, tranh luận, thảo luận, phát huy tính sáng tạo của mình, phản biện, đóng góp vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vào các chương trình, dự án kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương.
Tóm lại, qua 30 năm đổi mới, những thành tựu về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta rất quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Văn kiện Đại hội XI đã nhận định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa có tiến bộ”; “Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng, nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được coi trọng”(4).
Về hạn chế, yếu kém
- Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nhiều hạn chế. Một số người đồng nhất hoàn toàn dân chủ hiện nay với dân chủ xã hội chủ nghĩa theo nghĩa đầy đủ của nó. Một số lại có ảo tưởng muốn đạt ngay một trình độ phát triển cao của dân chủ trong khi nhiều tiền đề khách quan và chủ quan chưa chín muồi. Do không hiểu thực chất dân chủ trong chủ nghĩa tư bản nên một bộ phận nhân dân ngộ nhận dân chủ đó như là giá trị tuyệt đỉnh mà chủ nghĩa xã hội cũng phải khuôn theo. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, dân chủ và pháp luật còn tồn tại ở không ít người. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Nhà nước vẫn còn bị hiểu sai lệch, biến thành tập trung quan liêu hoặc dân chủ vô tổ chức.
- Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Tình trạng quan liêu của bộ máy hành chính làm cho yêu cầu quản lý các quá trình kinh tế - xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân chưa nhanh nhạy và có hiệu quả cao.
- Phương thức tổ chức, phong cách hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng quan liêu, chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; cán bộ của nhiều đoàn thể chính trị - xã hội vẫn trong tình trạng “hành chính hóa”, “viên chức hóa”.
- Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức. Dân chủ quá trớn, dân chủ cực đoan cùng sự độc đoán chuyên quyền vẫn diễn ra ở một số nơi, một số lĩnh vực. Dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp còn nhiều biểu hiện thiếu thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của mình.
- Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức. Tình trạng thiếu dân chủ trong Đảng thường đi đôi với việc lãnh đạo, quản lý độc đoán, chuyên quyền, thậm chí gia trưởng. Ngược lại, có tình trạng dân chủ không đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm. Còn nhiều vi phạm trong việc thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tổ chức đảng, chính quyền quy định chưa rõ ràng, thực hiện chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “tranh công đổ lỗi” - thành tích thì cá nhân nhận về mình, khuyết điểm thì đổ cho tập thể.
Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém: có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
- Dân chủ với tư cách là một vấn đề chính trị do trình độ phát triển kinh tế quy định. Trình độ thấp kém của kinh tế hiện nay ở nước ta với thể chế kinh tế thị trường còn sơ khai, chưa hoàn thiện sẽ hạn chế rất nhiều sự phát triển của dân chủ trong xã hội.
- Nước ta bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội cũng có nghĩa là bỏ qua dân chủ tư sản, nhân dân chưa có ý thức và năng lực thực hành dân chủ, chưa qua trường học của dân chủ tư sản, chưa có một nền văn hóa dân chủ ở mức cần thiết, chưa có thói quen tuân thủ pháp luật trong một nhà nước pháp quyền nên dễ rơi vào cực đoan.
- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mới đang từng bước được xây dựng; hệ thống pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ, thiếu nhất quán. Nước ta còn thiếu nhiều cơ chế, quy chế, thiết chế để thực thi dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
- Dân chủ gắn liền với dân trí, nhưng mặt bằng dân trí, trình độ dân trí chung của nhân dân còn thấp.
- Tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chúng ta để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Nhiều cấp bộ đảng, tổ chức nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa thực sự là tấm gương về dân chủ trong xã hội.
Những vấn đề đặt ra và giải pháp
Những vấn đề đặt ra
- Tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, cơ chế thực hiện dân chủ trong mô hình đó.
- Tiếp tục nghiên cứu về lý luận và thực tiễn để làm rõ trong điều kiện một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền, không đa nguyên chính trị đa đảng đối lập mà vẫn phát huy được dân chủ thực sự đối với nhân dân, vẫn giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng, Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên không rơi vào tình trạng suy thoái, biến chất, xa rời quần chúng.
Mặt trái của tình trạng một đảng độc quyền lãnh đạo là dễ chủ quan, tự mãn, kiêu ngạo, đặc quyền đặc lợi, quan liêu, xa rời nhân dân. Muốn phòng ngừa và khắc phục, phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, “dựa vào dân để sửa chính sách”, “sửa cán bộ” (Hồ Chí Minh); có cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên. Mọi vấn đề về chủ trương, chính sách của Đảng cần được thảo luận trong Đảng và đưa ra toàn dân thảo luận rộng rãi trước khi Đảng quyết định. Đảng là quang minh chính đại, là đạo đức, là văn minh, lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của nhân dân, dân tộc nên làm như vậy chỉ có tốt cho Đảng.
- Nghiên cứu để tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Để phát huy dân chủ đòi hỏi Đảng phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ và trên cơ sở dân chủ.
Để có dân chủ rộng rãi trong Đảng, điều cốt yếu là nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi đảng viên được quyền bàn bạc, thảo luận và quyết định mọi công việc của Đảng - từ những công việc cụ thể của tổ chức đảng cơ sở đến những vấn đề lớn như xây dựng Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đảng viên có quyền tranh luận, nêu ý kiến riêng của mình và có quyền bảo lưu ý kiến lên cấp lãnh đạo cao nhất; Đảng phải khuyến khích thảo luận, tranh luận với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau để đi đến thống nhất về quan điểm, nhưng khi đã thành nghị quyết của tập thể thì phải tôn trọng, mọi đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết: Mọi cấp ủy đảng phải thật sự lắng nghe ý kiến của cấp dưới và đảng viên, biết tổng hợp trí tuệ và sáng kiến của đảng viên, kinh nghiệm công tác phong phú của đảng viên. Thực hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc là nội dung quan trọng không thể thiếu của vấn đề dân chủ trong Đảng. Trên tinh thần dân chủ trong Đảng mà tự phê bình và phê bình có lý có tình, đảng viên hiểu nhau, thông cảm nhau, giúp đỡ nhau trên tinh thần đồng chí, cởi mở.
- Nghiên cứu để xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các mô hình tự quản trong các cộng đồng dân cư ở cơ sở (thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố), hoạt động trên cơ sở hương ước, quy ước, không trái pháp luật; coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng.
- Nghiên cứu để phát huy vai trò của thiết chế xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng xã hội thực sự dân chủ, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường và bổ khuyết những giới hạn của nhà nước trong quản lý xã hội. Ở nước ta hiện nay nhận thức về vấn đề “xã hội dân sự” còn rất khác nhau, có cả những nhận thức sai lệch, thậm chí có cả mưu đồ lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để chống phá chế độ ta của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước. Cần đi sâu nghiên cứu vấn đề xã hội dân sự để, một mặt, vừa tạo sự thống nhất về nhận thức trong nội bộ, vừa để phản bác lại quan điểm sai trái, thù địch; mặt khác, có thể vận dụng những yếu tố hợp lý để phát huy dân chủ, phát triển đất nước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Nội dung bài viết rất hay
Trả lờiXóa