Trong suốt 91 năm qua, Đảng ta luôn chú trọng đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều kiểm điểm, đánh giá và đề ra nhiệm vụ cơ bản về xây dựng Đảng trong đó đặc biệt nhấn mạnh xây dựng đạo đức đối với cán bộ và đảng viên như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII (tháng 2/1999) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết số 04-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh và bổ sung vào công tác xây dựng Đảng nội dung xây dựng đảng về đạo đức và khẳng định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đây là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được tách riêng thành một nội dung độc lập, được đặt ngang hàng với xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay đã được Đại hội XII chỉ rõ: Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy tốt vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát. Trong Văn kiện Đại hội XIII, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức có một số điểm đáng lưu ý: tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn; hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới; để cho mỗi cán bộ đảng viên thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình mà rèn luyện, phấn đấu. Nêu cao danh dự, lòng tự trọng của mỗi người. Đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết Trung ương có liên quan đến xây dựng Đảng về đạo đức đã tạo được những chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên; Đảng luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức trong bối cảnh trong nước, khu vực, thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng luôn được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, hiện nay trong công tác xây dựng Đảng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định cần khắc phục như: vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thoái hoá, biến chất, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài. Họ sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, của lợi ích nhóm…. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước…
Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức theo tư tưởng của Người, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện lý tưởng đạo đức cách mạng của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin mới phù hợp với từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của bản thân cán bộ, đảng viên. Kiên định thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chống suy thoái, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên, của tổ chức đảng. Hằng năm, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải có cam kết, rèn luyện giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị, ở địa phương. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc. Nêu cao tinh thần trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu theo Quy định 101-QĐ/TW, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; chống các biểu hiện về sự vô cảm, quan liêu, xa rời nhân dân.
Thứ ba, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; dũng cảm tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân mình, có dũng khí đấu tranh tự phê bình và phê bình trước cấp ủy, tổ chức đảng, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Kiên quyết đấu tranh chống lại việc lợi dụng phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Thứ tư, cần gắn kết xây dựng Đảng về đạo đức với các nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung trong các nội dung xây dựng Đảng, cùng với các nội dung khác là xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tổ chức tạo thành tổng thể nội dung công tác xây dựng Đảng. Đó vừa là sự kế thừa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa là đòi hỏi của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về xây dựng Đảng, thực hiện sự giám sát, kiểm tra của Nhân dân đối với tổ chức đảng và các cán bộ đảng viên để xây dựng Đảng.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa