Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Bài học từ hai câu chuyện ngụ ngôn

Trong cuộc sống, không hiếm người vẫn thể hiện sự yêu ghét của mình theo... quyền lợi cá nhân (chứ hoàn toàn không xuất phát từ một tiêu chí đạo đức nào). Mà quyền lợi cá nhân thì nhiều lúc cũng bị ảnh hưởng theo tình thế khách quan, bởi vậy mà sự khen chê của họ cũng trở nên... lung tung, thiếu nhất quán. Chuyện thứ nhất: Vì sao dân gian ta, khi chê trách một trường hợp "kém thông minh" nào đó, thường nói "dại như vích". Câu chuyện sau đây (trong kho tàng truyện ngụ ngôn Việt Nam) chính là nguồn gốc của câu thành ngữ đó: Vích là một loại rùa biển, thường hay làm tổ ở ven biển. Một hôm, có con vích nằm phơi nắng trên bãi cát. Một người đi qua trông thấy bèn rón rén tiến đến, tìm cách để bắt. Người ấy quăng dây thòng lọng thít chặt lấy một chân vích. Con vật giật mình, thụt đầu vào trong mai. Khi người nọ kéo vích vào đất liền, thì con vích cố lấy sức kéo ngược lại ra biển. Người nọ càng kéo vào, vích càng kéo ra. Cứ thế, cuối cùng con vật kéo tuột cả dây, trốn xuống biển. Người nọ "bại trận", tức lắm, song nhờ đó mà biết được một "đặc điểm" của vích. Hôm sau, chờ cho vích lên bãi cát phơi nắng, người nọ lại quăng dây thòng lọng thít chặt lấy chân vích như trước. Vích thấy vậy vội thụt đầu vào trong mai. Khác với hôm trước, người nọ cố sức kéo vích ra phía biển, còn con vật thì vẫn khờ khạo như lần trước - cố vùng vẫy theo hướng ngược lại. Người nọ càng làm bộ kéo vích về phía biển, vích càng cố kéo về phía đất liền. Khi thấy vích đã vượt qua bãi cát vào sâu trong đất liền, người nọ liền trói nghiến vích lại mang về. Câu chuyện thứ hai: Có con nhện và con gián cùng sống trong một ngôi nhà. Một hôm nhện bực bõ bảo: - Tôi rất lấy làm không ưa cái ông chủ nhà này. Tôi chẳng làm hại gì ông ta, thế mà cứ hễ thấy tôi chăng cái mạng ở chỗ nào là ông ta ra tay quét bằng sạch. Tôi cầu cho ông ta tan hoang cửa nhà. Gián cãi: - Tôi thì tôi lại thích cái ông chủ nhà này, vì tôi tha hồ chui vào lọ dầu, lọ mỡ mà xơi mà chén cho thỏa thích. Tôi cầu cho ông ta ngày một giàu có để tôi được tha hồ chén dầu, chén mỡ. Quả nhiên, nhà chủ ngày một giàu lên. Và để làm cảnh, mua vui, ông chủ nhà còn rước về một con khướu. Con khướu này đặc biệt thích ăn gián, bởi thế chủ nhà ra sức bắt tìm gián để làm thức ăn cho khướu, đến nỗi đàn gián chết sạch, chỉ còn mỗi con gián độ nọ là trốn thoát. Nhện ẩn mình ở xó bếp, gặp gián bèn hỏi mỉa mai: - Thế nào, độ này bác sống ra sao? Tôi tuy bị phá sạch nhưng chưa đến nỗi bị truy diệt, nhất là không như loại gián nhà bác, chết bởi cái giống chỉ có tài hót mà thôi. Bác còn chúc chủ nhà giàu có hơn nữa thôi? Bác cũng có tài chúc đấy chứ! Gián nghe vậy thì xấu hổ quá, bèn tụt xuống miệng cống trốn. Từ bấy trở đi, loài gián toàn sống chui lủi, không bao giờ dám ló mặt giữa ban ngày ban mặt và ở những nơi thoáng đãng, có ánh sáng. Lời bình: Hiện nay, trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp nhiều trường hợp có cách hành xử hoặc quan niệm sống tương tự các "nhân vật" trong hai câu chuyện ngụ ngôn nói trên. Có những người, hễ hệ thống truyền thông chính thống (mà họ gọi là "lề phải") thông tin, đưa ý kiến của những người có chức sắc thế này, thì ngay lập tức, họ có ý kiến thế kia, nghĩa là luôn theo cách ngược lại, bất luận việc ấy đúng sai thế nào, và có thuộc tầm hiểu biết, chuyên môn của mình không. Bởi vậy, muốn họ có ý kiến tán đồng một việc nào đó, lắm khi chỉ cần làm một "động tác giả", nghĩa là để một ai đó có chức sắc lên tiếng phản đối (một việc nào đó), là dễ có thể thu về từ họ những ý kiến... đồng tình. Bài học từ việc xảy ra với con vích ở câu chuyện ngụ ngôn thứ nhất trong trường hợp này vẫn... luôn luôn đúng. Cũng vậy, hiện trong cuộc sống, không hiếm người vẫn thể hiện sự yêu ghét của mình theo... quyền lợi cá nhân (chứ hoàn toàn không xuất phát từ một tiêu chí đạo đức nào). Mà quyền lợi cá nhân thì nhiều lúc cũng bị ảnh hưởng theo tình thế khách quan, bởi vậy mà sự khen chê của họ cũng trở nên... lung tung, thiếu nhất quán. Chỉ có điều, khi thay đổi sự khen chê theo sự ảnh hưởng quyền lợi cá nhân của mình, họ chưa hẳn đã biết... xấu hổ như con gián trong câu chuyện ngụ ngôn nọ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét