Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Sao trước kia không...

Một buổi chiều đang đi dạo ở công viên, tôi gặp lại ông cán bộ lãnh đạo cũ của công ty. Đang định tìm cách tránh mặt thì ông đã gọi: - Chào anh bạn! lâu lắm mới gặp. Tôi đành phải bất đắc dĩ trả lời: - Chào sếp, anh có khỏe không, cũng lâu rồi mới gặp sếp. Tôi không muốn nói chuyện với ông vì biết ông khá rõ khi còn ở cơ quan. Với vai trò phó giám đốc công ty, ông có tiếng không chỉ khôn khéo biết làm vui lòng cấp trên và vừa lòng cấp dưới... mà cái chính là ông biết “ngậm miệng ăn tiền” hay “gió chiều nào che chiều ấy” và tích cực “vun vén cá nhân”. Không để tôi nói lời nào sếp cũ tiếp luôn: - Tình hình cơ quan thế nào? Vẫn tốt chứ? Tôi trả lời cho qua chuyện: - Vẫn thế, anh còn lạ gì... không có gì thay đổi lớn lắm! “bình thường như đường và sữa”. Ông liền tranh thủ nói thật nhanh như sợ tôi chạy mất: - Mình nghỉ hưu rồi thế là xong, còn các cậu ở lại thì chắc còn nhiều chuyện phải bàn đấy, mình ở cơ quan lâu rồi, mình nắm khá rõ... Rồi ông bắt đầu nào là công lao của ông với công ty không hề nhỏ chút nào, lẽ ra ông phải được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn, đằng này chỉ khi năm hết tết đến ông mới được lãnh đạo thăm hỏi tặng quà... nào là lẽ ra cơ quan phải chú ý hơn nữa đến công tác tổ chức, đặc biệt chú ý đề bạt những người có tài có đức, nào là cơ quan nên chú ý nâng cao đời sống cho anh em, vì so với một số nơi khác, cơ quan hiện có rất nhiều lợi thế; nào là cần tăng cường dân chủ ở cơ sở hơn nữa vì đây là động lực để phát triển và để thực hiện đại đoàn kết; hoặc là cơ quan nên thực hiện tốt hơn nữa việc chống tiêu cực như tham nhũng, quan liêu; hay là những cán bộ lâu năm, những chuyên gia giỏi phải có chế độ ưu đãi đặc biệt để gìn giữ phát huy người tài, tránh tình trạng đề bạt cán bộ chỉ chú ý bằng cấp, chức vụ mà sao nhãng chuyên môn; nào là lớp cán bộ hiện thời năng lực hơi yếu so với thời ông. Đáng ngại là họ ít lo cho tập thể mà chỉ lo thu vén cá nhân. Ông còn chê lãnh đạo này trách lãnh đạo kia là kém phẩm chất, năng lực không nên được đề bạt vì làm thế không có lợi cho tập thể. Hay nhiều điều, nhiều việc cơ quan làm hiện nay là bất hợp lý... Tôi nghe phát chán liền tìm cơ hội cắt lời ông: - Ôi đúng, thật là đúng, nếu làm được như những điều anh nói thì tốt quá, cơ quan chắc là hoành tráng lắm. Có điều sao lúc anh còn đương chức, đương quyền anh không nói những điều như thế, hay ra sức làm như anh nói để cho cơ quan phát triển?... Hình như nhận thấy điều gì đó không ổn, ông đỏ cả mặt ấp úng. - Ừ thì đúng vậy, lúc ấy cũng có cái khó, về hưu mới có thời gian suy nghĩ cho chín (!) vả lại cậu cũng biết, với người Việt Nam mình vốn “dĩ hòa vi quý” cho nên có nhiều điều muốn nói cũng phải im lặng, cho êm chuyện... Tôi thấy thế bèn nói luôn: - Thế sao bây giờ anh không “dĩ hòa vi quý” luôn cho xong đi còn nói ra làm gì nữa. Anh nghỉ hưu rồi vui vẻ cho qua mọi chuyện, vương vấn chuyện đó làm gì cho đau đầu. Em cũng chỉ là nhân viên quèn thôi mà, anh nói với em những chuyện đó có ăn nhằm gì đâu. Ông có vẻ ngượng ngùng vì cách nói thẳng thắn của tôi, ông đành trả lời cho qua: - Ờ thì nói cho vui thôi chứ mình nghỉ rồi, chỉ tiếc cho các cậu đang làm việc, giá mà cơ quan khá lên thì đời sống cũng sẽ khá hơn, vui vẻ hơn, đoàn kết hơn... Thôi nhé, lúc nào rảnh qua mình uống nước anh em mình tâm sự. Thế là ai đường nấy đi. Nhưng nỗi bức bối theo tôi về đến tận nhà và còn đeo đẳng một thời gian dài nữa. Bởi một lẽ, khi đương chức đương quyền ông thường quên hết anh em bạn bè, lao vào tìm lợi ích riêng tư, chỉ khi nghỉ hưu mới hăng hái “đấu tranh”, “chống tiêu cực”, “góp ý” bới móc chê bai một số lãnh đạo đương nhiệm... mà thật ra tình hình công ty hiện cũng có phần ông “gây dựng” nên chứ phải đâu rơi từ trên trời xuống (?). Vậy khi góp ý họ nên có trách nhiệm nếu không như vậy phải những người nghe dễ bị kích động thì tác hại thật khó lường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét