Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Con đường phát triển của dân tộc Việt Nam đến đầu thế kỷ XX đánh dấu một bước chuyển quan trọng, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), đưa dân tộc phát triển theo một con đường phát triển mới - con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên cách mạng XHCN. Ngay trong Cương lĩnh thành lập Đảng đã xác định rõ: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc thực hiện mục tiêu con đường đã lựa chọn, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã xóa bỏ chế độ phong kiến, thuộc địa, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại vẻ vang của lịch sử dân tộc - thời đại quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH. Tiếp đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân, đế quốc và các thế lực xâm lược biên giới, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Hiện nay, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn: chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định. Đó là sự thật không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, thời gian qua trên một số diễn đàn, nhất là trên các trang mạng xã hội xuất hiện các quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta. Họ cho rằng, sự lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH ở Việt Nam là sai lầm, đẻ non, không đi theo quy luật; nếu không đi theo con đường cách mạng vô sản thì vẫn giành được độc lập dân tộc mà không phải đổ máu, hy sinh hàng triệu con người trong chiến tranh; đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, kinh tế sẽ phát triển như một số nước trong khu vực đã trở thành những “con rồng”, “con hổ” của châu Á; Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, từng là thành trì của CNXH cuối cùng cũng từ bỏ ngọn cờ để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Do đó, hiện nay Việt Nam nên chuyển hướng phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa mới phù hợp,v.v.. Những luận điệu trên đây không có cơ sở khoa học và thực tiễn, là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Hiện thực lịch sử ở Việt Nam đầu thế kỷ XX cho thấy, trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân chịu cảnh áp bức, bóc lột của cả chủ nghĩa thực dân và địa chủ phong kiến, đã có rất nhiều phong trào yêu nước như: phong trào Cần Vương, phong trào khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Dân chủ tư sản,v.v.. song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Ðó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc, “tình hình đen tối như không có đường ra”. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước theo tiếng gọi “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản, với mong muốn sang các nước tư bản phát triển học hỏi những yếu tố tiến bộ để về giúp đồng bào thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người đã đến những nước tư bản phát triển như Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nước thuộc địa... Qua quan sát Người đi đến kết luận: cách mạng giải phóng dân tộc Mỹ, cách mạng tư sản Pháp đều là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi, vì cách mạng thành công chỉ đem lại lợi ích cho thiểu số giai cấp, còn đông đảo quần chúng lao động vẫn chịu cảnh áp bức, bóc lột. Cho nên, nếu lựa chọn con đường cách mạng tư sản này cùng lắm chỉ giải phóng được dân tộc, nhưng nhân dân vẫn bị áp bức, vẫn phải chịu kiếp ngựa trâu, thì độc lập dân tộc sẽ chẳng có nghĩa lý gì.
Trong bối cảnh đó, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (1917), mở ra thời đại phát triển mới đối với lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Từ tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười, Người mới tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, lần đầu tiên Người đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cuơng về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin vào tháng 7-1920, từ đó Người kết luận đây mới là con đường cứu nước và giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Như vậy, phải mất gần mười năm trời, Nguyễn Ái Quốc mới tìm ra được con đường cứu nước giải phóng dân tộc, chứ không phải ngay từ đầu Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, Người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười, tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng. Trong bối cảnh đất nước như vậy, dân tộc Việt Nam đã chọn con đường cách mạng vô sản là tất yếu lịch sử.
Về lý luận, trên cơ sở vận dụng phương pháp luận duy vật lịch sử của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội về quy luật ra đời, phát triển và thay thế của các chế độ kinh tế, chính trị - xã hội, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã phân tích những khả năng ra đời của CNXH, trong đó có khả năng ra đời CNXH từ những nước tiền tư bản. Đặc biệt với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin có điều kiện và cơ sở để phát triển quan điểm đó của C.Mác. V.I.Lênin cho rằng: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Các nhà kinh điển cũng lưu ý, chỉ bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội này để phát triển lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn khi có các điều kiện: đã xuất hiện mô hình xã hội mới tỏ ra ưu việt, tiến bộ hơn; chế độ xã hội hiện tồn đã thối nát và lạc hậu; đã xuất hiện giai cấp đủ khả năng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng thời các ông cũng đưa ra cảnh báo đối với những nước lạc hậu việc lựa chọn con đường quá độ đi lên CNXH thì dễ, nhưng để đạt được nó - xây dựng thành công CNXH, sẽ khó khăn hơn, lâu dài hơn, phức tạp hơn và phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, trong quá trình đó đôi lúc phải trả những cho những sai lầm.
Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã giáng một đòn nặng nề không chỉ vào mô hình CNXH của Liên Xô và các nước Đông Âu, mà còn vào cả chính học thuyết Mác - Lênin và hệ tư tưởng XHCN. Trước hiện thực lịch sử bi thảm đó, đã có một số người dao động, bi quan, nghi ngờ sự đúng đắn của CNXH khoa học. Sự sụp đổ của chủ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu do nhiều nguyên nhân: khách quan, chủ quan, bên trong, bên ngoài, chủ yếu, thứ yếu. Nhưng chung quy do nguyên nhân sâu xa là, trong quá trình xây dựng CNXH, bên cạnh những thành tựu vĩ đại, đã có những khiếm khuyết, nhược điểm nghiêm trọng về mô hình xây dựng, phát triển chậm được phát hiện và khắc phục, gây ra tình trạng trì trệ kinh tế - xã hội, dẫn tới khủng hoảng. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là, trong cải tổ, Ðảng Cộng sản Liên Xô đã mắc những sai lầm rất nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ðó là đường lối xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin của một số nhân vật lãnh đạo đảng. Chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng những khó khăn và sai lầm về đường lối của Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu, chúng đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” cực kỳ thâm độc, can thiệp toàn diện, vừa tinh vi, vừa trắng trợn vào nội bộ các nước XHCN. Cuối cùng, chủ nghĩa đế quốc đã “không đánh mà thắng”. Dĩ nhiên, chúng không thể làm được điều này, nếu cải tổ có đường lối đúng đắn, nếu hơn 20 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô có tinh thần cảnh giác cách mạng và sức chiến đấu cao, không để nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khiến cho bọn cơ hội, xét lại và phản bội thao túng cơ quan lãnh đạo của Ðảng, nếu có sự cố kết chặt chẽ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô.
Trước hiện thực đó, Đảng ta chỉ rõ, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đó là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH hiện thực, chứ không phải là sự sụp đổ của một học thuyết khoa học và cách mạng. Vì vậy, tại Đại hội VII (tháng 6-1991), trước những khó khăn và phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định con đường cách mạng của nước ta là “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đây cũng là lần đầu tiên trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta phác thảo ra mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đưa ra quan niệm, cách thức, biện pháp, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Để từ đó chúng ta định hướng con đường đi tới, không mắc phải những sai lầm như các mô hình CNXH hiện thực trước đó, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Kiên định và đổi mới con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã và đang chứng minh tính đúng đắn, khoa học và cách mạng. Quá trình đổi mới đất nước hiện nay bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, thì còn những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Vì con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam là chưa có tiền lệ trong lịch sử, xuất phát điểm thấp, vì vậy trong quá trình đó chúng ta không tránh khỏi những khó khăn, sai lầm và đã từng phải trả giá. Điều quan trọng là Đảng ta đã nhận ra sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước ngày phát triển đúng hướng. Từ một đất nước nghèo phải nhập khẩu lương thực, đến nay chúng ta chuyển sang xuất khẩu lương thực, ra khỏi nhóm nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình và đang hướng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. Thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định, là thành viên có trách nhiệm được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Quá trình đó đang cho thấy con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được nhận thức đầy đủ và làm sáng tỏ. Như vậy, việc lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu, khách quan của thời đại, sự lựa chọn của tương lai.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Thành công rực rỡ của Đại hội XIII của Đảng thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay với nhiều thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Đó chính là những tiền đề quan trọng để chúng ta phấn đấu hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước - năm 2045. Khát vọng thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh là nguyện vọng của mỗi người dân, cũng là ý chí của Đảng và Nhà nước ta bấy lâu nay. Cho đến hiện tại, khát vọng ấy đã trở thành động lực, thành đích đến để toàn dân tộc cùng cố gắng thực hiện trong một tương lai không xa. Chính vì vậy, một trong những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng cho sự phát triển của đất nước, hướng tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI chứ không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ sắp tới.
Khát vọng phát triển - Điểm nhấn trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045. Cụ thể mục tiêu:
- Đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;
- Năm 2030: Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;
- Năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng là Đại hội đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, thực hiện đồng bộ đổi mới về kinh tế và chính trị, hoàn thiện thể chế để thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó coi trọng công tác tổ chức và cán bộ; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo vệ trọn vẹn lợi ích quốc gia, dân tộc.
Dù thời thế có đổi thay, nhưng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở nước ta là không bao giờ thay đổi. Độc lập dân tộc là điều kiện để đi lên chủ nghĩa xã hội, ngược lại chủ nghĩa xã hội là điều kiện để đảm bảo độc lập dân tộc. Vì đây “là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Phát huy tinh thần đổi mới, khí phách hào hùng ngàn năm của đất Việt, sáng suốt quyết định đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, phù hợp với xu thế thời đại và mang đậm bản sắc Việt Nam. Đồng thời, sáng suốt lựa chọn ra những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp chiến lược tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức của Đảng, dân tộc, nâng cao năng lực sáng tạo của Đảng, của Nhân dân để khơi dậy khát vọng Việt Nam, làm trỗi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam để phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng soi đường. Cả dân tộc vững niềm tin giành thêm nhiều thắng lợi rực rỡ trong đổi mới và phát triển đất nước để cùng hướng về một tương lai xán lạn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét