Xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo...

Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, theo tôi, không chỉ là mục tiêu của chế độ ta, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ XHCN.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa cho nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ sau 35 năm đổi mới, chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Về xã hội, khoảng cách giàu-nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm xóa bỏ CNXH ở Việt Nam... Những vấn đề đó đặt ra thách thức không nhỏ cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình tiến lên xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Chúng ta cần thống nhất về mặt nhận thức: Đi lên theo định hướng XHCN là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố XHCN tốt đẹp, để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng những mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; sự điều hành khoa học, quyết liệt và minh bạch của Chính phủ; sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đảng và Nhà nước phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, vừa là điểm xuất phát, vừa là đích đến trong mọi công tác của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, cần chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ-bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2030, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc.