Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021


Phòng, chống diễn biến hòa bình

Trước hết, chúng ta đặt câu hỏi: Tổ chức theo dõi nhân quyền ở Mỹ có đại diện cho tiếng nói của người Mỹ hay không? Xin trả lời: Xét về bản chất, tổ chức theo dõi nhân quyền là một tổ chức phi chính phủ, không chính thống, tổ chức hoạt động dựa trên những quyền lợi về mặt chính trị và kinh tế. Tiếng nói của nhóm người này mang quan điểm cá nhân, một chiều, không đại diện cho nước Mỹ. Chính vì vậy, cách hành xử thiếu thiện chí theo lối bôi bẩn bức tranh đẹp, vạch lá tìm sâu của tổ chức này là một điều dễ hiểu, nhằm mục đích phục vụ cho những cá nhân, những tổ chức phá hoại.

Phải nói thêm rằng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị tổ chức này xuyên tạc, bóp méo. Chính vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác đấu tranh với những luận điệu này. Họ quy chụp Việt Nam lợi dụng Covid - 19 là một điều nực cười và thể hiện tầm tư tưởng hẹp hòi, họ cố tình không hiểu rằng đại dịch Covid - 19 là một hiểm họa lớn trong lịch sử loài người, không ai muốn Covid - 19 tới, không ai mong nó tồn tại và không ai có nhu cầu lợi dụng nó làm bàn đạp cho sự ổn định của quốc gia, dân tộc.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng, chung một ý chí, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid - 19. Để chủ động phòng, chống dịch Covid - 19, Bộ Y tế đã ra thông điệp 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”, kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện việc chung sống an toàn với dịch bệnh. Chính vì thực hiện tốt thông điệp này, ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid - 19, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Có thể nói, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch, chúng ta chưa chiến thắng cả cuộc chiến, nhưng nhất định chúng ta phải chiến thắng”.


Dưới tác động của dịch bệnh, rất nhiều người dân Việt Nam bị ảnh hưởng, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Chính vì vậy, hàng triệu người dân Việt Nam đều lo lắng dõi theo bước chân truy vết những ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là vào các thời điểm bùng phát của ổ dịch như ở Đà Nẵng đầu tháng 7/2020 hay ở tỉnh Hải Dương vào cuối tháng 01/2021. Tại những thời điểm đó, Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng đều đã thực hiện các chỉ đạo quyết liệt và nhanh chóng, làm hết sức mình với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, “Quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Các hành động mang hiệu quả tốt đẹp, là nhờ sự phối hợp của các cơ quan chức năng, cùng ý thức tự giác chi phối hành vi của người dân Việt Nam trong nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật đồng lòng chống dịch Covid - 19.

Kết quả phòng chống dịch Covid - 19 của Việt Nam từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và để lại nhiều kinh nghiệm cho các quốc gia khác.

Các báo quốc tế lớn tiếp tục có cái nhìn toàn diện, cô đúc lại những kinh nghiệm quý giá nhất từ Việt Nam với tiêu đề: Việt Nam chỉ xếp thứ hai về công tác chống dịch. Một tờ báo Mỹ dành lời ca ngợi công tác chống dịch nhanh và mạnh mẽ của Việt Nam, bài báo dẫn lời ông trưởng đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, theo đó ba yếu tố được coi là chìa khóa quyết định thành công của Việt Nam đó là truy vết, xét nghiệm và truyền thông đến từng người dân; ông cũng khẳng định rằng luôn có định kiến chống lại thành công của Việt Nam, nghi ngờ tính xác thực của những thông tin, dữ liệu được công bố, nhưng thực tế là tất cả các dữ liệu được ghi lại theo thời gian thực và không hề có các ép buộc nào trong các biện pháp chống dịch ở Việt Nam. Cũng đề cập cuộc chiến chống Covid - 19 ở Việt Nam tờ báo Nhân Đạo của Pháp nêu: Sự kết hợp phòng, chống Covid - 19 ở Việt Nam và tăng trưởng kinh tế, bài báo có tiêu đề: Diệt vi rút là động lực của tăng trưởng, tờ báo này cho rằng Việt Nam đang dựa vào chính thành tích chống dịch để thúc đẩy kinh tế và phát triển con người.


Thành quả chống dịch của Việt Nam được lan tỏa đến khắp nơi trên thế giới, đặc biệt có tiếng nói của đại diện Liên hợp quốc: Việt Nam đã cho thế giới thấy cách chống dịch rất hiệu quả, nhờ sự vào cuộc sớm và mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cách chống dịch của Việt Nam rất bài bản và chia cụ thể theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn Việt Nam chứng minh phương án của mình hiệu quả bằng những con số ấn tượng. Điều đáng nói là Việt Nam bám rất sát với thực tế diễn biến dịch và linh hoạt điều chỉnh phương án chống dịch để phù hợp với hoàn cảnh biến đổi liên tục. Việc xét nghiệm trên diện rộng và truy vết nguồn gốc lây nhiễm được Việt Nam thực hiện hiệu quả, thông tin luôn thường xuyên cập nhật, xuyên suốt, nhờ vậy giữ vững được mục tiêu đề ra; thành công này không thể thiếu sự đồng thuận của người dân Việt Nam.

Tổ chức y tế thế giới đồng tình với cách làm nới lỏng từ từ của Chính phủ trên cơ sở đánh giá rủi ro, làm từ từ để lắng nghe kết quả và hành động quyết liệt khi có biến động mới, và như thế Việt Nam mới không bị vỡ trận và những người yếu thế sẽ không bị bỏ lại phía sau.

Tiếc thay, tổ chức theo dõi nhân quyền ở Mỹ đã không có được thông tin đầy đủ về Việt Nam hoặc họ cố tình không tiếp nhận những thông tin đúng về Việt Nam, thay vào đó họ căn cứ vào các bài viết của các phần tử phản động để suy diễn, bóp méo Việt Nam vi phạm quyền con người.

Theo tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 quy định rõ: Ai cũng có quyền được sống tự do và an toàn thân thể, đó là quyền được sống, quyền bảo vệ môi trường sống một cách chính đáng, bất kể cá nhân, tổ chức nào vi phạm đến quyền được sống, quyền bảo vệ môi trường sống của số đông thì đều là hành vi vi phạm quyền con người. Chính vì vậy, những người vi phạm lệnh giãn cách xã hội, trốn cách ly, tụ tập không theo quy định của Nhà nước, gây nguy hiểm đến sự an toàn cũng như tính mạng của các cá nhân khác trong cộng đồng mới là vi phạm nhân quyền. Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để chống dịch Covid - 19, nhưng một số đối tượng vì thỏa mãn lợi ích cá nhân, lợi dụng tự do ngôn luận đã tung tin giả, sai sự thật, gây hoang mang dư luận, bị xử lý theo pháp luật và là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai coi thường luật pháp. Việc này không vi phạm tự do ngôn luận, vi phạm tự do cá nhân.

Không riêng gì ở Việt Nam, tại các quốc gia đề cao nhân quyền như ở Châu Âu, Mỹ cũng áp dụng những biện pháp cần thiết để loại bỏ những thông tin không chính xác. Cụ thể như ở Châu Âu, Cảnh sát cũng phải ngăn cản hàng trăm cuộc biểu tình phản đối lệnh giới nghiêm, phong tỏa để tránh để lại hậu quả nghiêm trọng. Còn tại Hoa Kỳ, đầu năm 2021, số ca nhiễm mỗi ngày đã giảm xuống còn 1/5 chỉ trong 02 tuần khi người dân chấp hành tốt việc giãn cách và ở nhà nhiều hơn. Ở những quốc gia tự do như Mỹ hay Châu Âu đã không thể thực hiện các biện pháp mạnh khiến số người nhiễm và tử vong rất cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam dịch bệnh đã được kiểm soát, như vậy những biện pháp đang triển khai ở Việt Nam là phù hợp. Qua 02 cuộc khảo sát ở góc độ toàn cầu về mức độ hài lòng của người dân đối với chính phủ, Việt Nam nằm trong nhóm đầu bảng vì người dân cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo và đưa ra các giải pháp rất hiệu quả. Đây chính là câu trả lời rõ nhất Vì sao Việt Nam đang rất thành công trong công tác dập dịch, vì Chính phủ Việt Nam có sự đồng thuận và niềm tin của người dân Việt Nam.

Chống dịch Covid - 19 và đảm bảo quyền con người là hai lĩnh vực không thể tách rời nhau ở Việt Nam. Là một quốc gia còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng cùng ý chí xây dựng một đất nước phồn vinh, một môi trường sống hòa bình và trong lành. Do đó, nói Việt Nam vi phạm nhân quyền, quyền về tự do thân thể là xúc phạm tới quyết tâm chung của toàn cầu để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét