Ngày 29-5, một đoạn video ghi lại hình ảnh bé gái đang ăn cơm cùng gia đình bỗng nhận ra mẹ trên tivi nên vội vàng chạy tới bên màn hình khóc to đòi mẹ bế. Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây xúc động mạnh mẽ với những dòng trạng thái như: “Bé gái nức nở khi thấy mẹ trên tivi”, “Mẹ ơi sao mẹ lại trên tivi, sao mẹ không về với con đi?”.
Bé Kem, con chị Hạnh khóc nức nở khi thấy mẹ trên tivi. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Xem clip, đã có hàng vạn bình luận, phản hồi của bạn đọc thể hiện sự chia sẻ, cảm thông với hoàn cảnh của mẹ con cháu bé cũng như đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Nhiều người cho biết đã không cầm được nước mắt khi xem clip ngắn trên.
Để làm rõ câu chuyện xúc động trên, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã tìm hiểu và được biết, mẹ bé gái là Trung uý, Quân nhân chuyên nghiệp Phùng Thị Hạnh, điều dưỡng Khoa Chẩn đoán chức năng, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Chị Hạnh là một trong số hơn 160 y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) vừa được điều động đến tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ chống dịch khoảng 2 tuần nay. Dù con gái còn nhỏ, đang bú mẹ nhưng chị vẫn quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ.
Mỗi lần gọi điện thoại, nhìn thấy mẹ, bé Kem lại khóc đòi bế. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của chị Phùng Thị Hạnh và đồng nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Do tính chất đợt công tác này rất cấp bách, chị Phùng Thị Hạnh phải gửi con gái bé bỏng cho người thân chăm sóc. Thế nhưng trẻ nhớ hơi mẹ, nhiều lúc con gái thức dậy nửa đêm khóc gọi mẹ rất đáng thương.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phùng Thị Hạnh nghẹn ngào nói: “Khi đến Bắc Giang, nói thật là nhiều lúc tôi bị căng sữa, tức sữa. Những lúc ấy tôi lại nhớ đến con nhiều hơn… Ngoài công việc, khi có thời gian rảnh rỗi tôi dành hết tâm trí nhớ đến con. Nhưng mỗi ngày tôi cũng chỉ dám gọi một cuộc video về để nhìn con. Lúc đầu con cười nhưng sau đó cứ khóc gọi “mẹ ơi… bế con” khiến tôi đau thắt ruột gan, không thể kìm lòng nổi”.
Có nỗi nhớ nào day dứt khôn nguôi hơn mẹ nhớ con, chỉ muốn chạy thật nhanh về ôm con vào lòng cho thỏa lòng. Nhưng vì nhiệm vụ, vì công cuộc chống dịch vẫn đầy cam go, chị Phạm Thị Hạnh cũng như biết bao nữ nhân viên y tế khác phải nén lòng, gói ghém những nhớ nhung lại vì công việc chung. Ai cũng chỉ mong dịch bệnh sẽ mau qua để gia đình nhanh chóng được đoàn tụ, sum vầy.
Clip bé Kem thấy mẹ trên tivi khóc đòi mẹ. Nguồn nhân vật cung cấp. |
Biết chuyện con gái một tuổi rưỡi òa khóc đòi bế khi thấy mẹ trên tivi, chị Hạnh không thể kìm lòng nhưng không dám hứa ngày về. Chị cũng không muốn nói về mình nhưng được sự động viên của chúng tôi, chị đã chia sẻ những dòng ghi chép viết vội.
"Chiều 29-5,
Trưa nay, gia đình gửi cho tôi đoạn video ghi lại cảnh tôi xuất hiện trên tivi, Kem - con gái mới gần 18 tháng tuổi của tôi khóc òa khi thấy mẹ. Nhìn con bé bập bẹ gọi mẹ, bàn tay bé xíu chìa ra đòi mẹ bế, tay còn lại vẫn còn cầm chặt đồ ăn khiến lòng tôi đau như cắt.
Chồng tôi kể, cả nhà đang ngồi ăn cơm, thấy giọng tôi trên tivi, bé vội chạy ra nhìn mẹ, òa khóc nức nở, không ngờ mẹ đeo khẩu trang mà nó vẫn nhận ra.
Theo lịch phân công, chiều nay tôi nghỉ, nhưng tôi ước giá như mình không được nghỉ, để tôi cuốn vào công việc ở bệnh viện dã chiến như mọi ngày, chắc có lẽ sẽ tôi sẽ vơi bớt nỗi nhớ con.
Đây không phải lần đầu tôi chui vào một góc, lặng lẽ cố giấu đi dòng nước mắt vì nhớ con. Con tôi vẫn chưa cai sữa. Tôi từng nghĩ mình sẽ cho con bú đến khi tròn 2 tuổi.
Cách đây 10 ngày, lúc 22 giờ khi tôi đang bế con ru ngủ thì nhận tin nhắn ngay sáng hôm sau phải lên đường về Bắc Giang chống dịch. Tâm trạng rối bời, cả đêm trằn trọc tôi không sao ngủ được.
Hôm sau, tôi dậy thật sớm, chỉ dám nhẹ nhàng đứng nhìn con từ xa, không dám thơm lên trán con nụ hôn tạm biệt vì sợ con thức giấc. 7 giờ 30, tôi có mặt tại Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), nghe phổ biến các quy định sau đó lên đường ngay. Ngồi trên xe, nghĩ đến con tôi khóc không ngừng.
Giờ đây, nhiều lúc cùng đồng nghiệp quay cuồng trong công việc khám chữa cho các bệnh nhân Covid-19, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ bớt bận tâm đến con hơn nhưng không phải. Dòng sữa vẫn chảy đều, căng cứng trong bầu ngực tôi. Mấy ngày đầu khi mới đến tâm dịch Bắc Giang, tôi bị tắc sữa, sốt suốt 3 ngày. Bây giờ không còn bị như thế nhưng mỗi khi "sữa về", ngực tôi đau nhói. Khi ấy lòng tôi cũng đau.
Tôi là điều dưỡng điều trị cho F0 nên bản thân tôi là F1. Hằng ngày tôi phải vắt sữa vào chai nhựa rồi bỏ đi, không thể tích trữ gửi về cho con. Lúc đó hình ảnh con gái ở nhà khát sữa hiện lên khiến tôi xót xa vô cùng. Tôi không thể quên mỗi đêm, con bé cần sữa mẹ đến thế nào. Chỉ có vậy thôi đấy mà mỗi lần vắt sữa, tôi lại khóc như mưa.
Thú thật, trời nắng nóng, mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ, bầu ngực căng sữa khiến tôi nhiều lúc như phát điên. Và tôi phải uống nhiều loại thuốc để tiêu sữa.
Tôi nhớ con đến cồn cào, tôi biết ở nhà Kem của tôi cũng thế. Mọi người kể, bình thường Kem chơi rất vui vẻ nhưng nếu vô tình nhìn thấy ảnh mẹ, con bé lại khóc. Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, con lại òa lên, đòi bế. Nhớ con nhưng tôi đành phải tắt máy rồi quay mặt đi lau nước mắt. Dù hứa với con "ngoan, mấy hôm nữa mẹ về", nhưng đó là nói dối. Bởi tôi cũng đâu biết trước khi nào có thể về nhà.
Tham gia chống dịch tại tâm dịch Bắc Giang là nhiệm vụ quan trọng nên dù thương con nhưng tôi luôn sẵn sàng cùng đồng đội lên đường và bám trụ đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi luôn xác định sứ mệnh “hai lần chiến sĩ “của mình – chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến sĩ trên mặt trận y tế, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chống Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu thời bình” từ lâu đã thấm sâu trong mỗi suy nghĩ, hành động của chúng tôi.
Dẫu thương con nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi tin rồi mai sau lớn lên con sẽ hiểu, sẽ cảm thông và tự hào với công việc của mẹ và các cô, các chú, các bác đồng nghiệp hôm nay. Mẹ sẽ về bên con một ngày không xa nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét