Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021
Triết lý “bốn sạch”
Doanh nghiệp tư nhân nước uống S. là một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh. Thành tích của doanh nghiệp thật ấn tượng. Sau gần 20 năm thành lập, sản phẩm đóng chai của doanh nghiệp chiếm hơn 25% thị phần trong cả nước. Doanh nghiệp trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, ISO 9002 rồi ISO 9001.
Bí quyết thành công có nhiều. Ông Tổng Giám đốc doanh nghiệp cho biết: để phát triển sản xuất, doanh nghiệp tạo sự đột phá với tinh thần “bốn đi đầu” và triết lý kinh doanh “bốn sạch”. Đó là: con người sạch, nhà xưởng sạch, sản phẩm sạch và lợi nhuận sạch.
Con người sạch là con người có hoài bão, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, sạch sẽ trong tư duy, vệ sinh trong sinh hoạt.
Nhà xưởng sạch là kỹ thuật, công nghệ hiện đại, môi trường thông thoáng, sạch sẽ và tiện nghi.
Sản phẩm sạch là sản phẩm quan tâm bảo vệ và góp phần nâng cao sức khỏe con người.
Lợi nhuận sạch là lợi nhuận có được do thực hiện đúng các chính sách, quy định của Nhà nước, chăm lo đến cuộc sống của từng người lao động và chia sẻ với cộng đồng.
Triết lý này càng suy đi, ngẫm lại, càng thấy hay. Trong “bốn sạch”, khó có thể nói cái sạch nào hơn cái sạch nào, nhưng có lẽ con người sạch và lợi nhuận sạch hẳn là cao giá nhất, vì chúng có liên quan đến đạo đức kinh doanh và phẩm giá con người. Nếu như có một tổng giám đốc, giám đốc hay nhà quản lý nào đó mặt mũi sáng sủa, ăn mặc bảnh bao, dáng điệu lịch lãm mà gian dối trong kinh doanh, phạm luật, phá chính sách của Nhà nước, lừa gạt đồng nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, nhằm làm giàu bất chính, con người đó không thể là con người sạch.
Nếu như có một vị cán bộ nào đó đi đứng khoan thai, nói năng đĩnh đạc, lời lẽ dạy đời mà đầu óc thì mê muội, chỉ nghĩ đến chuyện “đè đầu cưỡi cổ” nhân dân chứ chẳng chịu làm đày tớ cho dân, vị cán bộ đó cũng chẳng thể được coi là cán bộ sạch.
Nếu như có một doanh nghiệp nào đó thu lợi nhuận kếch xù, nhưng không phải do lao động sáng tạo, đổi mới công nghệ hay cải tiến quản lý mà do làm ăn gian xảo, làm hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, lậu thuế, hối lộ, rửa tiền, bóc lột tệ hại người lao động... thì lợi nhuận ấy sao có thể gọi là lợi nhuận sạch.
Nếu như có một nhà quản lý nào đó có thu nhập siêu cao, không phải do chế độ ưu đãi, do phát minh sáng chế hay có công trình sáng tạo giá trị lớn được thưởng, mà là do nhận hối lộ, móc ngoặc với những hành vi ma-phi-a, bán dự án, mua bán chức quyền, nhà quản lý đó càng không thể là nhà sản xuất sạch.
Nếu như, nếu như, còn nhiều “nếu như” lắm. Nhưng xin tóm gọn một câu: Con người sạch có thể hay không thể làm ra lợi nhuận sạch. Nhưng lợi nhuận đã không sạch thì con người tạo ra nó một trăm phần trăm là con người không sạch!
Xã hội ta có biết bao con người sạch, nhưng cũng còn không ít người không sạch. Ông cha ta dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Đói mà sạch là không dễ, nhưng no mà sạch càng khó hơn./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét