Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Xu thời, cơ hội, thực dụng

Chưa bao giờ người ta lại nói nhiều về các từ “xu thời”, “cơ hội”, “thực dụng” như trong mấy năm trở lại đây. “Xu thời” theo nghĩa đen là biết nắm xu hướng, thời thế để hành động cho phù hợp. “Cơ hội” được hiểu là biết tận dụng thời cơ để hành động đạt mục đích, kết quả cao nhất. Còn “thực dụng” vốn có nghĩa là coi trọng tính ứng dụng thực tế. Bản thân các từ đó không có lỗi, nhưng chúng đã bị biến dạng bởi chính những suy nghĩ, hành vi lệch lạc của một bộ phận người trong xã hội. Người “xu thời” hiện nay được biểu hiện dưới nhiều hình, nhiều vẻ khác nhau. Không ít cô cậu thanh niên mới lớn ở thành phố, thị xã, xem phim nước ngoài, thấy người ta nhuộm tóc vàng, đánh son màu tím trên môi thì cũng chạy theo “mốt” gội đầu, “sơn tóc” vàng ệch, tô môi thâm xịt. Một số người “lắm tiền nhiều của” thấy dân nước khác xây dựng những vi-la màu mè thì mình cũng thể hiện sự “sành điệu” bằng cách thiết kế những ngôi nhà “nửa tây, nửa ta” ngất ngưởng, lòe loẹt. Có những cô gái “chân quê” dịu dàng, đoan trang, sau vài năm “đi tỉnh về” cũng “tóc ngắn, quần bò, áo phông” trông thật kệch cỡm. Rồi vị chức sắc này, ông cán bộ nọ thấy người ta có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ thì mình cũng cố “học”, cố “thi” bằng được lấy tấm bằng để có “cái mác” dán vào “cương vị” cho “oai”, cho... “oách”! Thái độ xu thời thực chất là biểu hiện của sự sùng ngoại, lai căng, tự ti, tự đánh mất mình và cứ tưởng “cái bóng in trên tường to thì chủ nhân là người vĩ đại”! “Thật đáng tiếc! Đó là cơ hội “ngàn vàng” nhưng anh đã không tận dụng được”- Bình luận viên bóng đá trên truyền hình đã bất chợt thốt lên như vậy khi một cầu thủ của ta đã sút bóng trượt cầu môn trong một tư thế rất thuận lợi. “Cơ hội” chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc nhất định, thậm chí chỉ trong giây lát mà khó có thể lặp lại tương tự. Tận dụng cơ hội tốt để làm việc nghĩa, việc thiện, việc có ích là cử chỉ, hành động đáng biểu dương và tôn vinh. Tuy nhiên hiện nay, không ít người cố tình lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống luật pháp và những sơ hở trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy công quyền để làm những việc sai pháp luật, trái đạo đức, lương tâm. Có những kẻ triệt để lạm dụng lúc “tranh tối, tranh sáng” để thu vén lợi ích cá nhân, bất chấp điều hay, lẽ phải và chính nghĩa ở đời. Xuất phát từ “cơ hội” mà sinh ra bao thứ phiền toái: nịnh hót, luồn lọt, tâng bốc nhau “một tấc lên trời”, lôi bè kéo cánh, cục bộ địa phương, nói xấu sau lưng, thậm chí là “ném đá sau lưng”... Từ đó, tư tưởng cơ hội xuất hiện dưới những hành vi, như: thấy sai trái không dám đấu tranh, thấy cái đúng không biết bảo vệ, bao che khuyết điểm, dung dưỡng cái xấu, thậm chí tiếp tay cho cả cái ác... “Thực dụng” là nấc thang kế tiếp của tư tưởng cơ hội. Lấy lợi ích vật chất là cao nhất, coi đồng tiền là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi mối quan hệ xã hội, lúc nào cũng muốn “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”... là những biểu hiện của những kẻ thực dụng. Tất nhiên, hành vi thực dụng khi ẩn chứa kín đáo, tinh vi, lúc hiển hiện công khai, lộ liễu và thỉnh thoảng còn biết “cưa sừng làm nghé” hay “đóng rắn giả lươn” để lòe bịp thiên hạ. Thiếu sự coi trọng giá trị nhân phẩm, không đề cao ý nghĩa tinh thần và những nét đẹp văn hóa, đạo đức nên những kẻ thực dụng sẵn sàng “hạ thấp nhân cách” bản thân, bằng “mọi cách, mọi giá” để mưu cầu, trục lợi cho mình càng nhiều càng... tốt! Chủ nghĩa thực dụng là nguyên nhân dẫn đến nhiều điều nhiễu nhương trong cuộc sống: tham ô, hối lộ, hách dịch, cửa quyền, chuyên quyền độc đoán, bòn rút tài sản của Nhà nước, lạm dụng mồ hôi và công sức của nhân dân... Xu thời, cơ hội, thực dụng là “con đẻ” của chủ nghĩa cá nhân, là mặt trái của nền kinh tế thị trường và là “hậu quả” của xã hội tiêu dùng hiện đại. Thái độ xu thời dễ làm đánh mất bản sắc văn hóa và giá trị đạo đức quý báu của dân tộc. Tư tưởng cơ hội gây chia rẽ mất đoàn kết, làm cho các mối quan hệ tốt đẹp của con người bị tổn thương. Chủ nghĩa thực dụng tạo nên những hành vi sùng bái đồng tiền, đặt lợi ích vật chất lên trước hết và cao nhất, khiến cho các chuẩn mực xã hội bị đảo lộn. Ở đâu còn có thái độ xu thời, tư tưởng cơ hội và chủ nghĩa thực dụng là ở đó còn những hành động, việc làm thiếu trong sáng, lành mạnh và thiếu tình thương yêu cao đẹp của con người. Đấu tranh ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi và tiến tới loại bỏ những biểu hiện đó là góp phần xây dựng nền tảng đạo đức lành mạnh, văn hóa xã hội tiến bộ, văn minh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét