Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021
Thúc đẩy văn hóa đối thoại, đoàn kết và đồng thuận tại Hội đồng Bảo an
Việt Nam vừa đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch lần thứ hai trong tháng 4/2021 của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã trao đổi với báo chí về những kết quả đạt được trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần này cũng như những hoạt động sắp tới của Việt Nam để hoàn thành xuất sắc vai trò tại Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Có thể vui mừng khẳng định tháng Chủ tịch của Việt Nam (tháng 4/2021) đã thành công rất tốt đẹp, thể hiện trên ba phương diện. Thứ nhất là công tác điều phối, điều hành công việc với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Trong tháng 4/2021, chúng ta đã điều hành khối lượng công việc khá lớn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ, hàng chục cuộc họp cấp làm việc để thảo luận nhiều vấn đề trên tất cả các châu lục, từ châu Phi, Trung Đông tới châu Âu, châu Á… Chúng ta cũng đề xuất và được thông qua tại Hội đồng Bảo an 10 văn kiện, trong đó có 4 Nghị quyết. Điều đáng mừng là các văn kiện, nghị quyết này được thông qua với sự đồng thuận, nhất trí của các nước, qua đó thể hiện vai trò điều phối, trao đổi, đối thoại của Chủ tịch Hội đồng Bảo an để duy trì sự đồng thuận, đoàn kết của thành viên trong suốt tháng Chủ tịch do Việt Nam đảm nhiệm.
Thứ hai là những đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề được thảo luận, trao đổi và công việc của Hội đồng Bảo an. Bằng quan điểm, lập trường mang tính chất xây dựng, căn cứ vào Hiến chương Liên hợp quốc, vào luật pháp quốc tế, chúng ta đã nêu rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề xem xét thảo luận tại Hội đồng Bảo an để thúc đẩy đối thoại, gia tăng sự tin cậy, cố gắng giải quyết xung đột, vấn đề ở nhiều khu vực trên thế giới.
Thứ ba là những đề xuất, sáng kiến mà Việt Nam quan tâm, thúc đẩy trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Với cách tiếp cận là cùng chung tay ngăn ngừa, giải quyết xung đột, chúng ta đã đưa ra 3 phiên thảo luận cấp cao về ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột và xử lý hậu quả xung đột. Ngày 19/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột"; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì hai Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 8/4 với chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" và ngày 27/4 với chủ đề "Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang". Các phiên họp đều diễn ra thành công, nhận được sự quan tâm của các nước với sự tham dự ở cấp rất cao, đồng thời thông qua được những văn kiện quan trọng để thúc đẩy những nội dung mà chúng ta quan tâm.
Theo Thứ trưởng, đâu là những nguyên nhân giúp Việt Nam đạt được những thành công đó?
Đối với tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần này, chúng tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Đảm đương vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an đòi hỏi sự chuẩn bị trong nhiều tháng trước đó ở tất cả các khâu từ nội dung đến chương trình, trong đó có tham vấn chặt chẽ với các nước thuộc Hội đồng Bảo an và các nước thành viên Liên hợp quốc trong xử lý các vấn đề. Một nguyên nhân nữa là sự ủng hộ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an dành cho Việt Nam. Sự ủng hộ này cho thấy các nước đặc biệt coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam thời gian qua. Những đề xuất, sáng kiến chúng ta đưa ra với lập luận xác đáng và được các nước ủng hộ mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các sáng kiến, hoạt động của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an cũng được sự quan tâm, sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì một Phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an. Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng tham gia rất đông đảo tại tất cả các hoạt động điểm nhấn trong tháng Chủ tịch.
Một điểm mấu chốt nữa là sự tham gia đồng lòng của các bộ, ngành liên quan. Ngay trước tháng Chủ tịch, ngày 27/3/2021, Bộ Quốc phòng đã triển khai đưa các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Điều này cũng minh chứng cho việc, ngoài những đóng góp của chúng ta với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an hoặc những đóng góp bằng việc thể hiện lập trường, quan điểm, chúng ta còn đóng góp bằng những hành động cụ thể.
Theo Thứ trưởng, đâu là những khó khăn, thách thức lớn nhất của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4/2021? Chúng ta đã giải quyết những khó khăn, thách thức đó như thế nào?
Bản thân việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an đã là một khó khăn. Chúng ta phải xử lý, điều hòa quan điểm khác nhau của các nhóm nước, đặc biệt là các nước lớn. Mỗi khi đàm phán, thương lượng một vấn đề, văn kiện nào đó đều có sự va chạm về quan điểm. Với vai trò Chủ tịch, chúng ta phải xử lý linh hoạt các quan điểm đó để đạt được đồng thuận chung trong giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra. Điều này luôn là thách thức với bất kỳ Chủ tịch nào. Cần phải nói thêm, việc Việt Nam đạt được thành công trong đề xuất, thúc đẩy các ưu tiên trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an vừa qua là không đơn giản. Mặc dù là quan tâm chung nhưng đây đều là những vấn đề mới, còn có nhiều khác biệt khi đi vào cụ thể. Điều đáng mừng, chúng ta đã vượt qua những khó khăn đó, để trong suốt tháng Chủ tịch, tất cả các nước đều đồng thuận, nhất trí, xem xét giải quyết các vấn đề đặt ra. Cả 10 văn kiện đều được Hội đồng Bảo an thông qua với tỷ lệ tuyệt đối 15/15 phiếu.
Trong 8 tháng còn lại của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam cần làm gì
Từ nay đến hết năm 2021 còn một chặng đường dài; tình hình khu vực và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, khó lường. Với vai trò là Ủy viên không thường trực, với mong muốn đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an nói riêng và của Liên hợp quốc nói chung và với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước tìm giải pháp duy trì môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Đây là mục tiêu chung và xuyên suốt từ nay đến hết năm 2021 của Việt Nam.
Trong quá trình đó, điều quan trọng nhất là làm sao cố gắng để Hội đồng Bảo an có sự đoàn kết, đồng thuận. Đối với các vấn đề phức tạp tại Hội đồng Bảo an, ta vừa cần kiên định lập trường, nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa xử lý khéo léo, thỏa đáng nhằm thúc đẩy văn hóa đối thoại, đoàn kết và đồng thuận tại Hội đồng Bảo an, tích cực đóng góp để các quyết định của Hội đồng Bảo an phải được dựa trên nền tảng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trên hết, chúng ta mong muốn Hội đồng Bảo an tiếp tục là cơ quan quan trọng nhất trong duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa