Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Bốn phép tính cơ bản

Từ hồi học phổ thông, nữ nhà văn M.H. đã rất giỏi về môn toán, đặc biệt là tư duy toán học. Mới đây, có lần trò chuyện với tôi, chị nói: “Ở đời, trong các mối quan hệ nếu ai cũng giải đúng và hiểu đúng bốn phép tính cơ bản là cộng, trừ, nhân, chia thì tất cả đều tốt đẹp. Cộng là thêm bạn; trừ là bớt thù; nhân là làm gia tăng tài sản, gia tăng lợi nhuận, làm giàu cho bản thân mình, cho tập thể và cho xã hội một cách chính đáng; chia là phân phối công bằng của cải xã hội cho người lao động theo phương thức “ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”. Mọi đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước cũng đều xuất phát từ bốn phép tính cơ bản ấy mà thôi. Ðảng và Nhà nước ta thường tuyên bố “Việt Nam là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới”... như thế chẳng phải là chúng ta muốn thêm bạn, bớt thù đó sao? Ðảng và Nhà nước ta cũng tìm mọi biện pháp để không ngừng gia tăng tổng sản phẩm xã hội và nâng cao mức thu nhập bình quân tính theo đầu người, như thế chẳng phải là đang làm đúng phép tính nhân đó sao? Và những biện pháp kiên quyết chặn đứng, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, làm trong sạch và lành mạnh hóa bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, tiến tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… như thế chẳng phải là đang thực hiện đúng phép chia đó sao? Ðường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước về cơ bản đều rất đúng đắn. Song, đáng tiếc là khi đưa vào cuộc sống thì đôi khi không đạt hiệu quả mong muốn bởi vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Số người này đã vận dụng bốn phép tính cơ bản nêu trên theo những cách riêng của họ: Phép cộng và trừ đối với họ cũng là thêm bạn, bớt thù. Song, thêm bạn là cộng thêm những người có cùng “chí hướng” sai lệch, xấu xa để tạo ra nhóm lợi ích (trước kia ta thường gọi là phe cánh hay “cánh hẩu”). Còn bớt thù là vô hiệu hóa, loại bỏ những người không cùng “chí hướng” với họ. Phép nhân đối với họ là tìm đủ mọi cách để lợi ích của nhóm họ ngày càng tăng lên, tiền của vào túi họ ngày càng nhiều mà không cần biết Nhà nước và tập thể bị thiệt hại bao nhiêu, những người lao động chân chính còn cơ cực như thế nào. Phép chia của họ đương nhiên cũng chỉ thực hiện trong phạm vi nhóm lợi ích theo phương châm mọi thành viên của nhóm đều được hưởng lợi để họ ngày càng trung thành với nhóm và ra sức bảo vệ lẫn nhau hòng đối phó với các hình thức kỷ luật của Ðảng và xử lý theo pháp luật của Nhà nước”. Nói một mạch đến đây thì chị tạm ngừng và thở dài ngao ngán. Còn tôi thành thật khen chị: “Nhà văn thường tư duy trừu tượng, còn bà lại tư duy lô-gíc rất chặt chẽ. Xem chừng bà cũng có vẻ am hiểu cuộc sống và có lập trường tương đối đúng đắn”. Chị đáp lại: “Các ông thường cho rằng giới nhà văn chúng tôi đều là những người theo trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”, chứ không phải “nghệ thuật vị nhân sinh”. Hiểu như thế là sai và oan cho chúng tôi quá. Nhà văn ngày nay không “vị nhân sinh” thì gọi là nhà văn làm gì. Ðại văn hào Xô-viết Sô-lô-khốp đã từng nói, một khi trái tim nhà văn đã thuộc về Ðảng thì nhà văn cứ tha hồ nói tự do và viết tự do; bởi vì những điều họ nói và viết dù có “nghịch nhĩ” thì cũng vì Ðảng, vì dân, vì chế độ mà thôi”. Tôi thán phục và càng thêm quý trọng nữ nhà văn M.H., bởi vì ai cũng có suy nghĩ đúng đắn như chị thì xã hội ta sẽ càng đẹp và lành mạnh biết bao./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét