Việt Nam đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 vô cùng khốc liệt và khó khăn. Điều đó ai cũng biết. Thậm chí, với những gì đã và đang xảy ra, nhiều người cho rằng tình huống tồi tệ nhất còn ở phía trước.
Nhiều biện pháp quyết liệt đã và đang buộc phải thực hiện. Một đại dịch chưa từng có, ập tới như một thảm hoạ. Thế nên, cho dù chính quyền và các cơ quan chức năng đã nỗ lực, cố gắng, quyết tâm đến mức cao nhất, quá trình tổ chức triển khai các biện pháp khống chế dịch vẫn không thể đồng bộ; không thể tránh khỏi những lúng túng, thiếu sót, sai sót trong truy vết, xét nghiệm, cách ly; trong tổ chức phân luồng giao thông; trong cung ứng hàng hoá, lương thực thực phẩm thiết yếu…
Vụ “bánh mỳ không phải là thực phẩm” ở Khánh Hoà, làm râm ran xã hội, tốn nhiều nhiều giấy mực của báo chí, truyền thông xã hội mấy ngày qua, là thí dụ điển hình. Trong “vụ bánh mỳ” này, ông Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hoà, trong con mắt dư luận, “vừa giận, vừa thương”.
“Giận” vì sự máy móc cứng nhắc, ấu trĩ; vì cả những ngôn từ chưa chuẩn của ông.
“Thương” vì suy cho cùng, ông cũng là một nạn nhân của sự quy định không rõ ràng thế nào là lương thực, thực phẩm, mà một văn bản của chính quyền sở tại, có lẽ do ban hành trong thời điểm nước sôi lửa bỏng nên sơ suất, không tính hết.
Những thiếu sót, hạn chế, khiếm khuyến ấy không ai muốn, nhất là vào thời điểm này. Nhưng cũng khó mà không xảy ra. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh điên đảo của đại dịch, không ít thì nhiều, quốc gia nào mà chẳng có. Thế nên, một sự nhắc nhở, rồi thể tất cho những sự cố đáng tiếc ấy hoặc một sự rộng lượng và bỏ qua-thật đáng quý.
Nói thế không có nghĩa là chính quyền phủi tay. Chính quyền có lỗi. Thậm chí nhiều lỗi là khác. Không thế mà ông Nguyễn Văn Nên-vị quan to nhất thành Sài Gòn- vừa qua, đã phải ngậm ngùi và tha thiết trước người dân: “ 16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người. Nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đâu. Chúng ta xin Nhân dân lượng thứ …”.
Sự chân thành và cầu thị của ông Nguyễn Văn Nên khiến nhiều người dân mủi lòng. Đó là sự độ lượng-tất nhiên! Nhưng đó còn là do người dân thấu hiểu tính chất phức tạp của cuộc chiến chống dịch ở một thành phố khổng lồ; số dân cũng khổng lồ. Chính thế, nhiều Facebooker có máu mặt, tăm tiếng, khắt khe, soi mói, không những đồng tình, mà còn kêu gọi cộng đồng mạng và người dân chia sẻ với những lời chân thành, gan ruột của ông Nên.
Nhưng cuộc đời vốn phức tạp. Nhiều người “cả giận mất khôn”. Sự lo lắng của họ cho tính mạng, những khó khăn của người dân-chẳng ai nghi ngờ. Tuy nhiên, nhân danh trách nhiệm cộng đồng, nhiều khi họ trút vào chính quyền, và cả những người đang trên tuyến đầu chống dịch, những ngôn từ cực đoan, giận dữ cực độ.
Thực hiện Chỉ thị 16 về “giãn cách xã hội”, bị bóp thành “ngăn sông cấm chợ”. Thời điểm thực hiện bị quy thành “đánh úp” người dân, doanh nghiệp. Một vài thiếu sót của cán bộ thực thi bị quy thành cái ác “chặn cái ăn của người dân”. Vài trường hợp không có mặt kịp thời của bác sĩ bị phóng thành “vô trách nhiệm”.
Những nỗ lực vất cả của bao bác sĩ, thầy thuốc, công an, bộ đội, tình nguyện viên…, bị bỏ qua hoặc phớt lờ. Một số lập luận, suy luận, quy kết… của họ, không ít thì nhiều, đang tạo ra sự “giãn cách” giữa chính quyền với người dân. Có lẽ do vậy, nó đã và đang được nhiều trang mạng tiêu cực hớn hở vồ lấy khai thác, phóng tác, bình luận theo chiều hướng xấu.
Góp ý cho cuộc chiến chống dịch thì quá cần thiết, quá cần trân trọng. Nhưng việc góp ý cần xuất phát từ tấm lòng, sự bao dung và chia sẻ, thấu hiểu hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Những lời bài xích, những lời xóc óc, mắng mỏ, thậm chí thoá mạ, vào thời điểm căng thẳng, khó khăn này phỏng có ích gì?
Tới đây, chợt nhớ mẩu chuyện một người bạn vừa gửi qua zalo, không biết của anh, hay anh đọc được ở đâu đó, rằng: Một f0 triệu chứng nhẹ. 22 h 30 đợi mãi không thấy bác sĩ nào vào thăm. F0 bắt đầu bực tức, tuôn ra những lời cáu mắng. 15 phút sau, F0 thấy anh bác sĩ kia đổ gục xuống sàn vì kiệt sức bên cạnh một bệnh nhân trở nặng. F0 lặng lẽ trào nước mắt chảy ngược vào trong.
Và đoạn kết: Còn đó những lãnh đạo, những thầy thuốc, những chiến sĩ công an, những anh bộ đội…, dù làm đúng hay chưa được đúng lắm, thì nhìn vẻ mặt bơ phờ của họ, cũng đủ thấy họ đã tận tâm, tận lực như thế nào!
Một trái tim yêu thương và bao dung, một lời khích lệ động viên, ngay lúc khó khăn, khốc liệt này, sẽ làm mọi thứ nhẹ nhàng và trìu mến biết bao?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét