Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

 Trí thức là những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao, đồng thời còn là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Họ là những người lao động trí óc và có tính sáng tạo. Trong mọi thời đại trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. 


Trong lịch sử sự vận động cơ cấu xã hội loài người nói chung và lịch sử sự vận động cơ cấu xã hội Việt Nam nói riêng, trí thức chưa bao giờ là một giai cấp mà chỉ tập hợp thành một tầng lớp xã hội.  Do đặc điểm lao động của mình, tầng lớp trí thức luôn phải gắn với những giai cấp nhất định và thường là giai cấp thống trị. Họ có xu hướng phục vụ cho chế độ và cho giai cấp thống trị.


Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong cuộc cách mạng vô sản, tầng lớp trí thức có một vai trò nhất định, quan trọng đối với thành quả của cách mạng. Trong Thư gửi A­đôn­phơ­gioóc­giơ, tháng 11­/1886, Ph.Ăng­ghen viết:


“Những người trí thức ở đó thật sự trước tiên phải đóng cái vai trò mà Liên đoàn những người Cộng sản đã đóng trước năm 1848 trong các hội nông dân”. Điều đó có nghĩa là những người trí thức sẽ có vai trò quan trọng trong các phong trào cách mạng quần chúng. Đây là vai trò giống như vai trò của Liên đoàn những người Cộng sản, tức là vai trò của đảng cộng sản. Như vậy, nghĩa là những người trí thức có thể tham gia đảng cộng sản trong sứ mệnh cao cả là lãnh đạo quần chúng. Vai trò của lý luận cách mạng là hết sức quan trọng. Nếu không có lý luận cách mạng đúng đắn thì phong trào công nhân rất khó giành thắng lợi trong đấu tranh. Người trí thức cách mạng là những người có tư duy lý luận rõ ràng, có thể dự báo cho phong trào cách mạng nhiều vấn đề về tương lai, giúp cho phong trào có thể tránh những sai lầm...


Các ông khẳng định: giai cấp công nhân chỉ có thể hoàn thành sứ mạng lịch sử toàn thế giới của mình khi liên minh với các giai cấp và tầng lớp lao động khác mà trước hết là với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và lãnh đạo họ tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng. Như vậy, tầng lớp trí thức cũng có một vai trò hết sức to lớn.


Trên cơ sở những quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin và căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự vận dụng hết sức đúng đắn về việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.


Định nghĩa về trí thức, trong tác phẩm "Đảng lao động Việt Nam với lao động trí óc", chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: trí thức là “những người lao động trí óc”, "là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy v..v...".


Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khằng định: "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội". 


Việt Nam có một đội ngũ trí thức đông đảo. Đội ngũ trí thức Việt Nam phần lớn xuất thân là con em nông dân, công nhân, hoặc được hình thành trong quá trình trí thức hoá giai cấp công nhân và nông dân. Chính đặc điểm này đã làm cho đội ngũ trí thức Việt Nam có ý thức gắn bó sâu sắc với người lao động, thông cảm với người lao động vất vả, cực nhọc, với hoàn cảnh nghèo nàn, lạc hậu của đất nước. Họ có tinh thần đoàn kết, tự tôn dân tộc và có lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đoàn kết, hợp tác cùng các giai tầng khác trong xã hội xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu đẹp.


Đánh giá về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, ngay trong những ngày đầu của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều". Trả lời các nhà báo nước ngoài về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức trong nhận thức, chính sách của Chính phủ cũng như trong thực tiễn cách mạng ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định : "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1995, t5, tr 156) 


Tuyên ngôn của Đảng ta cũng nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất. Và “lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng”. Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của trí thức: “Trí thức là một vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được”(Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1957). Như vậy, xây dựng đội ngũ trí thức là xây dựng đội ngũ những người lao động trí óc cùng bình đẳng với lao động cơ bắp, lao động kỹ thuật, lao động thủ công. Những người trí thức là những người lao động thật sự và đóng góp tích cực cho tiến bộ xã hội.


Thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, trong cách mạng dân tộc Việt Nam đã có hàng loạt những người trí thức trẻ đã tham gia cống hiến, thể hiện và phát huy đầy đủ tài năng, vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc. Hàng loạt trí thức trẻ - những học sinh, sinh viên yêu nước, giác ngộ cách mạng đã có mặt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo trung kiên, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, v.v.. Nhiều trí thức trưởng thành trong nước hay từ nước ngoài trở về như: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông, Trần Duy Hưng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Xuân Diệu v.v.. đã đi theo cách mạng ngay từ những ngày đầu độc lập, sẵn sàng chịu đựng những thử thách khó khăn, gian khổ, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước.


Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang trong quá trình chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức - nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức con người. Đây là nền kinh tế sản sinh ra, truyền bá và sử dụng tri thức, là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Trong xu thế chung của thế giới, ở Việt Nam hiện nay kinh tế tri thức cũng có một vai trò vô cùng quan trọng. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức - một phần quan trọng không thể thiếu của yếu tố nguồn lực con người.


Nhìn một cách tổng thể, đội ngũ trí thức Việt Nam đã được phát triển lớn mạnh và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách đào tạo nhiều con em nhân dân lao động trở thành những cán bộ khoa học - kỹ thuật, các nhà giáo, các văn nghệ sỹ. Đặc biệt trong gần 35 năm thực hiện chính sách đổi mới vừa qua, đội ngũ trí thức trẻ đã phát triển từ các nguồn đào tạo phong phú hơn, tiếp nhận được những tri thức, kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển ở các khu vực trên thế giới. Đây là bộ phận trí thức năng động, có khả năng cập nhật các vấn đề hiện đại về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, có khả năng lớn trong việc phát triển các mối quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.


Với sự phát triển như trên, đội ngũ trí thức của nước ta vẫn luôn giữ vững vai trò là lực lượng quyết định trong sáng tạo và truyền bá tri thức, có vai trò to lớn trong việc sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam. Vì vậy "xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững" (Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X)./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét