Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021
Công bằng vaccine
Công bằng không có nghĩa mọi người được chia phần như nhau. Điều này cũng đúng với tiêm vaccine.
Người bạn mới nhờ tôi tìm chỗ tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ. Bạn nói, "rất nóng lòng được tiêm cho cả gia đình, gồm bố mẹ già mắc bệnh nền, hai vợ chồng, hai đứa con đang học phổ thông". Và rằng chấp nhận bỏ ra cả chục triệu để tiêm dịch vụ.
Bạn kể tôi nghe về trải nghiệm "14 + 14". Nghĩa là phải cách ly tập trung 14 ngày và sau đó là 14 ngày cách ly tại nhà do vô tình tiếp xúc F0. Trải nghiệm không mong muốn đã "thay đổi tương lai" của cô do bị lỡ cơ hội công việc. Giờ đây, việc "lúc on lúc off, chẳng làm ăn gì được" nên cô muốn tiêm để không còn phải nơm nớp lo.
Không phải mình cô hỏi tôi tìm giúp "nguồn" tiêm vaccine dịch vụ. Người quen khác, trước đó đã va phải F1, tự cách ly tại nhà. Anh sợ ngày nào đó phải cách ly tập trung và dễ bị lây nhiễm. Anh đang tìm chỗ tiêm cho cả gia đình mình và sếp. Người bạn khác có con gái đang theo chương trình du học ở Mỹ, giờ bắt buộc phải tiêm vaccine để bay sang học tiếp, cũng nhờ tôi trợ giúp.
"Hãy chờ đợi vaccine của chính phủ theo chương trình đại trà", tôi khuyên. "Thành viên gia đình tôi không thuộc diện ưu tiên được tiêm, tại sao vaccine vẫn chưa chia đều cho tất cả mọi người?", bạn tôi bảo, "tôi có xin miễn phí đâu".
"Công bằng không có nghĩa là tất cả mọi người đều được chia phần như nhau". Tôi trả lời cô bạn, rồi lấy ví dụ để bạn hiểu. Mỗi khi đi máy bay, tiếp viên sẽ giới thiệu với bạn cách xử trí trong tình huống khẩn cấp. Một trong những chi tiết rất quan trọng là khi áp suất trong khoang máy bay giảm đột ngột, mặt nạ dưỡng khí rơi xuống, nếu đi cùng trẻ em, bạn phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi mới đeo cho trẻ.
Tâm lý chúng ta bao giờ cũng lo lắng cho con trẻ nên theo phản xạ sẽ ưu tiên phòng vệ cho con trước, nhưng trình tự đó không hữu ích. Nguyên tắc xử lý trong chăm sóc hỗn loạn đòi hỏi người khỏe nhất phải bảo vệ mình rồi mới có thể giúp người yếu hơn. Khi đó, cả hai cùng có cơ hội an toàn.
Công bằng ở đây chính là thứ tự ưu tiên, cách chia phần để thoát khỏi thảm hoạ ít thiệt hại nhất. Công bằng có nghĩa là mọi người nhận được những gì họ cần, nhưng phải đảm bảo lợi ích của những người khác, gồm cả lợi ích của toàn xã hội.
Khi quyết định cách phân bổ nguồn vaccine khan hiếm, nhà chức trách phải dựa vào mục tiêu của chương trình tiêm chủng. Mặc dù chính phủ quyết tâm sẽ tiêm đủ cho 75% dân số trong năm 2021, nhưng con số 75% dân số hay mốc thời gian 2021, theo tôi không thể lấy làm mục tiêu. Bởi giả sử đặt mục tiêu như vậy, thì ngay khi vaccine về, chính quyền cứ thế mang ra tiêm luôn cho tất cả những ai thuận tiện nhất để nhanh chóng đạt con số.
Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng quốc gia là để ngăn ngừa 99% số ca tử vong do Covid 19 - con số ước tính hiệu quả của giới khoa học quốc tế, đồng thời giảm thiểu số ca nặng phải nhập viện.
Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7 này đến tháng 4 năm sau, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng và bốn nhóm tỉnh, thành được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Tôi đã đọc rất kỹ các nhóm và thấy đó là thứ tự đảm bảo hợp lý và khoa học. Nó không chỉ giúp ta có thể đạt được mục tiêu ngăn chặn tối đa số ca nặng mà còn đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người.
Lợi ích mà cộng đồng nhận được, dù có nhiều người sẽ được tiêm sau, là sự bảo toàn được lực lượng tuyến đầu, giữ được thành trì chống dịch, tiết kiệm nguồn lực, qua đó giúp ổn định tâm lý và an sinh xã hội.
Vẫn còn nhiều người đang nêu câu hỏi, rằng cá nhân hay tổ chức góp tiền vào quỹ vaccine, thậm chí góp rất nhiều tiền, có được xếp vào nhóm ưu tiên? Câu trả lời của tôi là "không". Bởi chiến dịch tiêm chủng để đạt tới miễn dịch cộng đồng khác với hoạt động tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh thông thường. Hiểu nôm na, nó là một công cụ chống dịch nên bắt buộc phải dựa trên nguyên tắc khoa học, tuân thủ chặt chẽ theo lộ trình.
Ngoài thứ tự ưu tiên, công bằng trong chiến dịch tiêm chủng được thể hiện qua sự minh bạch, thông báo công khai của nhà nước và sự tự nguyện của người dân.
Công bằng cũng thể hiện trong khâu tổ chức tiêm. Các bước từ đăng ký tiêm đến phê duyệt, phân bổ địa điểm, hẹn giờ, tiêm và theo dõi sau tiêm, cập nhật thông tin cho người được tiêm... phải sắp xếp đảm bảo an toàn, trật tự, tôn trọng phẩm giá con người. Tôi muốn nhấn mạnh đến phẩm giá con người bởi vì đâu đó trong dịch bệnh đã xuất hiện những "tội đồ" mà thực chất họ chỉ là nạn nhân của Covid 19. Không thể lấy lý do đất nước còn nghèo và một bộ phận người dân chưa có ý thức để nhân danh chống dịch mà đối xử với một vài nhóm người ra sao cũng được.
Thành quả chống dịch của một quốc gia, cuối cùng, không nằm ở số ca bị nhiễm mà nằm ở số ca tử vong. So với thế giới, tình hình kiểm soát dịch của Việt Nam đến thời điểm này vẫn được coi là hiệu quả, nhưng tỷ lệ tiêm chủng quá thấp. Điều đó không tránh khỏi lo ngại phải trì hoãn mở cửa kinh tế và nguy cơ bùng phát dịch mất kiểm soát.
Vaccine rất quan trọng với chúng ta, nhưng sự khan hiếm vaccine dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp chưa phải là điều quá lo ngại với Việt Nam. Một chiến lược tiêm chủng tốc độ, thực sự khoa học và minh bạch sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu. Nhật Bản đến thời điểm hiện tại mới tiêm đủ liều cho 18% dân số, Mỹ mới đạt 48% dù hạ quyết tâm tiêm xong cho 70% dân trước ngày quốc khánh 4/7. Nhưng cả hai quốc gia đều đã tập trung tiêm xong cho nhóm nguy cơ cao và trong thứ tự ưu tiên ở tầm quốc tế, họ đã gửi vaccine trợ giúp Việt Nam.
Các ca F0 đang tăng rất nhanh tại phía Nam đòi hỏi cách thức chống dịch linh hoạt hơn, căn cơ hơn trên cơ sở khoa học và năng lực của hệ thống y tế ta đang có. Hôm qua, Chính phủ đã bổ sung nhóm thân nhân của nhân viên y tế vào danh sách ưu tiên tiêm chủng. Đó cũng là cách tiếp cận vaccine theo nguyên tắc công bằng.
Công bằng không phải chia đều, mà là phép chia cho ra kết quả tối ưu nhất để bảo vệ được cuộc sống của mỗi người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét