Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm ứng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 6 hoặc 7. Tại họp báo Chính phủ chiều tối 1/7, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cuối năm. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế 6% với điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn không buộc phải giãn cách xã hội, thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% và quý IV tăng 6,5%. Kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% với điều kiện dịch phải được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh thành phố lớn không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Mức tăng trưởng cần đạt trong quý III và IV lần lượt là 7% và 7,5%. Các kịch bản này được cơ quan ngành kế hoạch đưa ra trên cơ sở GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp đợt dịch thứ 4 lần này, ông Phương nói, muốn đạt mức tăng như kịch bản 2 là "nhiệm vụ hết sức khó khăn". Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của Covid-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế... Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu tăng 28,4% so với cùng kỳ, đạt hơn 157,6 tỷ USD. Nhìn nhận kinh tế xã hội 6 tháng qua có nhiều điểm sáng, nhưng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, vẫn còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực. Xu hướng dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường đe doạ làm đứt gãy các dòng đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong nước nhiều lĩnh vực khó khăn như vận tải, du lịch... Bối cảnh này, ông Sơn cho biết, Chính phủ tập trung, dành mọi nguồn lực cho phòng, chống Covid-19, chỉ thực hiện giãn cách, phong toả khi thực sự cần thiết, và đẩy nhanh việc mua vaccine, sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Cùng đó, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét