Suốt gần 2 thập kỷ qua, những
người quản trang luôn làm việc với tất cả sự thành kính, lòng tri ân với những
anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào tại huyện Anh Sơn, Nghệ
An những ngày tháng 7, các phần mộ được lau dọn sạch sẽ, những hàng cây được
cắt tỉa gọn gàng… Đây là nơi an nghỉ của những liệt sĩ là bộ đội, chuyên gia và
quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào.
Hơn
15 năm qua, anh Nguyễn Sỹ Sáu, đã gắn bó với nhiệm vụ quản trang tại đây. Anh
cũng như những nhân viên Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào luôn lặng thầm
làm công việc hàng ngày của mình với tất cả sự thành kính, lòng tri ân đối với
các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từng lối mộ, vị
trí, số hiệu của phần mộ anh đều nắm rõ.
"Chúng tôi khi làm việc ở đây đều cảm thấy bồi hồi xúc
động. Hàng ngày được chăm lo, bảo vệ từng phần mộ cho các liệt sĩ và đón tiếp
các đoàn, thân nhân các gia đình đến thăm viếng là niềm vui của mình. Với những
ngôi mộ chưa biết tên, không người thân thăm viếng thì chúng tôi xem các anh
như người thân, chăm sóc một cách chu đáo", anh Nguyễn Sỹ Sáu chia sẻ.
Còn
với chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã có 21 năm gắn bó với nghề quản trang. Chị chia
sẻ: "Tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch, đúng lúc Ban quản lý nghĩa trang
liệt sĩ quốc tế Việt - Lào tuyển nhân viên, tôi nộp hồ sơ và trúng tuyển. Từng
ấy năm, tôi luôn tự hào về nghề mình đã chọn".
Những ngày đầu mới vào làm, chị Hiền cũng như những người khác
đều thấy sợ, đặc biệt sợ nhất là phải đi tuần, kiểm tra các khu mộ trong đêm
nhưng lâu dần thành quen và cảm thấy rất gần gũi, thân thuộc.
"Mỗi
năm gia đình tôi chỉ lên thắp hương được một đến hai lần, thường là vào dịp Tết
Nguyên đán và dịp 27/7, thời gian còn lại đều gửi gắm nhờ các quản trang ở đây.
Mỗi lần lên đây thấy phần mộ của bố mình luôn được chăm sóc tốt, sạch sẽ, gọn
gàng, bản thân tôi cũng thấy ấm lòng", một thân nhân liệt sĩ tâm sự.
Công việc của những người quản trang đòi hỏi sự cần mẫn và có
tâm. Đối với họ, đây không chỉ là công việc, mà còn là một nghĩa cử, trách
nhiệm của mình với những người đã hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hàng ngày, họ làm công việc hướng dẫn thân nhân liệt sĩ thăm
viếng, thắp hương các phần mộ, cắt tỉa cây cảnh, quét dọn, làm cỏ, thu gom rác
làm sạch đẹp khuôn viên nghĩa trang và chăm lo mộ phần các liệt sĩ…
Ông
Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào cho
biết: "Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của gần 11.000 anh hùng liệt sĩ là bộ
đội, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam, đã hi sinh vì nghĩa vụ bảo vệ Tổ
quốc và tình hữu nghị quốc tế giữa hai nước Việt - Lào. Quê quán của các anh ở
khắp 47 tỉnh, thành trên cả nước".
Toàn thể kiến trúc nghĩa trang được bố trí trang nghiêm, tạo cảm
giác linh thiêng, thành kính, với 19 khu ô mộ. Trong đó có hơn 3.500 ngôi mộ
xác định được danh tính, và gần 7.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên.
Chị
Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, 21 năm qua, chị làm việc ở Nghĩa trang liệt sĩ
quốc tế Việt - Lào, chị luôn cảm thấy tâm hồn thanh thản, bình an.
Hiện nay, Ban quản trang ở đây có 7 người,
tất cả mọi người ở đều xác định làm việc bằng cái tâm. Ngày bình thường, mỗi ca
trực chỉ bố trí hai người; riêng lễ tết phải trực tất cả quân số mới đảm bảo
yêu cầu công việc.
Với quan niệm, gắn đời mình với nghiệp quản trang, những người
công tác ở đây luôn tận tâm, hết lòng giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ luôn
sạch đẹp, ấm cúng, góp phần bồi đắp đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho
các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét