Hơn
40 năm đã qua nhưng những vết thương của các cuộc chiến tranh giành độc lập,
bảo vệ đất nước để lại đến hôm nay vẫn còn nhức nhối.
Những người mẹ mất con, những gia đình li tán, những thế hệ con
cháu lớn lên dẫu không biết chiến tranh là gì vẫn phải gánh chịu và nếm trải
mất mát, vẫn phải đau đớn vì di chứng chất độc da cam/dioxin.
"Bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam cũng khắc ghi sự hy
sinh cao cả vì nền độc lập của dân tộc và thống nhất đất nước. Mỗi khi đến các
nghĩa trang liệt sĩ, nhìn lên danh sách dài những tên tuổi các liệt sĩ, quê
quán, cộng trừ năm sinh năm mất, mỗi người đều dễ lặng đi vì những cuộc đời mới
chỉ trên dưới đôi mươi… Cả dân tộc vẫn không thôi ngậm ngùi khi nhìn theo những
chuyến xe chở hài cốt liệt sĩ được phủ cờ đỏ sao vàng trở về quê hương" -
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt người có công diễn ra
chiều 24/7.
Rất xúc động khi điều kiện dịch bệnh diễn ra phức tạp, lãnh đạo
Chính phủ vẫn không quên công tác tri ân. Hoạt động kỷ niệm được tổ chức tối
giản nhưng đủ cho thấy tinh thần "uống nước nhớ nguồn" vẫn luôn được
duy trì, thể hiện qua những chính sách thiết thực.
Cụ thể, ngay trước buổi gặp mặt, Thủ tướng ký ban hành Nghị định
75 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với
cách mạng. Theo đó, các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công được
nâng cao hơn so với trước.
74 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn
đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính
sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều
kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các phong trào "Toàn dân chăm
sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng
hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội
đồng tình, hưởng ứng.
Chỉ tính riêng từ năm 2016-2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung
ương đã vận động được hơn 16,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận
động được gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn
61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng. Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình
nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng.
Báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 25/7, Bộ trưởng Dung cho biết
thêm, trong tháng 7 năm nay, các cơ quan nhà nước đã trao quà tới 1 triệu người
có công, gia đình chính sách.
Đây là những con số biết nói, để thấy rằng, dẫu trong bất cứ
giai đoạn nào của đất nước, kể cả những lúc khó khăn, phải gồng mình chống chọi
dịch bệnh, chúng ta vẫn không giây phút nào quên việc "đền ơn đáp
nghĩa".
Không quên quá khứ để trân trọng hiện tại, nỗ lực và phấn đấu,
hướng đến tương lai tốt đẹp hơn!
Nếu như trước đây, các thế hệ cha anh đã hi sinh, đánh đổi cả
tính mạng và hạnh phúc cá nhân của mình để chiến đấu, bảo vệ đất nước thì ngày
nay, chúng ta càng phải đồng lòng, đoàn kết bảo vệ thành quả cách mạng, đảm bảo
cuộc sống bình yên, đó cũng là sự tưởng nhớ thiết thực với công lao các anh
hùng, thương binh, liệt sĩ.
Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan để điều chỉnh, bổ sung
chính sách mới cho kịp thời, sát thực tế đời sống, với phương châm "càng
khó khăn càng phải quan tâm phúc lợi xã hội", "không hi sinh tiến bộ,
công bằng xã hội xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần" như Tổng
Bí thư đã chỉ đạo.
Tin rằng, với hướng đi đúng đắn và tinh thần nhân văn nói trên,
từng bước, đất nước sẽ một lần nữa chiến thắng được đại dịch Covid-19 - kẻ địch
lớn nhất hiện nay, sớm đưa bình yên trở lại với cuộc sống thường nhật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét