Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Đối mặt với kẻ thù giấu mặt


          Tàn lửa nhỏ thành những đám cháy lớn

          Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, mặc dù xuất hiện một số ca lây nhiễm nhưng TP Hồ Chí Minh cơ bản vẫn bình yên. Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, vài ca nhiễm Covid-19 xuất hiện từ nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có trụ sở ở phường 3, quận Gò Vấp. Từ 3 ca được phát hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, dịch bệnh như vết dầu loang len lỏi đến các quận, huyện, phường, xã trong thành phố. Tốc độ lây nhiễm từ nhóm truyền giáo bị nhiễm Covid-19 ra cộng đồng nhanh đến chóng mặt; được ví như một tàn lửa nhỏ lan ra thành những đám cháy lớn.

          Tháng 6, thành phố như lên cơn sốt. Ngày nào cũng xuất hiện vài chục ca đến hơn 100 ca lây nhiễm. Dịch bệnh tấn công cả vào các bệnh viện, trung tâm y tế khiến người dân ngỡ ngàng. Cá biệt, từ 6 giờ ngày 24 đến 6 giờ ngày 25-6, thành phố phát hiện 667 ca nhiễm Covid-19. Rất may, hầu hết các ca bệnh đều nằm trong các khu cách ly và phong tỏa. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, ngụ tại đường Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, lắc đầu: “Ngày nào tôi cũng nghe thông tin có hàng chục ca nhiễm, nhiều ca đang điều tra dịch tễ mà lòng đau quặn. Mong dịch bệnh nhanh qua để cuộc sống trở lại bình thường”. Người dân lo lắng, lãnh đạo thành phố và các quận, huyện cũng như ngành y tế ăn ngủ không yên. Cả hệ thống chính trị gắng sức chống dịch, nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn chưa chịu dừng bước. Chúng tấn công và gây ra những chuỗi dịch lớn ở khách sạn Sheraton (quận 1), cửa hàng cà phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang (Tân Bình), Trường Mầm non song ngữ KID TOWN, khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm (Gò Vấp), Công ty TNHH Phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ THIÊN TÚ FN (văn phòng lầu 4 thuộc tòa nhà Phan Khang, số 1 Hoàng Việt, Tân Bình), quán bánh canh ở quận 3, một số doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP Thủ Đức và một số khu dân cư... Từ ngày 24-4 đến nay, thành phố đã có khoảng 4.500 ca nhiễm Covid-19.

          Thời gian qua, thành phố ghi nhận nhiều ca dương tính từng đến các bệnh viện, cơ sở y tế khám bệnh, hình thành những ổ dịch nguy hiểm. Lớn nhất là ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Từ một ca nhiễm của nhân viên phòng công nghệ thông tin, sau 3 ngày khám sàng lọc (từ ngày 11 đến 13-6), bệnh viện phát hiện thêm 52 ca nhiễm. Điều làm lực lượng chống dịch đau đầu là những ca này hầu như không có triệu chứng và một số đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Kẻ thù giấu mặt đang ra sức tấn công và thách thức các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) của thành phố.   

          Thần tốc truy vết, xét nghiệm

          Chưa bao giờ sân bóng TNG (khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp) lại sáng đèn suốt đêm và có đông người đến thế. Ngay sau khi xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn quận, đội ngũ nhân viên y tế và lực lượng chức năng đã thức xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho các cụm dân. Anh Trần Anh Tâm, làm việc ở Khoa Tim mạch-Thần kinh (Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh) khá mệt mỏi sau hơn 8 tiếng làm việc. Anh chia sẻ: “Lúc 18 giờ ngày 6-6, chúng tôi nhận thông báo từ Sở Y tế thành phố. Viện lập tức cử 2 tổ, mỗi tổ 5 người xuống phường 15, quận Gò Vấp lấy mẫu. Miệt mài từ tối đến gần sáng hôm sau, mọi người đều thấm mệt, chúng tôi hy vọng các mẫu đều âm tính”. 

          Những ca lây nhiễm Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng khiến người dân đứng ngồi không yên, còn đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế thì đã nhiều ngày đêm không ngủ. Cứ khu vực nào phát hiện có ca dương tính là lực lượng chức năng lập tức có mặt để khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát. Trên những khu phố của quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12), các chung cư, tòa nhà có bệnh nhân Covid-19, những chiếc xe cứu thương, xe làm nhiệm vụ cùng những “người lính” mặc áo bảo hộ màu thiên thanh... đi lại như thoi đưa. Những miếng cơm, ổ bánh mì ăn vội. Những bước chân hối hả. Những đôi bàn tay thoăn thoắt. Có khi cả tháng xa gia đình... mà hàng nghìn “chiến binh” vẫn "chạy đua" với thời gian để chống lại kẻ thù vô hình. Tiếng còi xe hú liên hồi, xoáy vào lòng người, khoan vào không gian sự hối hả, khẩn thiết, gấp gáp, cảm giác như đang có bao đám cháy ở thành phố cần phải được dập tắt.

          Ở phường 3 (quận Gò Vấp); chung cư EHOME3, phường An Lạc (quận Bình Tân); xung quanh chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú); khu vực đường Gò Dưa; khu công nghệ cao và chợ Tam Bình (TP Thủ Đức); một số doanh nghiệp trong các khu chế xuất-khu công nghiệp... người dân và công nhân trằn trọc, lo âu khi phải thức đêm chờ được lấy mẫu xét nghiệm. Thức nhiều đêm liền, đôi mắt của Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp Nguyễn Trung Hòa quầng thâm. Anh lắc đầu: “Dịch bệnh lan quá nhanh. Nếu không xét nghiệm để ngăn chặn kịp thời, số ca lây nhiễm sẽ tăng cao và rất khó kiểm soát”. Mệt mỏi và lo âu, nhưng tất cả đều chung sức, đồng lòng quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.  

          Mới mặc bộ quần áo bảo hộ khoảng 30 phút mà quần áo, đầu tóc của tôi đã đầm đìa mồ hôi. Vậy mà suốt những ngày qua, các thầy thuốc, lực lượng PCD của thành phố phải mặc nó hàng giờ liền. “Chống dịch như chống giặc” nên nóng bức, mệt nhọc, đói khát cũng phải vượt qua. Kể cả khi gia đình có sự cố, chúng tôi vẫn phải nén lại để vững vàng trên tuyến đầu chống dịch", anh Hồ Văn Quang, nhân viên Bệnh viện 115 chia sẻ.  

          Chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu 

          Chưa bao giờ những cuộc họp bàn về các biện pháp chống dịch ở TP Hồ Chí Minh lại nhiều đến vậy. Ngay sau khi xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong đợt bùng phát lần thứ tư, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành chức năng đã khởi động công tác phòng, chống ở mức cao nhất bằng tất cả trí tuệ và nguồn lực của mình. Hàng loạt chỉ thị, hướng dẫn chống dịch được ban hành. Công tác quản lý, duy trì các quy định về PCD Covid-19 ở công sở, khu dân cư và nơi công cộng được siết chặt. Các bệnh viện cũng tăng cường việc phát hiện, khám sàng lọc và sẵn sàng các phương án đối phó.

          Đường phố TP Hồ Chí Minh vốn dĩ lúc nào cũng tấp nập, ồn ào mà giờ đây trở nên thênh thang, trầm mặc. Khác hẳn với cảnh đường phố vắng hoe, những cuộc họp của Ban chỉ đạo PCD Covid-19 thành phố diễn ra liên tục do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong và các đồng chí lãnh đạo thành phố thay phiên nhau chủ trì. Nhiều buổi họp, đợt kiểm tra các địa bàn phát sinh ổ dịch còn có sự hiện diện chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Toàn hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh đang đặt nhiệm vụ PCD Covid-19 lên hàng đầu.

          Gần hai tháng qua, những thông tin về dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh luôn tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động tuyên truyền cũng rầm rộ trên nhiều tuyến đường, khu dân cư, tổ dân phố. Khẩn trương, thần tốc nhưng không hoang mang, hoạt động chống dịch được các cấp, các ngành và mọi người dân tham gia với sự quyết tâm cao độ. Nói như ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: “Thành phố chống dịch Covid-19 bằng tất cả năng lực, trí tuệ, sức người và sức của”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét