Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021
Tự do phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật
Tại Việt Nam, quyền tự do chân chính của người dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Gần đây, trên một số trang mạng xã hội, xuất hiện một số người tự xưng là “người yêu tự do”, “nhóm yêu tự do”. Họ cho rằng quyền tự do ở Việt Nam đang bị hạn chế. Có lẽ họ không biết hoặc cố tình không biết về bản chất của tự do chân chính ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào cũng đều phải đặt trong khuôn khổ pháp luật; không thể có tự do “vô chính phủ”, muốn làm gì thì làm. Tại Việt Nam, quyền tự do chân chính của người dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay được tổ chức theo mô hình nhà nước pháp quyền. Bản chất của nhà nước pháp quyền là tính thượng tôn pháp luật. Pháp luật vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quyền tự do của công dân. Quyền tự do của công dân trong nhà nước pháp quyền được bảo đảm bằng pháp luật. Mọi người sống trong nhà nước pháp quyền được tự do trong khuôn khổ của pháp luật.
Nhắc đến quyền tự do của con người, một số người đã trích Công ước nhân quyền châu Âu (Công ước) có hiệu lực từ ngày 3-9-1953, trong đó quy định: “Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới”. Một số người cho rằng, công dân Việt Nam chưa được hưởng quyền này. Thế nhưng họ không biết hoặc cố tình coi như không biết phần tiếp theo của Công ước đã trích dẫn ở trên nhấn mạnh: “Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc tán phát các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”. Như vậy, việc thực thi các quyền tự do đó và các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Vì mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do của công dân.
Nước Mỹ được một số người coi là “hình mẫu của tự do”, nhưng tại Điều 2385 Chương 115-Bộ luật Hình sự Mỹ đã có quy định nghiêm cấm mọi hành vi "in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực". Theo Hiến pháp Mỹ thì Tòa án tối cao được phép đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống, xúc xiểm nhà nước, xã hội và cá nhân. Vì thế, hằng năm có hàng trăm các văn bản lớn nhỏ khác nhau được Tòa án tối cao ban hành để điều hành và kiểm soát báo chí ở Mỹ.
Thực tế không một quốc gia nào trên thế giới coi quyền tự do của con người là tuyệt đối. Bởi lẽ, nếu tự do tuyệt đối thì xã hội sẽ bị loạn khi tự do bắn giết, tự do cướp bóc, tự do hãm hiếp… Quyền tự do của mỗi con người trong từng quốc gia đều được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia đó.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Quyền tự do của mọi người trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm bằng pháp luật của Việt Nam. Từ sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) đến nay, quyền tự do, dân chủ của người dân Việt Nam ngày càng được mở rộng phù hợp với luật pháp quốc tế. Hiến pháp năm 2013 đã nâng tầm chế định quyền con người, quyền công dân thành một chương. So với hiến pháp của nhiều quốc gia, Hiến pháp năm 2013 của nước ta thuộc vào những hiến pháp ghi nhận một số lượng cao về quyền con người, trong đó có quyền tự do. Sự tiến bộ này đã được nhiều học giả trên thế giới ghi nhận. Đặc biệt, Điều 20 và 21 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của mọi người đều được bảo vệ; do đó, đã mở rộng chủ thể và nội dung quyền được bảo vệ về đời tư so với Điều 73 của Hiến pháp năm 1992-chỉ quy định về quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Không chỉ củng cố các quyền đã được hiến định trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 còn chế định một số quyền mới, như quyền sống (Điều 19); các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (khoản 2, Điều 17).
Nếu Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định công dân “có quyền được thông tin” (Điều 69), thì Hiến pháp năm 2013, ở Điều 25, thay chữ “được” bằng cụm từ “tiếp cận”. Nhờ quyền tiếp cận thông tin, mọi công dân có thể tiếp cận thông tin, cả về các quyền thực định cũng như về hoạt động tư pháp, để thụ hưởng đầy đủ và bảo vệ các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật.
Triển khai và cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, nhằm nâng cao hơn nữa quyền tự do trong khuôn khổ pháp luật của người dân, Nhà nước ta đang khẩn trương xây dựng một số dự án luật mới như Luật Trưng cầu dân ý, Luật Về hội, Luật Biểu tình, Luật Tiếp cận thông tin... Trong đó, dự án Luật Biểu tình và dự án Luật Trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015) và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015) của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Luật Báo chí dự kiến cũng sẽ được đưa ra sửa đổi tại nhiệm kỳ của Quốc hội này nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của người dân trong khuôn khổ của pháp luật.
Như vậy, ở nước ta quyền tự do của người dân đã và đang được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam mới đây, Phối Sư Thượng Tám Thanh-Hội trưởng Hội đồng Chưởng quản Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh-nói: "Có thể là do một số nước không nắm được tình hình thực tế về sinh hoạt của các tôn giáo hiện có trên đất nước Việt Nam. Cũng có thể là các nước đó đã nhận được những nguồn tin thiếu trung thực, lệch lạc, khiến họ hiểu sai về thực trạng tự do hoạt động tôn giáo tại Việt Nam".
Gần đây, khi một số người sử dụng mạng xã hội cũng như những hình thức thông tin khác xuyên tạc sự thật, chống phá Nhà nước và nhân dân ta bị xử lý theo pháp luật, đã có ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, việc xử lý đó là vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng… và lên án gay gắt Điều 258 của Bộ luật Hình sự, đòi bỏ điều này.
Cần phải khẳng định rằng, Điều 258 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn phù hợp với “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966”. Điều 258 Bộ luật Hình sự quy định những hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Điều luật này ban hành nhằm thực hiện quyền tự do của công dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép, tránh những kẻ lợi dụng ý nghĩa của việc “tự do” để thực hiện những ý đồ đen tối, gây ảnh hưởng tới an ninh xã hội. Giả sử Điều 258 được bỏ đi như ý nguyện các nhà tự xưng là “tự do dân chủ” thì xã hội sẽ không thể tồn tại được bởi ai thích nói gì thì nói, có thể nói nhăng nói cuội, vu khống, bịa đặt…
Lẽ tất nhiên, việc hoàn thiện thể chế, mở rộng hơn nữa các quyền tự do dân chủ của nhân dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của chúng ta. Thế nhưng, dù có mở rộng “hết cỡ” các quyền tự do thì sự tự do ấy cũng phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét