Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

XÂY DỰNG CÁC ĐẢNG CỘNG SẢN THỰC SỰ LÀ CHÍNH ĐẢNG CÁCH MẠNG CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN

C.Mác và Ph.Ăngghen là những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời là những người đầu tiên sáng lập ra chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. C.Mác và Ph.Ăngghen đã có những cống hiến vô giá trong việc đề ra tư tưởng đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới. Hai ông cũng là người đầu tiên đặt vấn đề phải bảo đảng rất sớm, trong Ăng-ghen gửi Bê-bên, 14 tháng mười một 1879, Ph.Ăngghen đã viết: “Anh cũng biết rằng Mác và tôi, từ khi có đảng, đã tự nguyện nhận lấy việc bảo vệ đảng chống lại các kẻ thù bên ngoài, và đổi lại, chúng tôi chỉ đòi hỏi ở đảng có một điều: yêu cầu đảng đừng phản bội lại bản thân mình”(1). V.I.Lênin kế thừa di sản tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, sáng tạo học thuyết về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển cao - từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Không những vậy, sau khi Ph.Ăngghen mất, những người đứng đầu của Quốc tế II và các Đảng dân chủ - xã hội ở Tây Âu đã xét lại chủ nghĩa Mác, từ bỏ những nguyên lý cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác, cắt xén chủ nghĩa Mác, chủ trương đưa phong trào công nhân đấu tranh đòi những cải cách cục bộ mang tính chất cải lương, không nhằm mục tiêu lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Họ đã biến Quốc tế II và các đảng dân chủ - xã hội thành những đảng cải lương, hoàn toàn mất tính giai cấp và tính chiến đấu của Đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản là phải đập tan chủ nghĩa cơ hội, xét lại, bảo vệ sự trong sáng của học thuyết Mác trên các lĩnh vực, trong đó có học thuyết về Đảng, xây dựng các Đảng Cộng sản thực sự là chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Nhiệm vụ lịch sử vĩ đại đó đã được V.I.Lênin hoàn thành một cách xuất sắc, trong đó có vấn đề bảo vệ chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Vì vậy, trong bài “Tiếng nói” của phái thủ tiêu chống đảng”, viết ngày 11 (24)/3/1910, in khoảng giữa ngày 12 ‐ 16 (25 ‐ 29)/3/ thành tờ riêng trích trong báo “Người dân chủ ‐ xã hội”, số 12, V.I.Lênin khẳng định: “Tất cả những ai tha thiết với sự tồn tại của Đảng công nhân dân chủ ‐ xã hội Nga, hãy đứng lên bảo vệ đảng!” (2). Tiếp đó, trong Hội nghị ban biên tập mở rộng của báo “Người vô sản”, trong mục “Nhiệm vụ của những người bôn-sê-vích trong Đảng”, V.I.Lênin chỉ rõ cách thức tham gia bảo vệ đảng của những người Bôn‐sê‐vích đó là: “Để bảo vệ đảng và tính đảng, điều đã được xác định hoàn toàn rõ ràng, một mặt, là sự phân định ranh giới giữa đảng với các phần tử được lôi cuốn vào đảng vì các điều kiện đặc biệt của cuộc cách mạng dân chủ ‐ tư sản, mặt khác, là sự đoàn kết hơn nữa của những người dân chủ ‐ xã hội cách mạng”(3). Trong tác phẩm “Tiến tới thống nhất” bàn về những vấn đề đấu tranh bảo vệ đảng, đoàn kết tất cả các lực lượng trong đảng, V.I.Lênin viết rằng, ách thống trị của thế lực phản động và tình trạng những tư tưởng phản cách mạng hoành hành, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ chủ nghĩa Mác, - chủ nghĩa xã hội duy nhất khoa học, - đó là nguyên nhân khiến cho những công nhân giác ngộ hướng vào việc củng cố sự thống nhất của đảng. Tình trạng phân tán và thủ công ngự trị trong các tổ chức đảng ở địa phương trong nước Nga đã chỉ cho công nhân thấy rằng không thể đẩy công tác thực tiễn lên được nếu không đoàn kết được các lực lượng, nếu không lập ra một trung tâm lãnh đạo. V.I.Lênin nhấn mạnh rằng chỉ có thể tập hợp các lực lượng của đảng lại trên cơ sở liên minh giữa phái bôn‐sê‐vích với những người men‐sê‐vích ủng hộ đảng, với điều kiện duy trì phái bôn‐sê‐vích và kiên quyết đấu tranh chống bọn thủ thủ tiêu và bọn triệu hồi. Theo V.I.Lênin, trong điều kiện kẻ thù chống phá điên cuồng, bảo vệ đảng không chỉ bằng lời nói suông mà phải thể hiện bằng hành động quyết liệt, kết hợp cả cả hợp pháp và bất hợp pháp trên thực tế: “Trong số những người dân chủ ‐ xã hội hoạt động hợp pháp của chúng ta, ai thật sự là người bảo vệ đảng trên thực tế, chứ không phải chỉ trên lời nói, ai thật sự hiểu được những điều kiện công tác mới đã nói trên và việc kết hợp những điều kiện ấy với những nhiệm vụ cũ của Đảng dân chủ ‐ xã hội cách mạng, ai chân thành sẵn sàng làm việc để thực hiện những nhiệm vụ đó, những nhóm nào thật sự sẵn sàng đặt quan hệ vững chắc về mặt tổ chức với đảng, - điều đó chỉ có thể xác định được tại địa phương, ngay trong tiến trình công tác bất hợp pháp hàng ngày”(4). Vì vậy, V.I.Lênin yêu cầu: “Đối với giai cấp vô sản, một nhiệm vụ sơ đẳng, được đề ra một cách cấp thiết, là bảo vệ đảng của mình, đảng vô sản, một đảng vừa thù địch cả với thế lực phản động, lại vừa thù địch cả với chủ nghĩa tự do phản cách mạng”(5). Không những vậy, V.I.Lênin còn chỉ rõ nhiệm vụ bảo vệ đảng là hết sức nặng nề và lâu dài đối với giai cấp công nhân. Vì vậy, trong bài viết Ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh nội bộ đảng ở Nga, viết cuối tháng Chín ‐ tháng Mười một năm 1910, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Nhiệm vụ này không phải là dễ dàng, bởi vì tất cả gánh nặng của những sự khủng bố kinh tế và chính trị, toàn bộ sự thù ghét của phái tự do ‐ do chỗ địa vị lãnh đạo của họ đối với quần chúng trong cách mạng đã bị Đảng dân chủ ‐ xã hội tước mất ‐ đều trút hết vào giai cấp vô sản”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về đảng cộng sản vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào yêu nước là nhân tố quan trọng quyết định nét độc đáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc điểm này giúp cho Đảng Cộng sản Việt Nam vừa vững vàng trên nguyên tắc, vừa mềm dẻo trong sách lược để lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng như trong xây dựng Đảng, cho phép Đảng ta giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, tránh được những sai lầm biệt phái, “tả khuynh”, bảo đảm cho Đảng không chỉ là lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân mà của cả dân tộc Việt Nam; đồng thời, cũng đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng phải thường xuyên giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng và thường xuyên phải bảo vệ đảng. Về vấn đề này, trong Bài nói tại hội nghị nghiên cứu lịch sử đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính tất yếu phải bảo vệ đảng: “Đảng ta là một tập thể lớn, tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí. Mỗi đảng viên phải bảo vệ Đảng và mọi chủ trương, chính sách của Đảng”(7). Đảng ta là đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc; thành phần vào Đảng không thuần nhất mà tập hợp nhiều giai tầng khác nhau. Do đó, mỗi đảng viên mang trong mình tư tưởng, lập trường giai cấp, thái độ chính trị khác nhau, nhất là đảng viên không xuất thân giai cấp công nhân: “Trong xã hội còn giai cấp, thì người ta ai cũng có giai cấp và giai cấp tính”(8). Người giải thích và dẫn chứng lời dạy của V.I.Lênin để khẳng định tính tất yếu phải bảo vệ đảng: “Vì họ không phải từ giai cấp vô sản mà ra. Lênin thường nói: Đảng viên công nhân sẵn có tính tự nhiên của giai cấp vô sản. Vậy nên những đảng viên xuất thân từ giai cấp khác ắt cũng sẵn có tính tự nhiên của giai cấp đó. Tuy ngày nay họ đã theo tư tưởng cách mạng, nhưng dù sao cũng còn vương ít nhiều vết tích tư tưởng, ý thức, tập quán không cách mạng”(9); và những người đảng viên này: “Đi theo Đảng chưa phải là một lòng với Đảng. Chim âu đi theo tàu thủy, nhưng không phải nó cùng chung một mục đích với tàu; nó theo tàu vì nó muốn tìm món ăn...”(10). Sự cần thiết phải bảo vệ Đảng ta theo Hồ Chí Minh không những xuất phát từ đặc điểm, quy luật ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Luận giải vấn đề này, trong Bài nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng tại Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng, ngày 10-5-1950, Người khẳng định: “Vì đảng viên trình độ còn kém, ai nói hay nghe lời ai thì dù có sai đường lối của Đảng cũng cho là đúng, nên phải chống xu hướng sai lầm. Cần chú ý: cái gì trái với đường lối của Đảng thì nhất định phải phản đối. Bọn đế quốc phản động tìm hết cách để phá cách mạng, chúng cho người chui vào Đảng làm gián điệp, cố leo lên cơ quan lãnh đạo để phá từ trong phá ra, nên đảng viên cần tỉnh táo đề phòng”(11).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét