Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

ÁP GIẢI TÙ BINH TỪ ĐIỆN BIÊN

 



Một trong những nhiệm vụ quan trọng sau chiến thắng Điện Biên Phủ đó là dẫn giải tù hàng binh về hậu phương. Câu chuyện được cựu chiến binh Đào Trọng Thủy, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 kể lại.

Cuối ngày 7-5-1954, anh Cao Ủy, Tiểu đoàn trưởng triệu tập và đưa chúng tôi về Bộ nhận nhiệm vụ dẫn giải tù binh về hậu phương.

Xưa nay, việc hành quân, bảo đảm an toàn cho đơn vị “đi đến nơi về đến chốn”, bảo đảm hậu cần, thu dung… chúng tôi đều đã quen, đều hoàn thành tốt. Bây giờ lại phải giải 3.000 tù binh Âu-Phi, một lượng người gấp nhiều lần quân số của tiểu đoàn, cũng phải bảo đảm an toàn quân số, hậu cần, thu dung… trong khi ngôn ngữ bất đồng, lại phải thực hiện đúng chính sách tù hàng binh của Đảng và Nhà nước ta…

May sao, trong đại đội có đôi ba anh “bập bẹ” tiếng Pháp. Qua tính toán, chúng tôi chia tù binh thành các tiểu đội hành quân. Mỗi tiểu đội giao cho 1 đến 2 đồng chi bập bẹ tiếng Pháp phụ trách. Những người được chọn phụ trách hầu hết đã qua rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật nhà binh … Nhưng cũng không ít đồng chí ngang bướng, tự do vô kỷ luật, máu quân phiệt trỗi dậy, đánh đập tù binh. Chúng tôi phải luôn cảnh giác với số anh em phụ trách và giám sát họ thật chặt chẽ, đồng thời phân tích để anh em thấy rõ những điều chúng ta duy trì hiện nay, đó là bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh và kỷ luật.

Dẫn giải, quản lý, điều hành một lượng tù binh-cỡ một trung đoàn như thế, thật là khó khăn. Lo ngại nhất là chúng chạy trốn. Một lần, đang hành quân bỗng tù binh chùn lại, dạt đội hình ra. Thì ra… đoàn dân công ta đi trả gạo về. Sọt gạo đã trả kho, anh chị em chỉ giữ lại đòn gánh. Gặp tù binh, anh chị em chỉ chỏ, giơ đòn gánh ra hiệu thay cho câu nói… Thấy vậy, tù binh tưởng dân đánh họ… Qua đó, chúng tôi vỡ lẽ, tù binh rất sợ tiếp xúc với dân ta, nên không dám bỏ trốn.

Quá trình dẫn giải, chúng tôi thường xuyên truyền đạt chính sách khoan hồng của Chính phủ ta, lấy ngay việc trao trả thương binh tại sân bay Mường Thanh cho họ tin, gợi lên khả năng Chính phủ ta và Pháp sắp ký Hiệp định đình chiến Geneva, sau đó nhất định có trao trả tù binh. Lại nữa, nếu ai không muốn trao trả lại về phía quân đội Pháp, thì có thể làm đơn xin Chính phủ Việt Nam cho ở lại và hồi hương bằng con đường ngoại giao giữa Việt Nam với chính quốc họ.

Nghe khả năng chắc chắn sẽ được hồi hương, tù binh bắt đầu nghiêm túc chấp hành. Chúng tôi thấy nhẹ nhàng thêm trong việc chỉ huy, quản lý và tập trung vào lo đời sống cho họ. Cái khó đầu tiên là tổ chức nấu ăn. Họ, xưa nay hầu như chỉ ăn sẵn, nghĩa là đến bữa phát hộp theo cấp, chức; nay phải nấu cơm làm thức ăn, đi kiếm rau rừng…

Chúng tôi phải sắm cho họ cả dụng cụ cấp dưỡng. Cắt thùng phi làm nồi nấu ăn, đun nước uống. Dạy họ cách nấu cơm, từ bắc bếp, kiếm củi, nhóm bếp, ghế cơm… sao cho cơm chín, cách nấu thức ăn, kho thịt, làm thức ăn dự trữ đi đường… Dần dần công việc dẫn giải tù binh đi vào nền nếp và quy củ.

Khó khăn nhất mà chúng tôi gần như bó tay, đó là áo quần của tù binh chỉ có 1 bộ, không có bộ khác thay đổi nên qua nhiều ngày dẫn giải đã rất bẩn, mùi hôi hám bốc lên. Tóc tai tù binh bù xù, râu ria tua tủa vì lâu ngày không cắt, không cạo. Chúng tôi đã sắm, phát cho họ kéo và dao cạo để họ tự cắt cho nhau… nhưng áo quần thì không lấy đâu ra. Về sau, có sáng kiến là vừa hành quân, vừa phơi quần áo trên mũ, trên lưng… Song phải đảm bảo ăn mặc đi trên đường có thể chấp nhận được. Từ đó, việc hành quân đỡ bị việc tắm giặt, phơi quần áo của họ chi phối. Một thuận lợi lớn trong quá trình dẫn giải tù binh đó là việc mang vác, cáng thương. Khi có người ốm đau, vết thương tái phát, tất cả họ đề tự giác khênh cáng nhau đi rất khỏe…

Sau gần một tháng dẫn giải tù binh, chúng tôi đã về đến vị trí theo đúng ý định và bàn giao cho đơn vị bạn, đó là Đại đoàn 316.

Điều chúng tôi không ngờ là khi chia tay các tù binh, tình người đã trỗi dậy rõ nét. Khoảng cách “địch-ta” như đã mờ xa. Chúng tôi đã dần đồng cảm với tù binh hơn và mong cho họ sớm được hồi hương về đoàn tụ bên gia đình; mong cho “kiếp đời làm lính đánh thuê” xóa nhòa vào dĩ vãng. Nhiều tù binh đã bịn rịn níu mãi tay chúng tôi như không muốn rời. Có người mắt đẫm lệ, hai tay chắp trước ngực cúi đầu như tạ lỗi, tạ ơn. Đến lúc này, chính chúng tôi mới hiểu hơn về chính sách tù hàng binh của Đảng và Nhà nước ta và cũng như phần nào đó hài lòng, vì đã hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn mà trên đã giao cho.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét