Mở rộng hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm công nghệ cao
Việc mở rộng hợp tác về hoàn thiện pháp luật trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao giữa Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu thời gian qua vẫn tồn tại một số khó khăn sau:
Thứ nhất, hiện nay chưa có một điều ước quốc tế toàn cầu, cũng như các cơ chế, thiết chế hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thứ hai, hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt là pháp luật về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp với những biến chuyển nhanh chóng của tình hình tội phạm với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Thứ ba, công tác tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế còn chưa được quan tâm đúng mức; công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm về sử dụng công nghệ cao chưa được tiến hành thường xuyên, gây khó khăn trong đánh giá hiệu quả hợp tác quốc tế cũng như đánh giá khả năng hợp tác của Việt Nam với các nước thuộc EU.
Thứ tư, việc không tương đồng trong hệ thống pháp luật và các qui định của Việt Nam với các nước thuộc EU đôi khi cũng là rào cản trong quá trình triển khai các điều ước quốc tế.
Trên cơ sở các qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước EU, cần nghiên cứu một số phương hướng để hoàn thiện pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cụ thể gồm:
Một là, thống nhất về nhận thức và hành động chung đối với vấn đề tội phạm sử dụng công nghệ cao, tiến tới xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung tạo thuận lợi cho việc phối hợp, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; trước mắt hoàn thiện các vòng đàm phán xây dựng Công ước toàn diện của Liên hợp quốc về chống sử dụng công nghệ thông tin vào mục đích phạm tội cơ quan này đang chủ trì xây dựng.
Hai là, xây dựng kế hoạch, lộ trình trao đổi, hợp tác, thống nhất nhận thức về tội phạm sử dụng công nghệ cao với các nước EU (do còn có sự khác biệt với pháp luật của Việt Nam) để đưa hoạt động điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Ba là, đề xuất thúc đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác chuyên ngành về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước EU để hoạt động bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Bốn là, nghiên cứu xây dựng kế hoạch chung hoặc chương trình hành động chung với các nước EU để phối hợp triển khai các văn bản, hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương trên thực tế; định kỳ rà soát, sơ kết, tổng kết để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tùy tình hình thực tế và nhu cầu của hai bên.
Năm là, đề nghị các nước EU hỗ trợ đào tạo cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của Bộ Công an Việt Nam nhằm đi trước một bước trong công tác dự báo xu hướng, diễn biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao phục vụ công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét