Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Thiết lập quan hệ bình đẳng giữa công dân với Nhà nước và xã hội bằng thể chế pháp quyền

  Để thiết lập quan hệ bình đẳng giữa công dân với Nhà nước và xã hội bằng thể chế pháp quyền cần thực hiện các giải pháp sau:

    Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước, đặc biệt thể chế hóa nghĩa vụ của Nhà nước trong bảo đảm công lí, quyền con người, quyền công dân. Qui định đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước, của các chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhất là hoàn thiện thể chế bảo đảm và những ràng buộc pháp lí về chế độ chịu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trước công dân, nhất là khi có hành vi gây thiệt hại cho công dân trong thi hành công vụ, ở cả 3 phương diện: cơ quan, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức; và văn bản quản lý hành chính của cơ quan, tổ chức. Hoàn thiện thể chế pháp quyền về phản biện xã hội, giám sát xã hội, nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, nhất là tổ chức thông tin đại chúng (báo chí, mạng Internet), trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, để phát hiện những vi phạm trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước, nhằm góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, quyền con người, quyền công dân.

Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm trước công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đề cao trách nhiệm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân và thái độ dám chịu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; chống hiện tượng khi phải chịu trách nhiệm lại tìm cách “chạy trách nhiệm”, né tránh, đùn đẩy. Yêu cầu về giám chịu trách nhiệm phải được đề cao thành một “Danh dự công vụ”.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đảng và đảng viên trong lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra của ủy ban kiểm tra Đảng các cấp đối với các cơ quan nhà nước, với đảng viên giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm minh đối với đảng viên vi phạm qui định của Đảng và pháp luật nhà nước về quan hệ giữa Nhà nước với công dân (trong và ngoài nhà nước) và giữa công dân (trong và ngoài nhà nước) với Nhà nước.

         Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của công dân. Một nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải thể chế hóa các quyền hiến định của công dân trong Hiến pháp năm 2013 trên cả 2 tư cách: quyền con người và quyền công dân, để các quyền này thực sự được bảo đảm trong thực tế cuộc sống theo hướng: Các cá nhân cũng như pháp nhân của luật, tức là cả trong và ngoài Nhà nước,đều bình đẳng trước pháp luật; đều có thể đối lập tranh cãi một cách bình đẳng với các quyết định của cơ quan công quyền. Tạo lập sự gắn kết hữu cơ giữa quyền tự do dân chủ của công dân với chủ nghĩa hợp hiến. Muốn vậy, hệ thống qui phạm pháp luật phải được thực thi sao cho công dân cả trong và ngoài Nhà nước đều phải có trách nhiệm với Nhà nước; đồng thời Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong cả hoạt động của Nhà nước và trong cả hoạt động của xã hội. Hoàn thiện và cụ thể hóa các qui phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân theo hướng công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Từ đó xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong quan hệ với Nhà nước, cả với tư cách người dân và cả với tư cách cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

     Xây dựng và thực hiện cơ chế trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân theo nguyên tắc pháp quyền. Trước đây, việc thực hiện cơ chế trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân thông qua pháp chế XHCN; còn hiện nay đã chuyển sang thể chế pháp quyền. Điểm tương đồng giữa pháp chế XHCN và thể chế pháp quyền là: Đòi hỏi Nhà nước phải có một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh. Pháp chế XHCN yêu cầu Nhà nước và công dân, kể cả công dân là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, phải tuân thủ nghiêm túc pháp luật. Thể chế pháp quyền nhấn mạnh nguyên tắc mọi cơ quan nhà nước phải được đặt dưới pháp luật. Cả hai đều yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt pháp luật, đấu tranh chống tình trạng vi phạm pháp luật và coi trọng hệ thống định chế tư pháp để xét xử các hành vi vi phạm.

Trong việc bảo đảm quyền công dân và nhân quyền thì thể chế pháp quyền, một mặt, nhấn mạnh vai trò và nghĩa vụ của hệ thống hành pháp, tư pháp nhiều hơn là nhấn mạnh vai trò của cơ quan lập pháp như trong pháp chế XHCN, bảo đảm sự phản biện của người dân với tư cách là “đối trọng” không thể thay thế, trước những qui định không công bằng của Nhà nước. Chỉ như vậy mới “bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để Nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét