Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Gần đây, có nhiều dư luận trong nước và ở nước ngoài đưa ra quan điểm sai trái rằng: “Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm gần 50 năm rồi. Từ đó đến nay Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế. Nếu Việt Nam không có bất kỳ kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo luật quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc…”.Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi Biển Ðông là Hoàng Sa và Trường Sa. Ðây là hai quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc; là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.


Từ những tư liệu lịch sử trong nước và ở nước ngoài, chúng ta khẳng định rằng: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhiều tư liệu lịch sử quý giá

Từ nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa” (lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi) ra quần đảo Hoàng Sa (với khoảng thời gian từ sáu đến tám tháng mỗi năm) để thu lượm hàng hóa trôi dạt trên biển, đánh bắt hải sản quý hiếm; đồng thời, đo vẽ sơ đồ, hải trình, trồng cây và dựng mốc trên quần đảo.

Cũng với nhiệm vụ này, cho đến thế kỷ 19, nhà Nguyễn đã tổ chức thêm “đội Bắc Hải” (lấy người thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận) để tiến ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thực hiện các hành động chủ quyền tại đây. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, địa danh quần đảo Hoàng Sa liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Ðiều đó chứng tỏ ngay từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là lãnh thổ vô chủ và có thể nói là quốc gia duy nhất thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.

Thực tế này được chứng minh trong nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Ðỗ Bá, tự Công Ðạo sưu tập, biên soạn và hoàn thành năm 1686; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn (1776); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Ðại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Ðại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Việt sử cương giám khảo lược (1876), Ðại Nam nhất thống chí (1882); Dư địa chí Khâm định Ðại Nam Hội điển sự lệ (1910); Hải ngoại kỷ sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Ðại Sán; Quốc triều chính biên toát yếu (1910), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838), Ðại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ chính thức của triều Minh Mạng) (1838)...

Ðặc biệt, bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, tại Bỉ, trong đó, vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.Năm 1988, khi Gạc Ma bị xâm chiếm bằng vũ lực, chính quyền Việt Nam đã liên tục ra các văn bản phản đối hành vi bất hợp pháp này. Chúng ta đã ban hành rất nhiều công hàm tại Liên hợp quốc cũng như các tuyên bố liên tục hằng năm để tiếp tục phản đối hành vi xâm phạm trái phép này.

Như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động duy trì chủ quyền của mình với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, dù một phần máu thịt ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Các hoạt động khẳng định và thực thi chủ quyền ấy bao gồm đủ cả yếu tố vật chất, lẫn tinh thần, là hai yếu tố cần và đủ trong Công pháp quốc tế.

Và vì thế, không có chuyện là chủ quyền của chúng ta sẽ bị mất, mà ngược lại, hành động xâm chiếm bất hợp pháp bằng vũ lực thì sẽ mãi mãi không được công nhận chủ quyền cho dù bên xâm chiếm đang kiểm soát phần lãnh thổ đó.

Ðối với việc kiện đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế, để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tòa án quốc tế bao gồm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chỉ có thẩm quyền xét xử nếu tất cả các bên đồng thuận trong việc đưa tranh chấp ra tòa án để giải quyết, mà Trung Quốc thì luôn luôn từ chối việc đưa ra tòa án xét xử. Chính vì vậy, việc khởi kiện về chủ quyền chưa thể thực hiện được.

Từ những phân tích trên cho thấy, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời, Việt Nam là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu thật sự và quản lý hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét