Lâu nay, chúng ta nghe nhiều
đến vấn nạn hàng giả, với đầy đủ các chiêu trò, phương cách sản xuất, tiêu thụ
đầy mánh khóe dối lừa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Nói đến hàng giả thì nhiều
người nghe nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận biết, nên đôi khi vẫn bị “mắc
bẫy” như thường. Hàng hóa là như vậy, còn người giả thì có không, nhận biết ra
sao, phòng, chống cách nào? Thực ra, người giả là có thật, cả theo nghĩa đen và
nghĩa bóng. Ví như xưa nay chúng ta quen với tên gọi bù nhìn, để chỉ những
người giả được làm bằng rơm, mặc áo mưa và đội nón, hai tay giang rộng, phe
phẩy tờ giấy, mảnh nilon trong gió nhằm xua đuổi chim chóc, chuột bọ phá hoại
mùa màng. Bù nhìn thường được đặt ở các cánh đồng, có ích thực sự đối với bà
con nông dân tự bao đời nay.
Một loại người giả khác cũng
có ích, đó là ma-nơ-canh, thường được làm bằng gỗ, chất dẻo,... dùng để mặc
quần áo, đội tóc làm mẫu tại các cửa hàng may mặc, thời trang, làm tóc,... cho
người mua dễ hình dung, cảm nhận được kiểu dáng, hình thức của trang phục, mẫu
tóc trước khi đưa ra quyết định.
Trong xã hội, còn có nhiều
loại người giả có ích khác, như búp bê, tượng, hình nộm, hình nhân... Những
loại người giả này đều có tác dụng ở một phạm vi nhất định nào đó, như làm đồ
chơi, đe dọa kẻ xấu, “làm bạn” với con người, trưng bày để thu hút du khách, hỗ
trợ thực hành trong giáo dục, nhất là đối với ngành y... Điểm chung nhất của
những người giả theo nghĩa đen này đó là có bề ngoài giống người thật, nhưng
bên trong không phải thật, dù có những người giả trông như thật khiến công
chúng thoạt nhìn dễ nhầm lẫn.
Ấy là những người giả theo
nghĩa đen thuần túy. Nhưng trong xã hội từ lâu đã xuất hiện, tồn tại người giả
theo nghĩa bóng, nghĩa là những người giả trong ngoặc kép. Thực ra, hạng người
này cũng khá phổ biến, nhưng chưa được nhận diện, gọi tên đúng với sự tai hại
mà họ tồn tại, hoạt động. “Người giả” dạng này cũng có nhiều đặc tính giống như
hàng giả, người giả, cũng đa dạng “hình thù”, kiểu dáng, nhưng tác hại, hậu quả,
sự tàn phá thì khôn lường. Dạng “người giả” này thường xuất hiện ở đâu đó, với
những tên gọi khác, được “sinh sôi”, tồn tại, tác oai tác quái, hoành hành khi
các nhóm lợi ích, bè phái, cục bộ, tư lợi cá nhân, hãm hại người tài, người dám
có ý kiến trái chiều, đấu tranh vì lẽ phải,... xuất hiện.
“Người giả” cũng có thể xuất
hiện khi ở đâu đó có tình trạng con ông cháu cha; những nơi tồn tại tệ mua
quan, bán chức; xuất hiện những đường dây chạy biên chế, công chức; những sự
nâng đỡ không trong sáng... Để rồi, những “người giả” không được đặt đúng vị
trí việc làm, đúng những chiếc ghế họ ngồi, đứng chức trách họ gánh vác. Khi
“được” mặc những chiếc áo quá rộng, gánh những việc quá sức, “người giả” có thể
không cáng đáng nổi công việc, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận được giao,
thậm chí còn ganh ghét, hiềm tỵ, cản đường, chống phá những người khác làm việc
có chất lượng, hiệu quả hơn, có đạo đức, lối sống chuẩn mực hơn, biết đặt lợi
ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Tất nhiên, cũng có những
“người giả” thực sự chỉ là người giả kiểu bù nhìn, hoặc là hàng giả kém chất
lượng. Khi những “người giả” còn tồn tại, lộng hành, tác oai tác quái,... sẽ
dẫn đến sự triệt tiêu động lực phấn đấu của nhiều người thực tài, kìm hãm, thậm
chí kéo lùi sự phát triển; sẽ khiến cơ quan, đơn vị, nhìn rộng ra là cả xã hội,
đất nước khó phát triển một cách công bằng, năng động, sáng tạo, vững bền. Nếu
xã hội còn thờ ơ với những mối họa từ “người giả”, e rằng nguy cơ phai nhạt
niềm tin, sự thối chí, bàng quan, chùn bước trước cái xấu, cái tiêu cực, cái
“chướng tai gai mắt” sẽ còn diễn ra. Thế nên, đấu tranh chống “người giả” còn
quan trọng, cấp bách hơn cuộc chiến với hàng giả./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét