Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Nguy hiểm từ nhận thức “không làm thì không sai”

 


Hiện tượng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không phải là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả một số bộ, ngành Trung ương. Tâm lý sợ sai thể hiện rõ trong giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đã được báo chí phản ánh.

Tâm lý sợ sai từ những lĩnh vực nhạy cảm có dấu hiệu lan rộng sang nhiều lĩnh vực, thậm chí xuất hiện hiện tượng né việc, cán bộ không muốn ký bất cứ văn bản nào.

 Đặc biệt, cán bộ trong quá trình luân chuyển công tác càng có biểu hiện ngại việc, có tâm lý thủ thế, tránh sai sót, để chờ hết thời gian luân chuyển. Có đơn vị phản ánh họ rất nản lòng với một vị cán bộ thuộc diện này, bởi bất cứ văn bản nào trình lên cũng bị vị cán bộ này hỏi ngược lại rằng: “Tôi có đủ thẩm quyền ký không?”, rồi lưu văn bản đó lại để nghiên cứu, gây ách tắc công việc, mặc dù những văn bản trên hoàn toàn đúng thẩm quyền và theo thông lệ thường kỳ.  

Điều này làm trì trệ và chậm trễ nền công vụ, bào mòn và giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế-xã hội; cản trở nguồn lực và động lực phát triển, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Đáng lo ngại là đang có lối nghĩ khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, công chức là "không làm thì không sai". Đây là dấu hiệu "tự diễn biến" trong tư tưởng chính trị của cán bộ, công chức, gây cản trở nghiêm trọng tới kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung của đất nước.

Thực tế diễn biến tư tưởng này cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang phân tách việc vi phạm kỷ luật với vi phạm pháp luật. Họ cho rằng vi phạm kỷ luật công vụ thì bị kỷ luật đảng (với các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ), kỷ luật hành chính với các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm (đối với cán bộ) hay khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc (đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), hoặc là khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý). Nhưng nếu vi phạm pháp luật thì cán bộ, công chức có thể sẽ phải chịu án hình sự, có thể phải ngồi tù.    

Đổ lỗi cho việc sợ sai phạm pháp luật để né việc, đùn đẩy trách nhiệm chỉ là một cách ngụy biện, bởi thực tế, cùng quy định pháp luật, cùng cơ chế nhưng một số địa phương vẫn thực hiện tốt đầu tư công, tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, cán bộ vẫn năng động, sáng tạo, dám làm và làm tốt. Do đó, không thể đổ lỗi hoàn toàn do vướng mắc về quy định, cơ chế để không thực thi công vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét