Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN TRONG BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ HIỆN NAY

 

Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay, bối cảnh chính trị quốc tế đã có những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, đặt ra những thách thức lớn và phức tạp đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, cũng như đối với các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới trong việc nhận thức và thực hành chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong thời đại mới.

Một là, nhận thức và hành động trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực, phong trào cộng sản và chủ nghĩa quốc tế rơi vào thoái trào, phân liệt, khủng hoảng sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu - thành trì của chủ nghĩa xã hội, trung tâm đoàn kết, tập hợp lực lượng và phối hợp hành động của cách mạng thế giới, đồng thời là chỗ dựa tinh thần và vật chất to lớn của phong trào cộng sản và chủ nghĩa quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội thế giới đã sụp đổ. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, phong trào cộng sản và chủ nghĩa quốc tế, phong trào tiến bộ trên thế giới đã mất đi điểm tựa chính trị và tinh thần, cũng như mất đi sự trợ giúp vật chất to lớn, trực tiếp và hiệu quả. Bi kịch này dẫn tới những khó khăn và thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Phong trào cộng sản nói chung cũng như của nhận thức luận và hành động theo tinh thần của chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân nói riêng.

Hai là, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới bước vào một thời kỳ mới với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trở thành xu thế lớn trong đời sống chính trị quốc tế. Sự chia rẽ, phân cực, phân tuyến, thậm chí đối đầu giữa các quốc gia như trong thời kỳ chiến tranh lạnh không còn và không phù hợp với bối cảnh mới, biểu hiện bề ngoài của đấu tranh giai cấp không còn rõ ràng mà đã bị lu mờ. Yếu tố ý thức hệ, tư tưởng và thể chế chính trị không còn là nhân tố then chốt chi phối quyết định việc tập hợp lực lượng và xây dựng đối tác trong quan hệ quốc tế, mà thay vào đó sự tương đồng, gắn kết và chia sẻ về lợi ích trở thành cơ sở quan trọng nhất để lựa chọn và xây dựng các mối quan hệ song phương cũng như đa phương. Hơn nữa, thế giới ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu không một quốc gia, dân tộc nào có thể tự mình giải quyết được mà đòi hỏi sự chung tay phối hợp, hợp tác của tất cả các nước, của toàn thể cộng đồng quốc tế. Theo đó, xu thế lớn của quan hệ quốc tế ngày nay là các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, giàu nghèo, lớn nhỏ vừa hợp tác vừa cạnh tranh và cùng tồn tại hòa bình. Điều này đặt ra những khó khăn đối với việc nhận thức và thực hành chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

Ba là, tiến trình toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa kinh tế dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra ngày càng sâu rộng, tác động đến mọi quốc gia, dân tộc. Nó tạo nên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, khu vực ngày càng chặt chẽ và sâu sắc. Trong thế giới toàn cầu hóa đang diễn ra, cuộc đua sức mạnh kinh tế trở thành một trong những yếu tố quyết định sức mạnh tổng hợp quốc gia và định vị vị thế mỗi quốc gia trong trật tự thế giới mới. Vì vậy, hội nhập quốc tế, tham gia vào hợp tác và cạnh tranh kinh tế trở thành một lựa chọn khách quan, khả dĩ và tất yếu của hầu hết các quốc gia trên con đường tìm kiếm cơ hội phát triển và kiến tạo sự thịnh vượng cho dân tộc. Trong bối cảnh như vậy, lợi ích quốc gia, dân tộc trở thành động lực, mục tiêu và nguyên tắc nổi bật, thậm chí là tối thượng trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của các quốc gia, dân tộc, đồng thời nó cũng chi phối sự vận động và phát triển của các mối quan hệ quốc tế trong thế giới ngày nay. Điều này đặt ra những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và khó khăn trong việc xử lý mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, giữa lợi ích quốc gia với trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế. Hơn nữa, trước sự chi phối của lợi ích quốc gia, dân tộc trong môi trường hợp tác và cạnh tranh ngày càng gay gắt như vậy, tất yếu nảy sinh ngày càng nhiều những khác biệt, va chạm, cọ xát, thậm chí là mâu thuẫn, xung đột về mặt lợi ích cục bộ cũng như lợi ích chiến lược giữa các nước xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản cầm quyền cũng như giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước. Điều này dễ tạo ra xu hướng ly tâm, chia rẽ, biệt phái trong phong trào cộng sản và chủ nghĩa quốc tế, nhất là giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Bối cảnh quốc tế như vậy đã thách thức trực tiếp cả về mặt nhận thức luận cũng như việc thực hành chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

Bốn là, sự biến đổi nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế - xã hội thế giới dưới tác động của toàn cầu hóa kinh tế, cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức, một mặt đã phần nào làm nhạt nhòa ranh giới giữa các giai cấp, tầng lớp, mặt khác đã làm cho sự phân hóa giàu nghèo, phân hóa giai cấp và phân tầng xã hội diễn ra sâu sắc. Ngay bản thân giai cấp công nhân cũng phân hóa rất sâu sắc và phức tạp trong mỗi nước cũng như giữa các nước, các khu vực khác nhau. Trong khi công nhân truyền thống có xu hướng ngày càng ít đi ở các nước phát triển thì đội ngũ này nhiều lên ở các nước đang phát triển cùng với tiến trình công nghiệp hóa. Trong bản thân mỗi quốc gia thì đội ngũ công nhân - trí thức, người lao động có kỹ năng, tay nghề cao cũng ngày càng gia tăng so với công nhân trực tiếp sản xuất. Điều này làm cho sự thống nhất lợi ích và đoàn kết hành động của giai cấp công nhân trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Trước bối cảnh quốc tế như trên, nhiều người hoài nghi về sự tồn tại của chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, cho rằng nó không còn phù hợp, thậm chí coi đó là một điều xa xỉ trong chính trị và quan hệ quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, lý luận và lịch sử đã cho thấy, nhận thức và thực hành chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là xu hướng hành động tất yếu, khách quan của các đảng cộng sản và công nhân chân chính trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy vậy, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân có thể và cần phải được thể hiện dưới những hình thức, nội dung và sắc thái mới, phong phú, đa dạng và linh hoạt hơn, đồng thời nó cũng cần được nhận thức lại để phản ánh đúng đắn hơn với tinh thần của chủ nghĩa Mác và để phù hợp hơn, thích ứng hơn với bối cảnh mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét