Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Sức sống trường tồn của lý luận Mác-xít

 


Lịch sử hơn 100 năm từ khi đất nước chìm trong bóng đêm nô lệ đến nay đã hoàn toàn đủ cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để chứng minh tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn và sự trường tồn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dưới ách đô hộ của thực dân, đế quốc, dân tộc ta khi đó không thiếu những anh hùng, không thiếu những cuộc khởi nghĩa, phong trào cách mạng với mong muốn giải phóng dân tộc. Nhưng tựu trung, tất cả đều thất bại vì không có đường lối đúng, không có lý luận dẫn đường. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh tiếp cận, thấy được ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu, có được hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa vào cách mạng Việt Nam, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Nhưng đó là một hành trình tiếp thu lý luận, đưa lý luận vào thực tiễn không hề đơn giản, không hề có sẵn. Người chiến sĩ cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã phải nếm mật nằm gai, tắm mình trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, tận mắt chứng kiến những đọa đầy đau khổ nhất của kiếp cần lao, tiếp cận được với ánh sáng chân trời từ Chủ nghĩa Mác-Lênin mới đưa lại sự thành công đó. Chính Mác, Ăngghen, Lênin, những chiến sĩ cộng sản của phong trào công nhân quốc tế đã phải lăn lộn, chịu biết bao khổ cực trong phong trào công nhân, trong thảm cảnh bị đàn áp, bóc lột đến tận xương, tận tủy mới đúc rút được hệ tư tưởng lý luận có ý nghĩa vạch thời đại ấy. Nó hoàn toàn không là lý thuyết sách vở, kinh viện mà thấm đẫm hiện thực. Và luận giải như Các Mác, lý luận ấy đã biến thành lực lượng vật chất chứ không chỉ là lý luận đơn thuần. Mác đã rút ra rằng: "Lực lượng vật chất chỉ có thể đánh bại bởi lực lượng vật chất, nhưng một khi lý luận đã được thấm sâu vào quần chúng thì nó sẽ trở thành lực lượng vật chất vô địch".

Chỉ những người không hiểu biết thấu đáo mới tìm cách đổ lỗi, cho rằng hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là do Chủ nghĩa Mác-Lênin sai lầm, là không phù hợp, rồi vin vào đó để cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Thực tế không phải như vậy. Chính điều này đã chứng minh, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản, đảng viên ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã coi thường lý luận Mác-Lênin, tiếp thu giáo điều, nửa vời, xa rời những nguyên tắc căn bản của lý luận Mác-Lênin, nhất là những nguyên tắc lịch sử-cụ thể, nguyên tắc thực tiễn và sự thiếu thích ứng với những thay đổi thường xuyên của đời sống chính trị-xã hội đã dẫn đến sự sụp đổ đau đớn đó. Những lãnh đạo, đảng viên làm băng hoại một chế độ tốt đẹp ấy sẽ luôn bị lịch sử điểm tên. Một mô hình nhà nước cụ thể không toàn vẹn do áp dụng không đúng lý luận mác-xít về nhà nước, về xây dựng chế độ, về đảng cầm quyền chứ không phải là sự sai lầm của một học thuyết khoa học, không phải sai lầm của lý luận mác-xít. Cũng chính sự kiện đó đã là lời cảnh tỉnh xương máu cho tất cả chúng ta. Những CB, ĐV hôm nay trong sự nghiệp bảo vệ thành trì XHCN nếu coi thường, xa rời bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, nếu vận dụng nó một cách máy móc, nếu không chịu tìm tòi, nghiên cứu, đúc rút, tổng kết và phát triển hệ lý luận ấy cho phù hợp với sự vận động không ngừng của thực tiễn thì rất dễ dẫn đến phải trả giá bằng sự thất bại. Cho đến hôm nay, các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân-yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Những CB, ĐV chân chính, những người dân đã được hưởng thành quả, điều tốt đẹp của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu vẫn luôn tiếc nuối, hoài niệm về một xã hội tốt đẹp, thực sự vì con người. Họ đã cảm nhận rõ hơn ai hết những giá trị nhân văn về quyền con người, về sự đáp ứng các nhu cầu chính đáng cả vật chất, tinh thần mà chế độ XHCN mang lại. Sức sống của lý luận mác-xít vẫn đang chứng minh tính cách mạng và khoa học, tính thời đại và tương lai ở các nước XHCN đang theo hệ lý luận, tư tưởng ấy. Đó là các nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Cuba... PGS, TS Trần Đình Huỳnh cho rằng, phải luôn luôn bảo vệ “đầu não” và “trái tim” của Đảng theo tư tưởng của Các Mác. “Đầu não” ở đây được hiểu chính là lý luận, là ánh sáng chỉ đường của Đảng; còn bảo vệ “trái tim” của Đảng chính là giữ cho mỗi đảng viên, mỗi người làm cách mạng luôn giữ được sự nhiệt tình, tâm huyết, giữ được động cơ vì cách mạng, nhân dân.

Nhân loại tiến bộ luôn ghi nhận đóng góp vĩ đại của Các Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh... những người đã đặt nền tảng và vận dụng nó vào trong thực tiễn cho sự ra đời của một chế độ nhà nước XHCN tiến bộ, thực sự vì con người. Ngày nay, các nhà lý luận Mác-xít vẫn được đánh giá là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử loài người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét