Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

LẤY ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG LÀM THƯỚC ĐO ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ LÀ HOÀN TOÀN ĐÚNG

 

Trên trang mạng gần đây xuất hiện bài viết “Lấy đạo đức, lối sống làm thước đo đánh giá cán bộ là phi thực tế” của một người khác chính kiến nhằm phủ nhận vấn đề đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tác giả viết: “Bây giờ Bộ Nội vụ lại nhắc lấy đạo đức, lối sống của cán bộ làm thước đo đánh giá cán bộ liệu cách này có hiệu quả trong việc phòng ngừa tham nhũng”. “Những quy định về đạo đức cán bộ chỉ là mị dân”. “Những quy định về đạo đức đảng viên này được đặt ra là để người dân nhìn vào thì thấy cũng cố gắng chống tiêu cực. Nhưng thực tế đó là mị dân”. “Trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã để lại một sự bưng bít”…

 

Những lời nêu trên là phi thực tế. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy đạo đức, lối sống làm thước đo đánh giá cán bộ là hoàn toàn đúng. Nó rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa tham nhũng, chống tiêu cực. Nó hoàn toàn không mị dân như những người khác chính kiến viết. Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng nhấn mạnh đến một vấn đề rất quan trọng:

 

“Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”1.

 

Đạo đức cách mạng (còn gọi là đạo đức cộng sản chủ nghĩa, đạo đức xã hội chủ nghĩa) là hình thái của ý thức xã hội và thực tiễn xã hội. Chức năng cơ bản của đạo đức cách mạng là bảo đảm năng lực hoạt động có tính chất lịch sử của xã hội; phối hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, điều chỉnh về mặt xã hội những hành vi của cá nhân. Với tính cách là hình thái của ý thức, đạo đức cách mạng là biểu hiện của những nguyên tắc, tiêu chuẩn, giá trị đạo đức, quy tắc hành xử, tâm lý và những nhu cầu về tình cảm, phẩm chất. Điều quyết định khả năng và đặc thù của việc điều chỉnh đạo đức là sự quyết định khách quan hành động của con người có tính chất lựa chọn, chứ không phải là cứng nhắc một chiều, nó cho phép cá nhân được lựa chọn tương đối tự do trong việc xử thế nào đó trong từng trường hợp cụ thể và do đó làm nảy sinh tinh thần trách nhiệm đối với sự lựa chọn đó, lòng mong muốn làm cho sự lựa chọn đó phù hợp với các yêu cầu của giá trị đạo đức. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đạo đức cách mạng là sự thể hiện đầy đủ nhất những khuynh hướng tiến bộ của sự phát triển đạo đức xã hội loài người.

 

Đạo đức nói chung là những phép tắc căn cứ vào chế độ xã hội đặt ra để quy định quan hệ giữa người và người, giữa cá nhân và xã hội nhằm bảo vệ chế độ xã hội.

 

Đạo đức cách mạng là một trong những biểu hiện cao nhất của sự thông nhất tư tưởng – chính trị của đạo đức xã hội, của sự vận động tiến đến sự đồng nhất của xã hội, thể hiện lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, tình yêu Tổ quốc, nói lên sự thống nhất vốn có của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, giữa giáo dục về đạo đức cách mạng và giáo dục tư tưởng.

 

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một biểu hiện của đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng thể hiện rõ rệt chủ nghĩa nhân đạo cao cả của những lý tưởng cách mạng; ở sự hài hòa giữa đạo đức và cái đẹp, giữa văn hóa và cách ứng giữa con người với con người.

 

Chủ nghĩa xã hội được hiện thực, củng với sự củng cố thêm giá trị cuộc sống làm cho giá trị yếu tố đạo đức trong đời sống xã hội tăng lên rất nhiều. Ý thức coi lợi ích xã hội cũng là lợi ích riêng của mình, sự hòa đồng giữa lợi ích riêng của bản thân với lợi ích xã hội, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tập thể và những phẩm chất khác mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã giáo dục cho những công dân Việt Nam đều được thể hiện trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Quan hệ giữa lãnh đạo và người thi hành nhiệm vụ không chỉ đơn thuần mang nội dung tổ chức – hành chính mà còn mang cả nội dung đạo đức cách mạng.

 

Sự kích thích lao động bằng đạo đức cách mạng có tác dụng to lớn làm tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, là tác nhân kích thích vật chất và tinh thần, có một ý nghĩa đạo đức cách mạng to lớn, cải thiện bầu không khí tâm lý – đạo đức trong lao động sản xuất.

 

Chủ nghĩa xã hội trưởng thành có đặc điểm là những yếu tố đạo đức cách mạng phát triển không những trong lao động mà cả trong mọi lĩnh vực sinh hoạt khác của con người và trong đời sống xã hội.

 

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, xét về cơ sở và nội dung chủ yếu, thì đạo đức và pháp luật có những nhiệm vụ xã hội hoàn toàn giống nhau. Điều đó có nghĩa các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng và các trừng phạt về mặt pháp luật đều có những kết quả giáo dục đạo đức cách mạng to lớn. Việc điều chỉnh mối quan hệ giữa người và người về mặt đạo đức cách mạng lại có ảnh hưởng to lớn đến sự tuân thủ của con người đối với các quy định của pháp luật.

 

Một nhân tố quan trọng trong đạo đức cán bộ, đảng viên là khẳng định vị trí lãnh đạo, vài trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội.

 

Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”2 cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì người tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

 

Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.

 

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng.

 

Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm phản đạo đức, phi đạo đức, phi nhân tính.

 

Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cách mạng, đấu tranh kiên quyết với những người đối lập lại đạo đức cách mạng, nhằm loại trừ những tàn dư xấu xa của quá khứ thù địch với chủ nghĩa xã hội nhiều khi còn tồn tại trong cuộc sống như tệ hối lộ, tệ tham nhũng, tiêu cực, muốn bòn rút nhiều hơn của xã hội mà không đóng góp gì cho xã hội, gây lãng phí thất thoát cho Nhà nước, vi phạm pháp luật và kỷ luật lao động.

 

Tóm lại, đạo dức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

 

“Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”3.

 

Khi nói về vấn đề đạo đức cách mạng thì không thể không nói đến vấn đề nhân tài. Đức và tài phải đi đôi với nhau, không thể tách rời nhau. Người có đức mà không có tài chẳng khác gì ông bụt mọc ở trong chùa, người có tài mà không có đức, nhiều khi sẽ là “tài phá”. Giữa đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều đến đạo đức cách mạng, coi đạo đức cách mạng là điều chủ chốt nhất, nhưng theo Người, tài cũng là quan trọng, có đức thì phải có tài, người đó mới trở nên hoàn hảo. Người nói: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”4.

 

Trên đây là những vấn đề cơ bản của đạo đức cách mạng mà cán bộ, đảng viên cần phải có. Những người phủ nhận đạo đức cách mạng, cho những quy định về đạo đức cách mạng chỉ là mị dân là những người đi ngược lại với thực tế đời sống đạo đức xã hội, cần phải trao đổi lại cho ra lý ra lẽ./.

St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét