Trong 80 năm qua, với lý tưởng, hoài bão cao đẹp, các thế hệ cán bộ, chiến
sĩ Quân đội ta đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, cống hiến tâm huyết, sức
lực, tài năng, trí tuệ cho đất nước, dân tộc. Tinh thần dấn thân, cống hiến,
sáng tạo đã trở thành một trong những giá trị tiêu biểu trong nhân cách Bộ đội
Cụ Hồ.
Dấn thân, sáng tạo, làm nên những chiến công hiển hách
Quân đội ta do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn
luyện; là Quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Sở
hữu danh xưng cao quý Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân trao tặng, mỗi cán bộ, chiến
sĩ Quân đội hội tụ trong mình những phẩm chất cao quý của người quân nhân cách
mạng, đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; phẩm chất
đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị; có lòng dũng cảm, tinh thần
trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; có ý thức tổ chức kỷ luật
tốt, tác phong chính quy; gắn bó máu thịt với nhân dân; có tinh thần quốc tế
cao cả. Không chỉ vậy, một trong những biểu hiện đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ là
tinh thần dấn thân, cống hiến, sáng tạo, góp phần cống hiến tài năng, trí tuệ,
công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Cống hiến là sự tự nguyện trao đi những điều có giá trị của bản thân vì lợi
ích chung của tập thể, cộng đồng, xã hội. Đó là một sự lựa chọn cách sống dựa
trên cơ sở thấm nhuần lý tưởng tốt đẹp. Đối với chủ thể cống hiến, điều nhận
lại chính là niềm vui, niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn tinh thần khi được đóng góp
giá trị của bản thân vào sự nghiệp chung.
Dấn thân nghĩa là luôn nỗ lực hết mình, dám đương đầu với những khó khăn,
thách thức, không ngại gian khổ, hiểm nguy. Cuộc sống luôn vận động, chúng ta
sẽ thụt lùi nếu chỉ sống với những điều nhàm chán, những hành động diễn ra hằng
ngày mà không có mục đích, lý tưởng. Sự sáng tạo sẽ là bước đệm giúp chúng ta
tỏa sáng, khai thác được mọi khả năng tiềm tàng của mình, hiểu được chính bản
thân mình, từ đó góp phần hoàn thiện nhân cách.
Thấm nhuần lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, nêu cao tinh thần “dĩ công
vi thượng” của người cộng sản, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn sẵn sàng, tự
nguyện chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
Tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã góp phần
làm nên truyền thống cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện cô đọng
trong lời tuyên dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng,
hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ
nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù
nào cũng đánh thắng”.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, các thế hệ cha anh đã không tiếc máu
xương, tuổi trẻ, chiến đấu và hy sinh để giành độc lập, tự do, thống nhất cho
Tổ quốc. Cùng với hành trình đấu tranh cách mạng gian khổ của Đảng, của dân
tộc, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã ngã xuống cho Tổ quốc được hòa bình. Để
đánh thắng các loại vũ khí, trang bị hiện đại của địch, trong điều kiện còn hết
sức khó khăn, thiếu thốn, những người lính Cụ Hồ đã sáng tạo ra rất nhiều vũ
khí và cách đánh để đối phó với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của kẻ
thù. Hoặc có những sáng kiến như bếp Hoàng Cầm che mắt quân địch khi nấu ăn,
sáng kiến dùng hầm chông, hố đinh, dùng ong vò vẽ đánh giặc. Điển hình cho tinh
thần sáng tạo là trong cuộc đối đầu với máy bay B-52 của giặc Mỹ trên bầu trời
Hà Nội, lực lượng phòng không của ta đã sáng tạo ra những cách đánh hiệu quả,
bắn cháy "siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm" của quân thù. Rất nhiều
vũ khí thô sơ, tự chế, rất nhiều vũ khí do ta thu được của địch được cải tiến,
trở thành vũ khí đánh địch, diệt địch hiệu quả.
Tiếp tục xông pha, nỗ lực cống hiến vì Tổ quốc và nhân dân
Trong thời bình, tinh thần cống hiến tiếp tục được thế hệ cán bộ, chiến sĩ
Quân đội hôm nay tiếp nối. Trên khắp các vùng biên cương, hải đảo, cán bộ,
chiến sĩ Quân đội vẫn luôn vững vàng tay súng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng
của Tổ quốc. Khi đất nước gặp thiên tai, dịch bệnh, những người lính Cụ Hồ lại
không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, xông pha tới những nơi khó khăn, nguy hiểm
nhất để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Sự hy sinh, cống hiến
của cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã được các tầng lớp nhân dân hết lòng biết ơn,
trân trọng.
Nhờ tinh thần đổi mới, sáng tạo mà hằng năm, toàn quân có hàng nghìn sáng
kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng mang lại hiệu quả trong huấn luyện, diễn
tập và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Nổi bật trong đó phải kể đến Phong trào
“Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”, với nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả
các lĩnh vực, trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn của
tổ chức đoàn nói riêng và đoàn viên, thanh niên trong Quân đội nói chung, góp
phần khơi dậy, thúc đẩy tinh thần sáng tạo của cán bộ, sĩ quan trẻ và chiến sĩ
toàn quân, đặc biệt là trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, góp phần tích cực
vào quá trình hiện đại hóa Quân đội.
Có thể khẳng định rằng, trong 80 năm qua, với lý tưởng, hoài bão cao đẹp,
các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã không quản ngại hy sinh, gian khổ,
cống hiến tâm huyết, sức lực, tài năng, trí tuệ cho đất nước, dân tộc. Tinh
thần dấn thân, cống hiến, sáng tạo đã trở thành một trong những giá trị tiêu
biểu trong nhân cách, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới,
khu vực diễn biến phức tạp. Công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách mới.
Nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,
hiện đại đã và đang đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân những nhiệm vụ, trọng
trách nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Hơn lúc nào hết, tinh thần dấn thân, cống
hiến, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần được phát huy cao độ, góp
phần làm ngời sáng truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Việc quan trọng hàng đầu là tiếp tục chăm lo công tác giáo dục chính trị tư
tưởng, xây dựng lý tưởng, hoài bão, tình cảm cách mạng cho mọi quân nhân. Tinh
thần dấn thân, cống hiến, sáng tạo của người lính được tạo nên trước hết bởi sự
thấm nhuần lý tưởng cách mạng; biến lý tưởng của Đảng, của dân tộc thành lý
tưởng cá nhân, từ đó định hướng sự phát triển nhận thức, tình cảm của cá nhân
một cách đúng đắn. Chỉ khi mỗi người lính biết thấu hiểu, tin tưởng vào con
đường cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng; biết trân trọng, yêu quý truyền
thống cách mạng của Đảng, của dân tộc; biết cảm thấy vinh dự, tự hào khi được
khoác trên mình quân phục Bộ đội Cụ Hồ thì họ mới sẵn sàng hy sinh, cống hiến;
sẵn sàng hiến dâng tâm huyết, trí tuệ, sức lực của mình cho Quân đội và đất
nước.
Cùng với đó, cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần phải xác định việc xây dựng
tinh thần dấn thân, cống hiến, sáng tạo cho mọi quân nhân là trách nhiệm chính
trị của mình. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của bản thân,
mỗi cán bộ cần nêu cao gương mẫu, thực sự là tấm gương về tinh thần cống hiến,
hy sinh, tận tụy, hết mình vì nhiệm vụ, vì tập thể đơn vị, đổi mới, sáng tạo
trong phương pháp, tác phong công tác để cấp dưới học tập, noi theo. Các tổ
chức đoàn, hội đồng quân nhân cần phải phát huy tốt vai trò của mình trong việc
tập hợp, tổ chức, động viên cán bộ, đoàn viên, hội viên; phát huy dân chủ; tạo
dựng môi trường, điều kiện thuận lợi để mọi người được phát huy tài năng, trí
tuệ, sở trường, từ đó cống hiến, đóng góp xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về
mọi mặt.
Ý thức, tinh thần cống hiến là yếu tố nảy sinh từ nhận thức, tư tưởng, tình
cảm của mỗi người, thuộc về nội tại tinh thần; tính hiệu quả trong đổi mới,
sáng tạo phải xuất phát từ trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn của mỗi cá
nhân. Do đó, không thể xây dựng được tinh thần dấn thân, cống hiến, sáng tạo
cho bộ đội nếu chỉ quan tâm đến những giải pháp tác động từ các chủ thể bên
ngoài mà không quan tâm đến việc thúc đẩy ý thức tự giác, nhất là trong tu
dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tích cực học tập, trau
dồi kiến thức của bản thân mỗi quân nhân.
Nhằm khơi dậy và phát huy ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự bồi đắp
tinh thần dấn thân, cống hiến, sáng tạo của quân nhân, các cơ quan, đơn vị cần
chú trọng giáo dục, thuyết phục, động viên để mỗi quân nhân có động cơ phấn
đấu, tu dưỡng đúng đắn; thường xuyên quan tâm định hướng xu hướng phấn đấu của
mỗi người; hướng dẫn, giúp đỡ họ về phương pháp học tập, rèn luyện; tạo dựng
môi trường phù hợp để họ nêu cao ý thức tu dưỡng của bản thân thông qua các
phong trào thi đua và hoạt động thực tiễn sôi nổi, phong phú. Việc kết hợp giữa
những tác động khách quan và những nỗ lực chủ quan trong xây dựng, rèn luyện
tinh thần dấn thân, cống hiến, sáng tạo cho quân nhân phải là một quá trình
thống nhất, liên tục, qua đó góp phần tạo động lực xây dựng cơ quan, đơn vị
vững mạnh toàn diện; đồng thời giúp mỗi quân nhân không ngừng tiến bộ, trưởng
thành, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ luôn mang trong mình ý chí quyết chiến, quyết
thắng và tinh thần tiên phong, sáng tạo trên mọi lĩnh vực công tác./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét