Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phạm
trù trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học song để làm rõ sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân, trước hết phải hiểu rõ giai cấp công nhân là gì? C.Mác
và Ph.Ăngghen đã chỉ ra: “Vấn đề là ở chỗ tìm hiểu xem giai cấp vô sản thực ra
là gì, và phù hợp với tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm
gì về mặt lịch sử”[1].
Giai cấp
công nhân là giai cấp những người lao động hoạt động sản xuất trong các ngành
công nghiệp thuộc các trình độ kỹ thuật khác nhau, mà địa vị kinh tế - xã hội
tuỳ thuộc vào chế độ xã hội đương thời.
Trong quá trình nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dùng nhiều thuật ngữ khác
nhau để chỉ giai cấp công nhân như: giai cấp vô sản, giai cấp
lao động làm thuê, giai cấp công nhân, hay các thuật ngữ có nội dung hẹp hơn để
chỉ các loại công nhân trong các ngành khác nhau: công nhân nông nghiệp, công
nhân công nghiệp, công nhân cơ khí, công nhân khai khoáng… Cho dù các ông sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau song bản
chất chỉ là một - đều chỉ giai cấp vô sản hiện đại hay giai cấp công nhân. Trong
tác phẩm “Tình cảnh giai cấp lao động ở Anh”, Ph.Ăngghen đã viết: “tôi thường
dùng những từ: người lao động hoặc công nhân (working men) và người vô sản, giai
cấp công nhân, giai cấp không có của, giai cấp vô sản như những từ đồng nghĩa”[2].
C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chỉ ra hai tiêu chí để phân biệt giai cấp
công nhân với những người lao động khác: Thứ nhất, về nghề nghiệp. Giai cấp công nhân là
những lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính
chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hoá cao. Đây là tiêu chí cơ bản
xác định rõ môi trường lao động và phương thức lao động của họ
là các ngành công nghiệp có trình độ kỹ thuật khác nhau. Lực lượng
công nhân hiện đại gắn với nền đại công nghiệp ngày càng phát triển là bộ phận
cơ bản, hạt nhân của giai cấp công nhân. Hiện
nay, khoa học và công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ, làm cho lực lượng sản
xuất phát triển nhanh chóng với tính chất xã hội hoá ngày càng cao, cơ cấu của
nền sản xuất công nghiệp có sự thay đổi. Bên cạnh các ngành công
nghiệp truyền thống, đã xuất hiện ngày càng nhiều các ngành sản xuất và
dịch vụ mới. Cùng với công nhân của nền công nghiệp cơ khí, đã xuất hiện
công nhân của nền công nghiệp với trình độ kỹ thuật cao ở các dây chuyền sản
xuất tự động hoá, làm cho giai cấp công nhân cũng có sự phát triển mới về nghề
nghiệp. Những sự biến đổi đó không hề làm giảm giai cấp công nhân trong nền
kinh tế mà trái lại càng làm cho giai cấp công nhân tăng thêm cả về số lượng và
chất lượng. Bởi
vậy, những người lao động trong các ngành dịch vụ
mà phần lớn là dịch vụ công nghiệp vẫn là công nhân, xét về
tiêu chí nghề nghiệp. Thứ hai, về vị trí trong quan hệ sản xuất. Trong quan hệ sản xuất tư
bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân là những người lao động không có tư liệu sản
xuất, phải làm thuê, bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột
giá trị thặng dư, khiến cho những người công nhân trở thành giai cấp đối kháng
trực tiếp với giai cấp tư sản. C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Giai cấp tư sản, tức
là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện
đại - tức là giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm
được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản - cũng phát triển theo. Những công nhân ấy, buộc
phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hóa, tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng nào khác;
vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau”[3].
Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, hiện nay, giai cấp công nhân ngày càng được trí thức
hoá, nâng cao trình độ mọi mặt, đời sống của công nhân ở các
nước tư bản phát triển cũng được cải thiện so với
trước đây, một bộ phận công nhân đã có chút ít tư liệu sản
xuất, hoặc, có bộ phận công nhân có cổ phần trong xí nghiệp… Tuy nhiên, không có nghĩa địa vị của họ trong xã hội tư bản chủ nghĩa đã thay đổi, mà họ vẫn
là giai cấp lao động làm thuê cho giai cấp tư sản trong hoạt động sản xuất công
nghiệp. Trước kia công nhân bán sức lao động chân tay là
chủ yếu, thì nay họ bán cả lao động chân tay và lao động trí óc, thậm chí có bộ
phận chủ yếu bán sức lao động trí óc như những công nhân lao động
sản xuất ở những dây chuyền công nghệ cao, các lĩnh vực sáng chế, ứng dụng
sản xuất công nghiệp,
vì vậy, họ còn bị bóc lột giá trị thặng
dư bằng những hình thức tinh vi hơn.
Khác với giai cấp công nhân ở các nước tư bản
chủ nghĩa, giai cấp công nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa đã trở thành giai cấp
thống trị, giai cấp cầm quyền và lãnh đạo cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã
hội mới (mặc dù, ít nhiều
họ còn bị bóc lột, song về hình thức và mức độ không giống như công nhân trong
xã hội tư bản chủ nghĩa), họ đã trở
thành những người làm chủ những tư liệu sản xuất chủ yếu của nền sản xuất mới,
cùng với nhân dân lao động hợp tác, lao động cho chính mình. Vì vậy, trong chủ
nghĩa xã hội, giai cấp công nhân được xác định chủ yếu bằng tiêu chí nghề
nghiệp, còn tiêu chí thứ hai - địa vị trong quan hệ
sản xuất mới đã có sự thay đổi căn bản, họ đã được giải phóng khỏi quan hệ sản
xuất tư bản chủ nghĩa.
Cho đến nay, những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về hai
tiêu chí cơ bản của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là
cơ sở để luận giải và nhận diện giai cấp công nhân hiện nay.
Bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực
hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật,
tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân.
Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Chăm lo đời sống
vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”[4]. Rà
soát, bổ sung, sủa đổi, xây dựng các chính sách, pháp luật về lao động, việc
làm và đời sống vật chất, tinh thần; tập trung trước hết vào những chính sách
liên quan trực tiếp đến những vấn đề bức xúc đang đặt ra về việc làm và đời
sống của công nhân. Bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách để phát huy các
nguồn lực và trách nhiệm của cả Nhà nước, người sử dụng lao động, các tổ chức
chính trị - xã hội, của toàn xã hội và của công nhân trong việc chăm lo cải
thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân tương xứng với năng suất lao
động và những đóng góp của công nhân. Nhà nước có chính sách đầu tư cho các
tỉnh, thành phố để xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng cho công
nhân. Đại hội XIII, Đảng ta yêu cầu: “Đổi
mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu,
nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế”[5]. Tăng cường sự lãnh đạo của
các cấp ủy đảng trong xây dựng giai cấp công nhân. Khẩn trương xây dựng và lãnh
đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược về giai cấp công nhân gắn với chiến lược
phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh
tế quốc tế, bao gồm các chủ trương, chính sách lớn về đào tạo, trí thức hóa
công nhân; về vấn đề xuất khẩu lao động, kể cả ở các doanh nghiệp Việt Nam đầu
tư kinh doanh ở nước ngoài; vấn đề tạo nguồn để phát triển đảng và bồi dưỡng
đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, trong quản lý sản
xuất kinh doanh xuất thân từ công nhân; vấn đề nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của công nhân...
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 56.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 2, Nxb
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 328.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 605.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam,
Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1,
Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tr. 166.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tr. 166.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét