Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Mạng xã hội và góc nhìn của giới trẻ

Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng có được những phương tiện để truy cập internet. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu những thông tin hữu ích. Tuy nhiên, mạng xã hội của chúng ta chưa được quản lý triệt để, có rất nhiều “rác thải” thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách, lối sống của người tiếp cận thông tin. Đặc biệt một bộ phận giới trẻ hiện nay chưa phân biệt được hết cái tốt, cái xấu với bản tính tò mò, thích khám phá không phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là tin giả, tin sai sự thật đang dần xa rời những giá trị truyền thống của dân tộc và sa đà, lún sâu vào những suy nghĩ, hành vi sai trái, lệch lạc.

Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến đối với cuộc sống hàng ngày của hầu hết người dân Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng. Các mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Twitter, Tiktok, Instagram… đã trở thành nhu cầu tất yếu  tác động trực tiếp đến cuộc sống thực tế của người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Từ khi xuất hiện, mạng xã hội đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, xã hội. Mạng xã hội ngày càng được mở rộng, các hình thức giải trí trên mạng trở nên phong phú, đa dạng đã tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý và tình cảm của đại bộ phận giới trẻ. Bên cạnh việc tiếp cận những thông tin lành mạnh, không ít người đã trở thành các "anh hùng bàn phím" sử dụng các trang mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận giới trẻ, các thế lực phản động đã đưa ra các luận điệu sai trái, thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước bằng các chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, từ đó lôi kéo, hướng dư luận theo quan điểm sai trái, thù địch. Các đối tượng này đã lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, diễn đàn trực tuyến… để thực hiện việc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

 Tuy nhiên các hành vi bịa đặt, xuyên tạc, thông tin sai sự thật nhằm chống phá, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là vi phạm pháp luật và có đủ các chế tài pháp luật để xử lý. Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu Sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật; các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Để mọi người nhận thức được đâu là tin thật đâu là tin giả, tin xấu độc, bên cạnh các chế tài xử lý, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người sử dụng mạng xã hội. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, mỗi chúng ta cần nâng cao tinh thần trách nhiệm bằng cách sử dụng mạng xã hội đúng quy định và có văn hóa. Hãy thật thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái. Hơn ai hết, mỗi chúng ta cần đề cao tinh thần cảnh giác, nhận diện, vạch trần và kiên quyết đấu tranh phản bác các tin giả, tin sai sự thật, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét