Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

 


Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân một trong ba phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác. Nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là thực hiện sự chuyển biến cách mạng từ hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa sang hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Như vậy, thực chất nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi sự áp bức bóc lột, xây dựng xã hội cộng sản văn minh trên toàn thế giới. Ph.Ăng ghen đã viết: “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”[1]. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một quá trình kết hợp chặt chẽ và thống nhất biện chứng giữa xóa và xây (giữa cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới). Trong lịch sử, các cuộc cách mạng xã hội đều không xoá bỏ chế độ tư hữu và chỉ kết thúc khi chính quyền đã được chuyển từ tay giai cấp bóc lột cũ sang giai cấp bóc lột mới. Cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân thực hiện đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền, việc thiết lập được chuyên chính vô sản mới chỉ là thắng lợi bước đầu, giai cấp công nhân và nhân dân lao động còn phải tiếp tục đấu tranh để cải tạo xã hội cũ, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Trong đó, việc xây dựng xã hội mới có vị trí quan trọng và quyết định nhất đến thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải tiến hành cuộc đấu tranh liên tục bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa, trải qua các giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, giai cấp công nhân phải làm cuộc cách mạng xã hội, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản thiết lập chính quyền vô sản, phải “tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”[2] và “phải tự nhận lấy sứ mệnh đại biểu cho toàn bộ lợi ích của một dân tộc và do đó lãnh đạo dân tộc ấy về chính trị”[3]. Giai đoạn thứ hai, sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân phải  lãnh đạo và tổ chức xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Chưa đạt được mục tiêu cuối cùng này thì giai cấp công nhân cũng như toàn thể nhân dân lao động chưa được giải phóng hoàn toàn.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1994, tr. 393.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 624.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1993, tr. 530.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét