Âm
mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống
phá cách mạng nước ta hiện nay là đa dạng, với tính chất rất nguy hiểm, vừa
công khai, hợp pháp, vừa bí mật, bất hợp pháp cả trong nước và ngoài nước, trên
tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội với nhiều tổ
chức, nhiều lực lượng… để đi đến mục tiêu cao hơn là loại bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, chia Việt Nam thành
nhiều “quốc gia” trong sự khống chế của chúng. Những thủ đoạn chống phá đó của
các thế lực thù địch đã làm cho cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa
ở nước ta đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, các thủ đoạn chống phá
đó của các thế lực thù địch có đạt được mục tiêu hay không còn phụ thuộc vào
tinh thần cảnh giác, khả năng ngăn chặn, sự chủ động tiến công của ta.
Đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo, tính chất nguy hiểm của âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của
các thế lực thù địch thể hiện ở chỗ: nếu chưa có thể làm cho đồng bào dân tộc, tôn giáo trở thành lực lượng đối lập với
đất nước, chế độ và chính quyền; thì cũng có thể tạo ra sự hòai nghi, sự thiếu
tin tưởng nhất định của đồng bào đối với đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đối với
việc thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo của chính quyền các cấp, đối với sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Những luận điệu xuyên tạc dễ làm cho đồng bào dân tộc, tôn giáo hiểu sai chính sách dân tộc, tôn
giáo của Đảng và Nhà
nước ta, nhầm lẫn giữa sự lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo làm trái pháp luật với tự do,
bình đẳng dân tộc, tôn giáo. Từ đó, một bộ phận đồng bào dân tộc, tôn giáo dễ bị các phần tử xấu kích
động, lôi kéo, có thể đi đến những hành động chống đối chính quyền, chống đối
cách mạng. Trực tiếp “đẩy” một bộ phận đồng bào dân tộc, tôn
giáo về phía đối lập
với chính quyền và cách mạng. Đồng bào dân tộc, tôn giáo sẽ không thể yên ổn làm ăn,
không thể yên tâm lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, chăm lo hạnh phúc cho
bản thân và gia đình mình; mà trái lại, đồng bào còn luôn ở trạng thái không
yên ổn, bỏ bê công việc làm ăn, phải “đối phó” với chính quyền, lén lút làm
việc cho một số phần tử phản động, cực đoan.
Sự ra đi để “tìm Tổ quốc riêng”, việc bỏ
bê ruộng nương, bỏ cả việc thờ cúng tổ tiên… để theo đạo Tin lành Vàng Chứ trong
một bộ phận đồng bào dân tộc Mông đã làm cho đồng bào rơi vào tình cảnh sống
lang thang nay đây mai đó, cuộc sống không ổn định, nhiều giá trị văn hóa của
dân tộc Mông bị mai một…, đã cho thấy tính chất rất nguy hại của âm mưu, thủ
đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn
giáo đối với chính đồng bào dân tộc, tôn giáo mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện ở
Việt Nam.
Đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc
và sự ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong lịch sử dân tộc ta, các dân tộc, các tôn giáo ở Việt Nam sống hòa thuận, luôn
tôn trọng lẫn nhau, không đối đầu nhau, luôn đoàn kết chung sức, chung lòng xây
dựng và bảo vệ đất nước. Những người của các dân tộc và các tôn giáo khác nhau có thể sống chung
trong một làng, trong một dòng họ, thậm chí trong một gia đình, đã tạo nên sự
gần gũi tình cảm quê hương, tình cảm gắn bó dòng tộc, thân thuộc. Các dòng tôn
giáo trên thế giới chảy vào Việt Nam đã hòa quyện với văn hóa Việt Nam, trở
thành một bộ phận góp phần tạo nên nền văn hóa dân tộc thống nhất nhưng đa dạng
và phong phú; đồng bào các dân tộc, tôn giáo sống đoàn kết, hòa thuận và yên ổn làm ăn.
Trong những năm qua, các thế lực thù
địch ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động đồng bào chống đối chính quyền, đòi
ly khai đã tạo ra nhiều “điểm nóng” về chính trị - xã hội, đặc biệt là khu vực
Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Chúng gây mất ổn định chính trị, để tạo cớ
đưa các phái đoàn quốc tế vào xem xét, “giúp” ta ổn định tình hình xã hội,
nhưng thực chất là tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ, thậm chí còn để dễ
bề can thiệp quân sự vào nước ta.
Điều này tuy chưa phá vỡ được khối đại
đoàn kết toàn dân tộc vững chắc của chúng ta; nhưng cũng xuất hiện những biểu
hiện thiếu tin tưởng của đồng bào dân tộc, tôn giáo với bộ phận còn lại của dân tộc
ở mức độ nhất định, ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến khối đại đoàn kết toàn dân
tộc. Việc khiếu kiện, những đòi hỏi, những yêu cầu vì lý do “dân tộc, tôn giáo”
ở khía cạnh này hay khía cạnh khác đã tạo nên những “điểm nóng”, gây mất ổn định,
an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những sự kiện ở 48 Nhà Chung, Thái Hà (Hà
Nội), Mường Nhé (Điện Biên) Cư Kuin (Đắk Lắk) trong thời gian gần đây đã cho thấy rõ
tính chất nguy hiểm và tác hại không nhỏ của vấn đề đối với khối đại đoàn kết
toàn dân tộc và sự ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chúng ta
đã phải mất khá nhiều công sức để xứ lý tình hình.
Đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý
của Nhà nước. Trên thực tế, sự chống
phá của chúng đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự lãnh đạo của Đảng
và sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là ở địa phương, cơ sở. Việc một bộ phận đồng bào dân tộc, tôn giáo bị các thế lực thù địch lôi kéo, đòi hỏi, khiếu
kiện, thậm chí có hành vi chống đối chính quyền đã gây rất nhiều khó khăn, phức
tạp trong quá trình xử lý, ổn định tình hình để chăm lo phát triển kinh tế - xã
hội của các cấp ủy và chính quyền ở các địa phương. Chính quyền địa phương ở
một số nơi khu vực Tây Bắc, như Hà Giang, nơi diễn ra một bộ phận người Mông bị
kẻ xấu lôi kéo, kích động theo Tin Lành Vàng Chứ từ nhiều năm nay, đã gặp nhiều
khó khăn trong quản lý xã hội, quản lý dân cư, quản lý hộ khẩu, thực hiện chính
sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Ở một số nơi, thậm chí có trường hợp một số cán bộ chính
quyền cơ sở bị “vô hiệu hóa”. Các thế lực thù địch không chỉ nhằm làm mất ổn
định chính trị - xã hội, mà chúng còn nhằm làm tha hóa, biến chất, mua chuộc,
dụ dỗ, lôi kéo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở, vô hiệu hóa đội ngũ cán
bộ, “thúc đẩy” đội ngũ cán bộ làm việc “không tự giác” cho chúng.
Tình hình an ninh - chính trị ở các huyện, tỉnh ở Tây Nguyên
còn khá phức tạp bởi các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân
tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn, trình độ kinh tế và dân trí thấp của đồng bào
các dân tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo để chống phá, gây mất ổn định chính
trị - xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã tốn khá nhiều nhân lực, vật lực để dẹp nạn
Fulro, tạo lập, giữ vững môi trường an ninh và ổn định cho Tây Nguyên, nhưng sự
ổn định vẫn chưa thực sự bền vững.
Một thực tế cho thấy, trên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số
có sự phức tạp của vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo bởi sự chống phá của các thế lực
thù địch, đời sống của đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo còn rất khó khăn,
sự ổn định trên địa bàn không vững chắc. Đảng và Nhà nước ta đã phải thành lập
các ban chỉ đạo để tăng cường quản lý, tập trung phát triển các địa bàn này,
trong đó có việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, làm thất bại âm mưu,
thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét