Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay

 

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được những biểu hiện của bệnh ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên, đó là: “Chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hòa công tác và học tập;… phàn nàn trước những khó khăn của việc đọc tài liệu, khó khăn đào sâu suy nghĩ”. Nhận thấy những nguy hại của căn bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, Đảng ta đã chỉ rõ, lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới cũng là biểu hiện của sự suy thoái. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, cần “khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”. Việc nhận diện đúng các biểu hiện của căn bệnh này là cơ sở quan trọng để đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời. Có thể thấy, bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay tập trung ở những biểu hiện sau:

Thứ nhất, không ít cán bộ, đảng viên không nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị mà thường tập trung cho học tập chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí có người còn cho rằng đó là việc làm “vô ích” gây lãng phí thời gian, công sức. Đã có không ít người thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị, thậm chí tìm mọi lý do để trốn tránh không tham gia học tập.

Thứ hai, một bộ phận cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị chưa thực sự nghiêm túc, còn thực hiện qua loa, đại khái, hình thức. Vẫn còn tư tưởng học để có đủ bằng cấp, đủ điều kiện để được đề bạt, bổ nhiệm, nên chưa thật sự toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu, học tập. Một số người chấp hành kỷ luật học tập không nghiêm, đi học thì “đánh trống ghi tên”, gượng ép, đối phó; vi phạm quy chế học tập, như nhờ đi học, nhờ thi hộ, bỏ học, bỏ thi, sử dụng điện thoại, làm việc riêng trong lớp học; thiếu tích cực, thiếu chủ động nghiên cứu tài liệu trong học tập; ngại trao đổi, thảo luận, quay cóp khi thi, sao chép khi làm bài thu hoạch.

Thứ ba, một bộ phận cán bộ, đảng viên không vận dụng tri thức đã học để xem xét giải quyết các vấn đề của địa phương, cơ quan, đơn vị mình; không sử dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn công việc theo chức trách, nhiệm vụ; học không đi đôi với hành; lý luận chưa gắn với thực tiễn.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét