NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ TỰ DO TÔN GIÁO
Một số người Việt chống cộng ở hải ngoại có quan điểm chống
đối chính quyền Việt Nam, đã dựa vào chính sách chung của chính quyền Mỹ, rất
coi trọng các quyền tự do, mà trong đó, quyền tự do tôn giáo gần như được xem
là hàng đầu, để từ đó tạo những ảnh hưởng, tác động vào các sinh hoạt chính trị
trong cộng đồng người Việt Nam. Năm 1988, khi đặt chân lên đất Thái Lan, ngay
trong trại tị nạn dành cho người vượt biên, tôi đã rất ngạc nhiên vì trong môi
trường đầy khó khăn, thiếu thốn và hoang mang vì tương lai bấp bênh, vô định,
thế nhưng các hoạt động về tôn giáo đã diễn ra sôi nổi mang đầy màu sắc chính
trị.
Các Ban trị sự, Hội đồng liên tôn các tôn giáo đã tập hợp
các tín hữu, con chiên, đạo hữu của mình thành những đoàn thể để hoạt động
không thuần túy về tôn giáo, mà còn nhằm xuyên tạc, chỉ trích chính quyền Việt
Nam. Nhiều tài liệu, sách báo, thông tin từ hải ngoại được ấn hành, đưa vào trại
tị nạn phát tặng miễn phí, kích động chống Việt Nam như báo Đường Sống (Mỹ),
báo Quê Mẹ (Pháp) hay các tổ chức như BPSOS (Boat people SOS - Ủy ban cứu trợ
người vượt biển).
Khi định cư ở Mỹ từ tháng 2/1991, tôi nhận thấy nhiều cơ sở
tôn giáo được mở mang, phát triển và hoạt động rất năng động. Nhiều nhà thờ,
nhà chùa mới được thành lập từ những vận động, đóng góp chủ yếu từ các cá nhân.
Gắn liền với những kỷ niệm từ quê nhà, không ít nhà thờ, ngôi chùa lấy tên
trùng với những nơi thờ tự quen thuộc như Giáo xứ Tân Sa Châu, Giáo xứ Tân Bùi
Chu, Phát Diệm, Chùa Dược Sư, Chùa Vĩnh Nghiêm… Chính những cơ sở tôn giáo này
cũng tự biến thành nơi hội họp, sinh hoạt chính trị vì các nhân sự, thậm chí
các nhà lãnh đạo tôn giáo ở hải ngoại ít nhiều cũng nhuốm mùi chính trị cực
đoan.
Ý niệm về “đấu tranh tôn giáo” với “đấu tranh cho dân chủ, tự
do” đã trở thành phương tiện, là công cụ cho các cá nhân, tổ chức chống cộng cực
đoan khai thác triệt để nhằm lợi dụng lòng tin của người dân còn mơ hồ, hay có
định kiến với chính quyền Việt Nam. Các lãnh đạo cộng đồng, tổ chức chống cộng
thường xuyên theo dõi các biến động xã hội trong nước không ngừng biến các hiện
tượng được chú ý thành các “vấn đề tôn giáo” nghiêm trọng. Thí dụ, vụ án của
linh mục Nguyễn Văn Lý, ngày 30/3/2007, tại Thừa Thiên Huế, Tòa án nhân dân tỉnh
Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa công khai xét xử Nguyễn Văn Lý và đồng bọn về tội
“Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại
khoản 1, điều 88 - Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại phiên tòa cho thấy thái độ bất hợp tác của ông Lý khi luôn tỏ ra chống đối,
thậm chí đạp vào vành móng ngựa, hô hào, gây ồn ào. Ông Lý đã bị một nhân viên
an ninh bịt miệng để giữ trật tự, và một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc này đã được
báo chí phương Tây, giới truyền thông chống cộng khai thác thành sự kiện “đàn
áp, bịt miệng tự do tôn giáo”.
Khi sự kiện xảy ra, tôi và các đồng nghiệp của tuần báo Việt
Weekly đã về Việt Nam, xin phép chính quyền về tận xã Thủy Biều, TP. Huế để tìm
hiểu sự việc. Tại họ đạo Nguyệt Biều, đoàn báo chí từ hải ngoại của chúng tôi
được tự do phỏng vấn các giáo dân tại địa phương về sinh hoạt tôn giáo tại đây.
Các giáo dân kể chuyện cha Lý đã có công sửa đường, làm nhà vệ sinh công cộng,
cấp con giống, cây trồng, mở lớp dạy máy tính, dạy ngoại ngữ miễn phí để đánh lừa,
dụ dỗ niềm tin của một bộ phận giáo dân. Vụ án điển hình này cho thấy sự cấu kết
của các tổ chức chính trị ở hải ngoại với các nhân vật chống đối đội lốt tôn
giáo. Thông qua việc móc nối, vận động để xin tiền từ các tổ chức, cá nhân ở hải
ngoại, ông Lý đã tham gia làm cố vấn vào “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam”
năm 2000, kích động giáo dân ký đơn đòi đất vốn của Giáo hội Thiên Chúa giáo đã
giao cho hợp tác xã quản lý từ năm 1975, gây mâu thuẫn giữa người dân và chính
quyền.
Đoàn phóng viên báo Việt Weekly cũng có mặt tại Hà Nội để
tham dự buổi họp báo của Đại sứ Mỹ ở Việt Nam là ông Michael Marine, khi được hỏi
về bức hình “bịt miệng cha Lý” ở phiên tòa, ngài đại sứ cũng nêu rõ là hành động
gây rối trật tự ở tòa án, nếu ở Mỹ cũng sẽ bị ngăn chặn bằng vũ lực. Tuy nhiên,
theo góc nhìn của nhà ngoại giao Mỹ, thì chính quyền Việt Nam cũng cần phải có
động thái trao cho các công dân của mình “không gian rộng rãi hơn để biểu đạt ý
kiến của mình”.
Những vụ án mang màu sắc tôn giáo liên quan đến vấn đề tranh
chấp đất hay bất động sản, qua quan sát của tôi, hầu hết đều có sự tác động của
các thế lực chính trị hải ngoại kích động, xúi giục. Cái gọi là “Yểm trợ đấu
tranh tôn giáo” ở hải ngoại được tiến hành rất bài bản. Họ tập hợp nhau tại các
địa điểm công cộng như công viên, khu chợ, bãi đậu xe, trung tâm thương mại,
nơi có đông đảo người dân gốc Việt sinh sống để tổ chức các buổi “thắp nến cầu
nguyện” hay “tuyệt thực cho tự do, nhân quyền”. Các tổ chức chống cộng này cho
rằng các vụ tranh chấp đất đai ở những địa phương có cộng đồng người Công giáo
sinh sống nhằm mục tiêu “thu hẹp tài sản của Giáo hội Công giáo, chia cắt nơi
cư trú của đồng bào giáo dân, hòng làm suy yếu sự phát triển của Công giáo nói
riêng”. Đây là những luận điệu xuyên tạc vô cùng ngớ ngẩn. Vì quyền làm chủ đất
đai nào là của người Công giáo? Chính quyền địa phương mỗi nơi đều có quy định
theo pháp luật để tiến hành thay đổi môi trường sống, sự phát triển của đô thị
theo nhu cầu thực tế. Thế nhưng việc chuyển đổi quỹ đất này đã bị thổi phồng
thành những vụ án “đàn áp tôn giáo” gây nên nhiều ngộ nhận cho người ở hải ngoại
thiếu thông tin về sự việc.
Mặt khác các đối tượng chống cộng luôn phao tin rằng, người
Cộng sản là “vô thần,” người Cộng sản coi “tôn giáo là thuốc phiện”, một khi
tôn giáo ở Việt Nam lớn mạnh, sẽ trở thành những lực lượng đối kháng có thể đè
bẹp chế độ! Vì vậy chính quyền Cộng sản Việt Nam phải áp dụng các cách đàn áp
tinh vi, làm suy yếu tôn giáo. Từ đây họ đã đánh vào tâm lý chung của những gia
đình di cư năm 1954, các quan chức chế độ Việt Nam cộng hòa luôn có ánh nhìn
hoài nghi về chính sách tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Chính những cơ quan
“truyền thông đen”, mang danh nghĩa là “truyền thông quốc tế” như BBC, RFA,
VOA,.. mà nhân sự của các “đài Việt ngữ” phần lớn đều là những người làm truyền
thông thiếu khách quan, thiếu thiện chí trong việc đưa tin, thổi phồng về vấn đề
tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhiều phóng sự, hội luận của các kênh này luôn khai
thác các nhân vật đối lập, hay “bất đồng chính kiến” để gây hoang mang cho người
dân ở hải ngoại, bằng những thủ thuật kích động nhưng lại tỏ ra khách quan, đa
chiều.
Đồng thời nhu cầu về tâm linh, thể hiện tình yêu nước đã nhuốm
màu sắc chính trị với chiều hướng cực đoan. Ở vùng nam California, tôi đã từng
ghi nhận, phỏng vấn nhiều tu sĩ, các cha, các nhà sư từ trong nước đi sang Mỹ
theo diện thăm thân hay du lịch, nhưng khi tìm hiểu, đi sâu vào vấn đề, mới rõ
là họ được một số cá nhân, hoặc tổ chức chính trị ở hải ngoại mời đi Mỹ để “gây
quỹ từ thiện” hay “xin quyên góp xây dựng nhà thờ, xây chùa” ở Việt Nam. Mỗi buổi
họp mặt này, những bài than khổ về sự khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo ở Việt
Nam đều được các vị nêu lên theo ánh nhìn thiếu thiện chí, gợi niềm thương cảm
trong cộng đồng. Nếu không trực tiếp về Việt Nam để tìm hiểu rõ sinh hoạt tôn
giáo ở Việt Nam, nhiều bà con ta cứ ngỡ ở Việt Nam không được đi lễ, không được
đi chùa vì các cơ sở tôn giáo này do “Nhà nước quản lý”!
Điều đáng quan ngại hơn nữa, đó chính là sự hà hơi, tiếp tay
của các vị “dân cử người Mỹ gốc Việt” trong các dịp tranh cử các vị trí như nghị
viên thành phố, thị trưởng thành phố, nghị sĩ tiểu bang hay liên bang. Câu chuyện
“đấu tranh cho tự do tôn giáo, quyền con người” tiếp tục được họ đưa ra để vận
động tranh cử. Điển hình như các thành phố có đông người Việt cư trú như
Westminster, Garden Grove, Fountain Valley, Santa Ana… (miền nam California),
hay San Jose (miền bắc California), các chính trị gia đã tận dụng chiêu bài
tranh cử không gì khác hơn là “chống cộng và đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Việt
Nam”. Đây là những khẩu hiệu, chiêu bài dễ hô hào, dễ tạo sự quan tâm của cử
tri.
Ngân sách tranh cử như chiếc bánh được chia chác nhau theo từng
phần: Giới lãnh đạo cộng đồng chống cộng tổ chức biểu tình, kêu gọi cử tri ký
thỉnh nguyện thư đòi quyền con người cho các nhà đối lập trong nước. Còn các cơ
quan “truyền thông đen” thì được nhận phần quảng cáo cho những thông điệp chính
trị sặc mùi mị dân như “đòi quyền tự do con người cho người dân Việt Nam”. Từ
đây đã tạo thành một bộ máy tuyên truyền, xuyên tạc, một “kỹ nghệ chống cộng”
mang tính vòng tròn khép kín để thỏa mãn lòng hận thù tồn tại từ trước, nhằm
bào mòn tình cảm gắn bó của người dân trong và ngoài nước. Và trên hết, để vừa
có danh, vừa có lợi, họ đã bất chấp sự công bằng, lẽ phải và quyền lợi tối thượng
của dân tộc là sự ổn định xã hội để phát triển kinh tế, đưa đất nước từ nghèo
khó sau chiến tranh, tiến lên một nước có nền hòa bình bền vững, ổn định lâu
dài để phát triển.
Là người sống trong cộng đồng lâu năm, theo dõi những diễn
biến chính trị và sinh hoạt cộng đồng một cách toàn diện, nên tôi đã nhận diện
được rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, gây hoang mang
chia rẽ tôn giáo của các tổ chức chống cộng lưu vong. Theo tôi, hành động của họ
không vì bất cứ lòng trắc ẩn, tình đồng bào nào hết, ngoài việc tạo nên những
cái “bánh vẽ” to tướng khiến một bộ phận người trong nước có tinh thần vọng ngoại
hiểu sai lệch vấn đề về tự do tôn giáo, hay quyền con người. Cần phải hiểu rằng
tự do của mỗi cá thể trong xã hội phải đặt dưới quy định của luật pháp, không
thể tùy tiện nhân danh sự tự do để sinh hoạt tôn giáo mang tính chính trị, chống
phá chế độ.
Nguồn Tuyên giáo TW
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét